14 năm trôi qua kể từ thời khắc chiếc máy bay mang số hiệu 11 của hãng hàng không American Airlines đâm vào toà tháp thứ nhất, tháp phía bắc thuộc Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ngày 11/9/2001. Vụ việc đã làm hơn 3.000 người thiệt mạng và để lại nhiều di chứng đau thương về sau. Sau 14 năm diễn ra sự việc, hãy cùng nước Mỹ tưởng niệm các nạn nhân và cùng hoài niệm lại những kí ức đau buồn không thể nào quên trong ngày lịch sử đó.
102 phút kinh hoàng chấn động lịch sử nước Mỹ
Sự kiện 11.9 là một cuộc tấn công khủng bố liên hoàn diễn ra vào thứ Ba, ngày 11.9.2001. Theo đó, một nhóm không tặc đã cướp 4 máy bay Boeing nội địa của nước Mỹ. Đầu tiên, không tặc lái hai phi cơ lao thẳng vào tòa Tháp Đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới tại Manhattan (New York, Mỹ), mỗi chiếc đâm vào một trong hai tòa tháp cao nhất, cách nhau khoảng 18 phút.
Một nhóm không tặc khác lái chiếc phi cơ thứ ba đâm vào tổng hành dinh của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tại Lầu Năm Góc ở Quận Arlington, Virginia. Chiếc máy bay thứ tư rơi xuống một cánh đồng gần Shanksville thuộc Quận Somerset, Pennsylvania, sau khi hành khách trên máy bay chống cự lại nhóm không tặc này.
Trong vòng hai tiếng đồng hồ, cả hai tòa tháp bị sụp đổ hoàn toàn. Và 102 phút chấn động đó đã cướp đi sinh mạng của gần 3000 người và để lại rất nhiều ảnh hưởng về sau.
Trong vòng hai tiếng đồng hồ, cả hai tòa tháp bị sụp đổ hoàn toàn. Và 102 phút chấn động đó đã cướp đi sinh mạng của gần 3000 người và để lại rất nhiều ảnh hưởng về sau
Gần 3000 người thiệt mạng
Gần 14 năm trôi qua, ngày 11/9 đen tối vẫn ám ảnh người Mỹ và nhân loại bởi số người thiệt mạng trong vụ việc là quá lớn. Trong số những danh sách dài bi thương đó, người ta thống kê được có đến 343 lính cứu hỏa và 23 cảnh sát của thành phố thiệt mạng. Những nạn nhân xấu số trong vụ thảm kịch có độ tuổi từ 2 đến 85.
19.500 mảnh thi thể của các nạn nhân được tìm thất trong đống đổ nát sau khi biểu tượng của thành phố New York sụp đổ. Chỉ 291 thi thể trong số gần 3.000 người thiệt mạng còn nguyên vẹn. Đau đớn khi nghĩ đến 3.051 trẻ mất cha mẹ trong trong vụ khủng bố và tương lai vô cùng khó khăn của các em sau này.
Những con số đau lòng này chắc hẳn sẽ mãi ám ảnh tâm trí người dân Mỹ và người dân toàn thế giới, họ khiếp sợ khi chỉ chưa đầy 2 tiếng đồng hồ, gần 3.000 con người đã vĩnh viễn không bao giờ được nhìn thấy ngày mai.
Nỗi đau âm ỉ cùng kí ức kinh hoàng với những người sống sót
Hơn một thập kỷ đã qua đi nhưng người dân Mỹ vẫn chưa hết bàng hoàng và nỗi đau vẫn còn vẹn nguyên trong lòng họ mỗi khi nhớ về sự kiện 11/9/2001. Sau vụ khủng bố ngày 11/9, người dân Mỹ đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc đan xen.
