Ngày 27/2, phái đoàn Triều Tiên đã có chuyến thăm tới Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), một trong những di sản thiên nhiên thế giới nổi tiếng của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam có 8 di sản thế giới, trong đó có 5 di sản văn hóa, 2 di sản thiên nhiên và 1 di sản hỗn hợp.
Trong khi đó, Triều Tiên có 2 di sản thế giới được tổ chức UNESCO công nhận là Khu lăng mộ Goguryeo (Khu lăng mộ Cao Câu Ly) được công nhận vào năm 2004 và Các di tích và khu vực lịch sử ở Kaesong được công nhận vào năm 2013.
Khu lăng mộ Goguryeo
Quần thể Lăng mộ Cao Câu Ly là quần thể những ngôi mộ ở Bình Nhưỡng và Nampho, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Đây cũng là di sản thế giới đầu tiên của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên được UNESCO công nhận.
Khu lăng mộ Cao Câu Ly. (Ảnh: Du lịch tầm nhìn)
Quần thể này bao gồm 30 ngôi mộ nằm rải rác của vương quốc Cao Câu Ly, một trong Tam Quốc ở bán đảo Triều Tiên. Đây là một trong những vương quốc mạnh nhất ở bán đảo Triều Tiên và Đông Bắc Trung Quốc tồn tại từ năm 37 TCN đến thế kỷ thứ 7.
Hiện có 10.000 ngôi mộ thời Cao Câu Ly nhưng chỉ có khoảng 90 ngôi mộ ở Đông Bắc Trung Quốc và Triều Tiên được khai quật là có các bức tranh tường.
Quần thể là nơi chôn cất vua chúa, hoàng hậu và các thành viên của gia tộc hoàng gia. Những bức tranh độc đáo được tìm thấy tại các ngôi mộ mang đến một cái nhìn độc đáo về cuộc sống hàng ngày thời Cao Câu Ly. Trong số quần thể được đưa vào danh sách Di sản thế giới có cả lăng mộ của vua Đông Minh.
Các di tích và khu vực lịch sử ở Kaesong
Di tích lịch sử và các di chỉ khảo cổ ở Kaesong nằm ở thành phố Kaesong, ở phía nam của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Khu di tích này gồm 12 phần riêng biệt đã là các minh chứng cho lịch sử và văn hóa của triều đại Cao Ly từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 14.
Các di tích và khu vực lịch sử ở Kaesong. (Ảnh: David Stanley)
Bố trí bình phong của cố đô ở khu công nghiệp Kaesong, cùng cung điện, ngôi mộ hoàng gia, bức tường phòng thủ và các cổng thành ra vào thể hiện các giá trị về chính trị, văn hóa, triết học và tinh thần của một thời kỳ quan trọng trong lịch sử của khu vực.
Các di tích ghi nhận cũng bao gồm đài quan sát thiên văn, hai trường học (trong đó có một dành riêng cho giáo dục cho các quan) và bia kỷ niệm.
Di sản đã chứng minh cho sự chuyển đổi từ Phật giáo sang tân Nho giáo ở khu vực Đông Á và việc đồng hóa các giá trị tinh thần, chính trị, văn hóa của quốc gia đã tồn tại trước khi thống nhất Hàn Quốc dưới triều đại Cao Ly.
Sự hội nhập của Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo và khái niệm bình phong đã được thể hiện trong quy hoạch của các di tích cùng kiến trúc đặc sắc của nó. Nơi đây từng là cố đô của triều đại Cao Ly, những ngôi mộ của gần như tất cả các vị vua của vương triều Cao Ly đều được đặt tại khu vực này, một số ngôi mộ bị hư hại.
Các ngôi mộ đáng chú ý bao gồm mộ của Thái Tổ, các vị vua Huệ Tông, Cảnh Tông, Thành Tông, Hiển Tông, Văn Tông và Cung Mẫn Vương.
Kaesong cũng là khu vực có hai ngôi mộ hoàng gia có niên đại từ thời vương triều Triều Tiên, đó là Lăng mộ Hoàng gia Hurung của vua Triều Tiên Định Tông, và Lăng mộ Hoàng gia Cherung chứa hài cốt của nữ hoàng Sinui, vợ của vua Triều Tiên Thái Tổ, người sáng lập ra triều đại.
Hai ngôi mộ cuối cùng, mặc dù thuộc gia đình hoàng gia triều đại Triều Tiên, nhưng đã bị loại khỏi danh sách Di sản thế giới tại Hàn Quốc là Quần thể lăng mộ Vương tộc của nhà Triều Tiên vì vị trí của chúng nằm ở Bắc Triều Tiên.
Theo VTC