Thông tin mới nhất về 2 học sinh bị sốc phản vệ nặng sau tiêm vaccine Covid-19 tại huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang: hiện cả 2 đang được theo dõi sức khỏe tại Bệnh viện Bạch Mai.

2 học sinh sốc sau tiêm vaccine Covid-19: Vì sao không dừng tiêm?-1
Ảnh minh họa

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bắc Giang cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, Sở đã kịp thời phối hợp với các đơn vị liên quan để cấp cứu các trường hợp sốc phản vệ, đồng thời đưa các học sinh nặng đi cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai.

Theo vị lãnh đạo này, sau khi sự cố xảy ra, buổi tiêm chủng vẫn diễn ra bình thường và đã hoàn thành các mũi tiêm cho khoảng 700 học sinh tại 2 trường: Trường THPT Sơn Động số 2 (xã Cầm Đàn, huyện Sơn Động) và Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Huyện (thị trấn An Châu, huyện Sơn Động).

Lý giải cho việc không dừng tiêm lô vaccine này khi sự cố trên xảy ra, lãnh đạo Sở cho biết, đây chỉ là trường hợp hy hữu, không ai mong muốn. Việc 4 học sinh gặp phản ứng phản vệ (2 trường hợp nặng, 2 trường hợp nhẹ) là do cơ địa. Trước khi tiêm, cả 4 em đều được khám sàng lọc kỹ và đều đạt tiêu chuẩn tiêm chủng.

2 học sinh sốc sau tiêm vaccine Covid-19: Vì sao không dừng tiêm?-2
Trước khi tiêm vaccine, tất cả học sinh đều được khám sàng lọc kỹ càng

Tình trạng cụ thể của 2 học sinh sốc phản vệ nặng

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Sơn Động, 2 trường hợp sốc phản vệ nặng là: H.T.H (sinh năm 2004, học sinh trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Sơn Động) và C.V.T (SN 2005, học sinh Trường THPT Sơn Động số 2).

Trường hợp em H.T.H, tại điểm tiêm lưu động, em đã được khám sàng lọc trước khi tiêm và khai thác tiền sử bệnh tật trong phiếu khám sàng lọc tiêm chủng vaccine Covid-19. Kết luận, em đủ điều kiện tiêm chủng và được chỉ định tiêm vaccine Pfizer mũi 1.

Bệnh nhân được tiêm lúc 13h58 phút ngày 24/11/2021. Sau tiêm 15 phút, em xuất hiện triệu chứng: choáng váng, khó thở, đau tức ngực, buồn nôn, da tái, mạch 85 lần/phút, huyết áp 120/80 mmHg.

Bệnh nhân được các y bác sĩ xử trí tại chỗ bằng Adrenalin 1mg/1ml x 1/2 ống, tiêm bắp nhắc lại sau 5 phút, kháng nguyên Histamin, Cortisol; thiết lập đường truyền tĩnh mạch Natriclorid 0,9%.

Sau đó bệnh nhân được chuyển lên Trung tâm Y tế huyện Sơn Động bằng ô tô chuyên dụng, trên đường chuyển viện, bệnh nhân có biểu hiện da tím tái, nhịp tim chậm, có nguy cơ ngừng thở, SpO2 dưới 90%.

Bệnh nhân được chuyển đến khoa Cấp cứu lúc 15h17p ngày 24/11/2021 trong tình trạng: tỉnh, tay chân lạnh, tức ngực, khó thở, buồn nôn và nôn ra thức ăn, niêm mạc da hồng nhạt, huyết áp 154/105 mmHg, mạch 140 lần/phút, nhịp thở 30 lần/phút, SpO2 88%; tim nhịp nhanh đều, tần số 140 Chu kỳ/phút; phổi 2 bên có rale ẩm rải rác. Em được chẩn đoán phản vệ độ 2, phù phổi cấp.

Các bác sĩ xử trí bằng Adrenalin 1mg x1/2 ống (tiêm bắp); duy trì Adrenalin tĩnh mạch, lợi tiểu, thở Oxy; Morphine.