“Quý bà phủ bụi” Marcy Borders, một nhân viên 28 tuổi của ngân hàng Bank of America đã may mắn thoát khỏi vụ khảm kịch đó. Tuy nhiên, trong suốt quãng thời gian sau này, cuộc sống Marcy đã thay đổi theo chiều hướng đi xuống và cô luôn bị ám ảnh về cái ngày kinh hoàng ấy. Cô phải chiến đấu với bệnh trầm cảm nặng và trở nên con nghiện cocaine. “Tôi đã không làm công việc nào trong gần 10 năm qua, và đến năm 2011 tôi đã hoàn toàn bị bấn loạn. Tôi bị ám ảnh rằng Osama Bin Laden đã lên kế hoạch để tấn công nhiều hơn. Mỗi lần tôi nhìn thấy một chiếc máy bay, tôi cảm thấy vô cùng hoảng sợ. Nếu tôi thấy một người đàn ông đứng trong một tòa nhà, tôi bị ám ảnh rằng anh ta sẽ bắn tôi”, Marcy Borders chia sẻ với báo chí.
“Quý bà phủ bụi” Marcy Borders, một nhân viên 28 tuổi của ngân hàng Bank of America
Mùa hè năm ngoái, Marcy được các bác sỹ thông báo mắc bệnh ung thư dạ dày và sẽ phải trải qua một đợt điều trị bằng hóa chất. Sau đó, các bác sỹ tiếp tục lên kế hoạch điều trị cho cô bằng phẫu thuật, xạ trị và hóa trị liệu trong tháng 12/2014. Và đến ngày 24/8/2015, cô đã mất. Cái chết của Marcy khiến người thân không khỏi đau lòng và một lần nữa lại khiến họ phải hồi tưởng về ngày 11/9/2001.
Marcy Borders và con trai
Khi nhớ đến đoạn hồi ức đau thương về ngày 11/9, anh Gordon W. Felt – thân nhân của một phi hành đoàn xấu số trên chuyến bay số 93, cũng không khỏi bần thần. Chuyến bay số 93 cũng là một trong những máy bay bị không tặc đánh cướp. Những con người trên chuyến bay xấu số này đã can đảm buộc nó phải đâm xuống đất, thay vì mục tiêu dự định nằm ở Washington. Và để tưởng nhớ những con người này, khu tưởng niệm quốc gia chuyến bay số 93 đã được xây dựng.
Gordon Felt trong Khu tưởng niệm quốc gia chuyến bay số 93
Tuần trước, ông Gordon Felt, Chủ tịch hội các gia đình của chuyến bay số 93 đã trở thành một trong những người đầu tiên nhìn ngắm bên trong khu tưởng niệm. Khi bước sang qua những hiện vật còn sót lại của chuyến bay 93, ông Felt đã cho hay: "Khi lần đầu đặt chân đến khu tưởng niệm này, nhìn lại các di vật còn sót lại, tôi không có được sự bình an. Tôi nhìn thấy bạo lực. Tôi thấy nỗi kinh hoàng của ngày đó hiện diện khắp nơi. Nhưng giờ khi quay trở lại đây tôi đã cảm thấy an lòng hơn rất nhiều".
Khu trưng bày mới được khai trương trong Khu tưởng niệm quốc gia chuyến bay số 93
Suốt 14 năm sau sự việc đau lòng này, không chỉ có Marcy Borders hay ông Gordon W. Felt bị ám ảnh, mà còn rất nhiều nỗi đau âm ỉ để lại trong lòng những người thân, những người may mắn sống sót.
Người mẹ gục trên phiến đá khắc tên con trai ở Đài tưởng niệm quốc gia, nơi từng là tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới, biểu tượng của thành phố New York và nước Mỹ.
Đối với nhiều người, nỗi đau từ vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9 sẽ mãi mãi không nguôi, dù thời gian vẫn không ngừng trôi.
Nỗi ám ảnh về ung thư với những người sống sót
Vụ khủng bố đã qua 14 năm, nước Mỹ cũng đã lấy lại diện mạo của mình, nhưng những di chứng mà vụ việc này để lại cho người dân vẫn còn tồn tại. 14 năm trước, họ thoát khỏi cái chết bi hoàng trong thảm kịch đó, nhưng hiện tại tính mạng của họ lại bị đe dạo bởi căn bệnh ung thư quái ác, nỗi đau tưởng chừng đã lắng xuống thì nay đã quay trở lại.
Bác sĩ Michael Crane, người vận hành Chương trình Sức khỏe WTC tại bệnh viện Mount Sinai ở thành phố New York cho hay "Những người tiếp xúc với đám bụi độc trong ngày 11/9 có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư bởi những hóa chất độc hại tại hiện trường lúc đó”.
Người phụ nữ may mắn sống sót sau thảm kịch
Hàng ngàn người có mặt tại Ground Zero, khu vực xảy ra thảm kịch, trong ngày 11/9/2001 và những ngày sau đó - bao gồm nhân viên cấp cứu, những người sống sót và người dân địa phương – đã bị chuẩn đoán mắc bệnh ung thư. Trong 14 năm qua cho thấy, có rất nhiều người làm việc và sinh sống ở khu vực trung tâm thành phố tại thời điểm xảy ra cuộc tấn công bị mắc các bệnh về hô hấp. Những người bị bệnh trước đó thì trở nên trầm trọng hơn.
Các nhân viên cứu hộ đang cố gắng cứu giúp nạn nhân
Tiêu biểu cho trường hợp nạn nhân đã chết vì ung thư do hít phải khói bụi tại hiện trường ngày 11/9/2001 đó là cô Marcy Borders. Ngày 24/8, cô đã qua đời ở tuổi 42 sau 1 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư dạ dày. Trước khi mất, Marcy đã nói với tạp chí Jersey Journal rằng “Tôi tin và chắc chắn rằng những hạt bụi đó là nguyên nhân bởi vì trước đó tôi hoàn toàn khỏe mạnh. Có thể những hạt bụi đó đã kích thích sự phát triển các tế bào ung thư trong tôi. Tôi không có tiền sử bệnh cao huyết áp, lượng cholesterol cao hoặc bệnh tiểu đường. Không thể có chuyện bạn đang khỏe mạnh và thức dậy vào sáng hôm sau với căn bệnh ung thư”.
Marcy Borders, một nhân viên 28 tuổi của ngân hàng Bank of America
Ngoài Marcy Borders, Glenn Garamella là một trong những người tham gia cứu hộ hiện trường 11/9. Người đàn ông 61 tuổi này đã mắc bệnh suyễn, ngừng thở khi ngủ và đang phải điều trị ung thư. Ông Garamella cho hay "Các cơn ho trở nên tồi tệ hơn. Cuối cùng, họ phát hiện ra tôi bị ung thư cổ họng".
Đó chỉ là một số ít trường hợp trong vô vàn những người đang phải đấu tranh với căn bệnh ung thư do hít phải khói bụi tại hiện trường sự việc. Các quan chức y tế cho biết, khoảng 2.000 người đã bị chuẩn đoán mắc bệnh ung thư liên quan đến sự kiện 11/9. Họ đều có mặt tại nơi xảy ra sự việc, họ đa số là nhân viên y tế, nhân viên cứu hộ, các tình nguyện viên – những người đã cố gắng chung sức cứu giúp nạn nhân lúc bấy giờ.
Đó chỉ là một số ít trường hợp trong vô vàn những người đang phải đấu tranh với căn bệnh ung thư do hít phải khói bụi tại hiện trường sự việc
Từ năm 2001 đến 2004, chính phủ liên bang đã thành lập một quỹ đền bù cho tất cả những nạn nhân của chất độc hại hoặc bị chết trong thảm kịch. Sau nhiều năm tạm dừng, tới năm 2011, Quốc hội Mỹ đã cho hoạt động lại quỹ này. Hai năm sau đó, các nhà chức trách đã bổ sung thêm 50 loại ung thư khác nhau vào danh mục bệnh đủ điều kiện hưởng bồi thường.
Sau 14 năm diễn ra vụ thảm kịch, dù cuộc sống bình thường đã trở lại nhưng vụ khủng bố 11/9 và những nạn nhân của nó sẽ mãi được nhớ đến tại Đài tưởng niệm quốc gia và trong lòng người dân Mỹ. “Chúng ta sẽ không bao giờ quên” là những gì người còn sống muốn nói với những người đã khuất trong ngày 11/9/2001. Và ngày hôm nay (11/9/2015), theo thông lệ, nước Mỹ sẽ tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân trong vụ khủng bố.
Theo Khám phá