7h30 ngày 22/8, Attaullah, 16 tuổi, sử dụng cáp treo băng qua khe núi từ làng của mình để đến trường ở vùng núi hẻo lánh tại Battagram (Pakistan). Tuy nhiên, một sợi dây cáp bị đứt, khiến Attaullah cùng 5 đứa trẻ khác và 2 người lớn bị mắc kẹt trong cabin ở độ cao 275m so với mặt đất.
"Tôi vô cùng sợ hãi, nghĩ rằng không còn hy vọng sống sót. Bọn trẻ cũng bắt đầu la hét. Chúng tôi ôm nhau khi cabin cứ lơ lửng. Tôi tưởng mình đã chết rồi", Attaullah nói với The Guardian từ ngôi làng miền núi Allai.
Từ trái sang: Niaz, Attaullah, Usama, Ibrar Ahmed, Rizwanullah, Gul Faraz và Sher Nawaz, sau khi được giải cứu (Ảnh: The Guardian).
SkyNews công bố đoạn video ghi lại cận cảnh bên trong cáp treo khiến người xem "khiếp vía" (Ảnh cắt từ video).
Ibrar Ahmed, 13 tuổi, cho biết đã nhiều lần mất hy vọng. "Tôi nghĩ mình là người nhỏ nhất nên sẽ chết trước bất cứ ai. Tôi không còn hy vọng khi không thấy sự giúp đỡ nào và nỗ lực đã thất bại cho đến 4 giờ chiều", Ahmed nói.
Thời điểm đó, trực thăng quân sự đầu tiên của Pakistan bắt đầu chiến dịch giải cứu. Irfanullah (14 tuổi) và Rizwanullah (15 tuổi) là hai học sinh đầu tiên được giải cứu bằng trực thăng.
Umraiz, cha của Irfanullah, nghĩ cáp treo sẽ rơi xuống đất và con trai ông sẽ chết.
"Tôi không còn sức lực để nhìn cáp treo và nghĩ sẽ đợi ở đây cho đến khi nó sụp đổ. Tôi đã hét lên bằng cả trái tim và yêu cầu con trai tôi bắt đầu cầu nguyện với Chúa", Umraiz nói.
Umraiz cho biết giới chức địa phương đã biết cáp treo có vấn đề nhưng họ không xử lý. Irfanullah sau đó được đưa đến bệnh viện và đã qua cơn nguy kịch
Còn Rizwanullah cho hay "có thể nhìn thấy cái chết ngay trước mắt". Cậu miêu tả áp lực gió quá lớn khiến cabin đung đưa giữa thung lũng, một bên mặt cabin còn không có cửa.
"Mọi người gào khóc. Nhưng Gul Faraz, một thanh niên địa phương đi cùng trên cáp treo, đã nói rằng chúng ta sẽ sống sót", Rizwanullah kể.
Gul Faraz, 24 tuổi, từng cảnh báo về sự cố cáp treo (Ảnh: The Guardian).
Lính quân đội Pakistan nhảy xuống từ trực thăng để giải cứu các học sinh bị mắc kẹt (Ảnh: Getty Images).
Gul Faraz, 24 tuổi, đã cố kìm nén nỗi sợ hãi để trấn an bọn trẻ. Dẫu vậy, anh không thấy bất cứ cơ hội sống sót nào, mọi thứ xung quanh đều hỗn loạn. Faraz loay hoay với chiếc điện thoại, gọi nhiều lần cho anh trai, người thân và chính quyền địa phương về sự cố cáp treo.
"Điện thoại không bắt được sóng suốt hơn một giờ cabin treo lơ lửng. Ngay khi có tín hiệu, tôi đã gọi tất cả những người mình biết", Faraz nói.
Trời bắt đầu tối, trực thăng buộc trở lại căn cứ để đảm bảo an toàn. Điều này khiến cậu bé Ibrar Ahmed vô cùng thất vọng. Lực lượng cứu hộ sau đó dùng dây cáp làm đường trượt zipline để giải cứu những người còn lại ngay trong đêm.
Hai người lớn được giải cứu cuối cùng sau 16 tiếng mắc kẹt, theo Bilal Faizi, quan chức cơ quan khẩn cấp Pakistan.
Video cuộc giải cứu nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội. Trong một video, một người đàn ông địa phương di chuyển xuống dây cáp và buộc một đứa trẻ vào mình để giải cứu.
Một video khác cho thấy sợi dây lắc lư dữ dội khi đứa trẻ được thắt lưng quanh người và được quân đội kéo lên trực thăng. Hàng nghìn người dân đã tập trung tại địa điểm giải cứu đến tận nửa đêm và đồng loạt hò reo khi những đứa trẻ được giải cứu.
Lực lượng cứu hộ dùng dây cáp làm đường trượt zipline để giải cứu những người còn lại ngay trong đêm (Ảnh: Twitter).
Những đứa trẻ được giải cứu an toàn sau 16 giờ mắc kẹt (Ảnh: AP).
Ngày 23/8, cảnh sát đã bắt giữ Gul Zarin, chủ sở hữu cáp treo, với cáo buộc phớt lờ các biện pháp an toàn. Cáp treo tính phí 10 rupee (0,03 USD) mỗi lượt với học sinh, 20 rupee với người lớn.
"Các nhà chức trách nên hành động khi họ biết về vấn đề của cáp treo chứ không phải khi nó trở thành vấn đề quốc tế", Fayyaz Ali, một giáo viên địa phương, bức xúc lên tiếng.
Năm 2017, cáp treo ở thị trấn nghỉ dưỡng Murree, cách Thủ đô Islamabad hơn 60km về phía Đông Bắc, bị đứt khiến 10 người thiệt mạng.
Theo Dân trí