Sau đó, bệnh nhân xuất hiện ho, khạc ra bọt màu hồng và được chỉ định đặt ống nội khí quản, duy trì Adrenalin, bổ sung No-Adrenalin, Dobutamin, lợi tiểu.

Đến 16h30 kíp cấp cứu Bệnh viện đa khoa tỉnh có mặt, thống nhất như phác đồ đang thực hiện, tiếp tục thở máy, hồi sức tích cực.

17h30 phút, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai bằng xe cứu thương.

Trường hợp thứ 2 là em C.V.T. Sau khi khám sàng lọc, em cũng được kết luận đủ điều kiện tiêm vaccine. Em T được tiêm vaccine lúc 10h27 phút ngày 24/11/2021. Khoảng 30 phút sau tiêm, T xuất hiện triệu chứng choáng váng, khó thở, đau tức ngực, buồn nôn, da tái, mạch 90 lần/phút, huyết áp 160/100 mmHg.

Bệnh nhân được các y bác sĩ xử trí tại chỗ bằng việc thở oxy, Adrenalin 1mg/1ml x 1/2 ống, tiêm bắp cách nhau 5 phút bởi sau tiêm, các triệu chứng không thuyên giảm; thiết lập đường truyền tĩnh mạch Natriclorid 0,9%.

Sau đó bệnh nhân được chuyển lên Trung tâm Y tế huyện Sơn Động. Trên đường chuyển viện, bệnh nhân có biểu hiện da tái, nhịp tim chậm, có nguy cơ ngừng thở, SpO2 dưới 90%, huyết áp 110/70 mmHg. Bệnh nhân tiếp tục được tiêm Adrenalin 1mg/1ml x 3 lần cách nhau khoảng 3 - 5 phút.

Bệnh nhân được chuyển đến khoa Cấp cứu lúc 11h52p ngày 24/11/2021 với các tình trạng lơ mơ, tiếp xúc chậm, da tái lạnh, niêm mạc hồng nhạt, chân tay lạnh, đau ngực trái, khó thở liên tục 2 thì, nhịp tim nhanh 125 chu kỳ/phút, phổi có rale ẩm, rale nổ hai bên, SPO2 75%, nhiệt độ 36,50C, nhịp thở 30 lần/phút, huyết áp 85/50 mmHg, có nhiều bọt màu hồng qua mũi - miệng, lồng ngực trái căng phồng. H được chẩn đoán sốc phản vệ độ 3.

Các bác sĩ tiến hành cho bệnh nhân thở Oxy 10 lần/phút; Adrenalin 1mg/1ml x 10 ống, pha 500 ml Natri clorid 0.9%, truyền tĩnh mạch điều chỉnh theo chỉ số huyết áp của người bệnh; Morphine 10mg/ml; thở oxy qua mặt nạ 10 lần/phút; chọc cấp cứu hút khí khoang màng phổi trái; đặt ống nội khí quản, an thần, lợi tiểu.

Đến 13h, T xuất hiện tình trạng tràn khí khoang màng phổi phải, các bác sĩ tiến hành hội chẩn toàn viện thống nhất mở dẫn lưu khoang màng phổi 2 bên hút dịch liên tục.

Đến 14h30, T ngừng tuần hoàn và được tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn. Sau 5 phút, tim đập trở lại, các bác sĩ tiếp tục duy trì Adrenalin, thở máy.

Đến 15h30 huyết áp T tụt xuống 85/45mmHg và được bổ sung Dobutamin, đặt Caether tĩnh mạch trung tâm.

Đến 16h30 kíp cấp cứu Bệnh viện đa khoa tỉnh có mặt, thống nhất như phác đồ đang thực hiện, bổ sung No - Adrenalin, tiếp tục thở máy, hồi sức tích cực, theo dõi sát sao tình trạng bệnh nhân.

Đến 19h15 kíp cấp cứu số 2 của Bệnh viện tỉnh Bắc Giang đã đến để khám và tiếp tục thực hiện các biện pháp cấp cứu người bệnh và chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu ngay trong đêm.

Theo bác sĩ tại khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, hiện cả 2 học sinh đã qua cơn nguy kịch và có tiến triển tốt.

Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị