Bộ Y tế cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có gần 50.000 ca mắc sốt xuất huyết tại 48 tỉnh thành, 17 trường hợp đã tử vong. Cùng kỳ năm ngoái, cả nước chỉ có 17.000 ca mắc sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh, đặc biệt tại 4 tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: VNCDC

Đáng lưu ý, tại 4 tỉnh Tây Nguyên gồm: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, tình hình dịch đang diễn biến hết sức nghiêm trọng, số người mắc không ngừng tăng, hiện đã chiếm gần 75% số ca mắc cả nước khiến bệnh viện bị quá tải.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nguyên nhân sốt xuất huyết gia tặng mạnh tại Tây Nguyên do khu vực này không phải vùng lưu hành sốt xuất huyết phổ biến trong những năm qua nên miễn dịch cộng đồng thấp, khi có dịch dễ bùng phát nhanh.

Theo ông Phu, ý thức phòng dịch của người dân nơi đây còn thấp do chủ yếu là đồng bào dân tộc, có gia đình ký cam kết phòng chống dịch nhưng sau đó cả 12 người cùng mắc bệnh.

Ngoài ra do ảnh hưởng của El Nino, nhiệt độ tăng, hạn hán kéo dài buộc các gia đình phải tăng trữ nước trong các dụng cụ tạo điều kiện cho muỗi phát triển.

Nhận định tình hình dịch năm nay, các chuyên gia dịch tễ cho biết, nếu những năm trước sốt xuất huyết chỉ tập trung ở chủng D1, D2 thì năm nay xuất hiện cả D4, tuy nhiên chưa ghi nhận các trường hợp sốt xuất huyết do muỗi biến đổi gen.

Bộ Y tế đã lập 8 đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ đồng thời có công điện gửi lãnh đạo UBND 63 tỉnh thành đề nghị triển khai mạnh mẽ các chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, huy động tổng thể các ban ngành cùng vào cuộc.

Bộ Y tế cũng giao Sở Y tế các tỉnh sớm phát hiện, giám sát các trường hợp mắc bệnh để xử lý triệt để ổ dịch, đảm bảo phun hoá chất diệt muỗi 2-3 lần cách nhau 1 tuần.

Theo Tri thức trẻ