Maria Jose Coni cùng người bạn Marina Menegazzo đi du lịch.
Chuyến đi của hai cô gái trẻ người Arghentina kết thúc ở Montanita, thành phố ven biển của Ecuador. Maria và Marina đã gặp được hai gã đàn ông ở đây, sau đó ngây thơ nghe theo lời đề nghị của chúng với chỗ ở, đồ ăn.
Vài ngày sau, người ta phát hiện ra hai thi thể cô gái bị nhét trong bọc ni-lông vứt ngoài bìa rừng, vỡ đầu, bị đâm, nhiều thương tích. Đó là Maria Jose Coni và Marina Menegazzo.
Hai túi ni-lông đựng thi thể các cô gái tội nghiệp.
Tương lai sáng lạn, nụ cười hạnh phúc, cả một cuộc đời còn dài phía trước của hai cô gái bỗng chốc đóng sập. Gia đình hai cô, mới chỉ hôm trước vừa mới đăng tin báo mất tích thì 24 giờ sau phải nhận hung tin.
Bạn bè, người thân và rất nhiều người dân trên đất nước Arghentina, kể cả nước ngoài đều bày tỏ lòng xót thương cho số phận hai cô gái trẻ. Trong số đó có cả Tổng thống Arghentina Mauricio Macri.
Tổng thống Arghentina gửi lời chia buồn đến gia quyến hai cô gái.
Tuy nhiên, bên cạnh hàng loạt lời chia buồn đến gia đình Maria, Marina, lại có một bộ phận không nhỏ những người lên tiếng chỉ trích hai nạn nhân. Họ cho rằng đó là lỗi của hai cô gái, là do các cô không có ý thức bảo vệ bản thân nên mới dẫn đến thảm kịch này.
"Phụ nữ sẽ tiếp tục bị giết hại nếu như họ không tự có ý thức bảo vệ chính mình"
"Ai đời lại đi nghỉ qua đêm ở nhà người lạ, nhất là khi người lạ trông như thế kia?", một người dùng Twitter khác bình luận sau khi cảnh sát công bố danh tính thủ phạm sát hại hai cô gái.
Họ hướng mũi dùi trách nhiệm về phía nạn nhân. Hai cô gái yếu đuối, tội nghiệp, thân cô thế cô mất đi tính mạng bởi những kẻ dâm ô khỏe mạnh hơn bỗng dưng trở thành kẻ duy nhất phải chịu trách nhiệm về chính cái chết của mình.
Hai thủ phạm giết chết Maria và Marina.
Thế nhưng, làn sóng đổ lỗi nạn nhân không tồn tại được lâu khi Acosta, một cô gái đã đứng lên thể hiện quan điểm dưới góc nhìn của phụ nữ về vấn đề này.
"Ngày hôm qua tôi đã bị giết chết. Tôi từ chối bị động chạm, thế nên chúng lấy gậy đập vỡ sọ tôi. Chúng đâm tôi rồi bỏ mặc cho tôi chảy máu đến chết.
Thế nhưng tồi tệ hơn cái chết chính là sự miệt thị diễn ra tiếp theo sau đó. Lần đầu tiên khi người ta nhận được thi thể tôi, chẳng ai hỏi rằng lũ khốn nạn đã chấm dứt giấc mơ của tôi, những hy vọng còn đang dang dở và sinh mạng của tôi. Không hề, thay vào đó họ đi hỏi những câu hỏi vô nghĩa...
Cô đã mặc cái gì?
Sao đàn bà lại đi du lịch một mình?
Sao cô lại đi một mình?
Ai bảo đi vào chỗ nguy hiểm làm gì?
Làm phụ nữ đúng là bị coi thường mà. Nhưng giờ đã bớt khắt khe hơn rồi, tất nhiên là do tôi tự đòi hỏi. Làm những gì mình thích, tôi thấy mình xứng đáng không phải bị khi dễ, không phải mong muốn yên phận ở nhà, được đầu tư tiền của vào điều mà mình yêu thích. Chính vì lẽ đó mà tôi bị quy kết là lỗi của mình để bị hiếp dâm sao?"
Đoạn chia sẻ của Acosta đã đạt tốc độ lan truyền chóng mặt, với hơn 700 nghìn lượt chia sẻ trên Facebook. Cư dân mạng đang lên tiếng phản đối những kẻ buộc tội phụ nữ thay vì trừng trị bọn đồi bại đã ngược đại họ.
Hai nạn nhân không đáng phải nhận sự chỉ trích vì lỗi lầm không thuộc về họ.
Trên thực tế, "victim-blaming" là có mục đích rõ ràng, không phải chỉ là sự độc ác của người dưng nước lã chê cười số phận nghiệt ngã của các nạn nhân. Theo một cách lạ lùng và sai trái, đổ lỗi cho nạn nhân khiến cho con người ta cảm thấy thoải mái, cảm thấy an toàn hơn cho chính bản thân mình. Đơn giản là vì bằng cách tìm ra một kịch bản khác cho số phận nạn nhân, họ sẽ tự huyễn rằng nếu mình ở trong trường hợp đó, mình sẽ tìm được đường sống. Và từ đấy, cuộc sống trong mắt họ trở nên tích cực hơn.
Thế nhưng, dù có mang nghĩa vụ xoa dịu tâm hồn, thì victim-blaming vẫn là một tội ác. Ít nhất, là đối với người đã nằm xuống.
Đổ lỗi cho nạn nhân khiến cho chúng ta nghĩ rằng thế giới này là nơi những điều tồi tệ chỉ xảy đến với những người đáng-phải-nhận-nó. Giả sử Maria và Marina không đi với lũ ác quỷ kia, họ sẽ bảo toàn được mạng sống, nhưng sau đó hai gã sẽ lại tìm được các nạn nhân khác và giết chết họ.
Vẫn có án mạng, chỉ là người này hay người kia mà thôi. Tội ác vẫn diễn ra, nạn nhân thì đổi danh tính. Cuộc tranh luận về tính nhân đạo vẫn sẽ lại nổ ra, chẳng có gì thay đổi. Cái cốt lõi cần thay đổi không phải là cô ăn mặc thế nào, cô đi cùng với ai, mà là chặn đứng hai kẻ sát nhân ngay trước khi chúng kịp gây ra tội ác.
Nhờ có Acosta, Maria và Marina mới có cơ hội dùng cái chết của chính họ để nhắc nhở thế giới về thảm kịch mà họ phải chịu đựng, cái thảm kịch họ không tự gây ra cho chính mình!
Theo Trí thức trẻ