"Tôi nằm đó nhưng con trai cứ hỏi mẹ con đâu"
Theo chị Lan, khoảng 18h30 ngày 4/6/2014, Trong lúc đợi con tan học ở gần chợ Ba Đình (P.10, Q.8, TPHCM), chị bị 2 thanh niên mặc áo mưa, đeo khẩu trang tạt nguyên ca axit vào người rồi bỏ chạy. Trời đang dần tối, lại mưa nên đường vắng lặng, tiếng kêu cứu của chị bị mưa át đi, một mình chị quằn quại trong đau đớn.
"Nỗi đau sao có thể tả xiết, tôi chỉ thấy nóng, nóng lắm! Tôi la lên cầu cứu nhưng không ai nghe, rồi ngất xỉu khi nào không hay. Tỉnh lại thấy người dân đã bu quanh, họ xối nước, rồi đưa tôi đến bệnh viện. Đau đớn khiến tôi không nhớ nổi mình là ai", chị Lan kể lại.
Nằm viện ngót một tháng, chị chỉ nghĩ đến con trai mình. Đứa con trai nhỏ dại mới 5 tuổi đầu cứ chạy trốn mỗi khi bà ngoại đưa đến bệnh viện thăm mẹ.
Nó cứ mãi tìm mẹ hết phòng này đến phòng khác, chứ không chấp nhận người phụ nữ quấn vải trăng kín người trên giường bệnh là mẹ mình. Đứa trẻ non nớt đứng trước mẹ mình, mà cứ mãi quay sang hỏi bà ngoại "Mẹ con đâu?".
Chị Lan rưng rưng: "Thấy con trai như vậy, tôi chỉ muốn nhảy xuống lầu tự tử, nhưng ngay cả ăn, cả thở tôi còn không tự mình làm được, nói chi đến việc chết. Tôi cũng không muốn con trai đến gần mình. Tôi muốn nó giữ ký ức vui vẻ về người mẹ xinh đẹp, nhiều khi tôi đuổi con về, rồi nói với mẹ mình đừng dẫn nó vô nữa".
Điều trị trong bệnh viện hơn 1 tháng, mặc dù bệnh viện đã hỗ trợ phần nào chi phí, nhưng chị Lan buộc phải về tự chăm sóc khi nhà cửa, đất đai đã trôi theo tiền thuốc.
Xuất viện về nhà, chị Lan được người ta thương tình cho về trọ trong căn phòng nhỏ. Từ đó trở đi, căn phòng này luôn đóng của im ỉm, những đứa trẻ không dám đến gần. Ngay cả con trai chị cũng chẳng dám bước vô.
"Tụi nó nói mẹ mày là ma"
Được nghe kể nhiều về chị trước đó, nhưng khách đến cũng không khỏi giật mình khi nhìn vào khe hở bên cửa sổ phòng. Nơi có ánh mắt tuyệt vọng của người phụ nữ bất hạnh, cứ mãi nhìn qua ô cửa tìm kiếm một tia sáng để hy vọng vào ngày mai mới mẻ, rồi lặng lẽ khóc khi nghĩ về tương lai của mình.
Nhìn người phụ nữ này, ai cũng không khỏi rùng mình thoáng chút sợ hãi. Gương mặt tròn vành vạnh của chị bị biến chứng, những vết sẹo lồi lõm kéo hai má chảy xệ xuống, mí dưới căng ra khiến đôi mắt khô khốc đỏ ngầu, mũi bị sụp xuống, chị phải đưa ống cao su vào mũi mới thở được.
Khắp người không biết bao nhiêu là sẹo, cứ chạm mạnh vào là máu lại bật ra…
Vết thương nhỏ đè lên vết thương lớn, chị nói chuyện cũng trở nên khó khăn. Cũng chính vì vậy, những đứa trẻ cùng xóm cứ gặp chị là khóc ré lên, chúng nó gọi chị là ma không dám đến gần. Để chúng đỡ sợ hơn, chị Lan cứ đóng cửa suốt.
"Tôi như vậy là đã ra hình người rồi. Phẫu thuật hơn 10 lần, mặt tôi đã đỡ sợ hơn xưa. Cổ vừa mới cắt tách da xong nên cũng dễ chịu, chứ không thì sẹo kéo mặt cúi gầm xuống đất không thở nổi, không ăn được chỉ truyền sữa vào.
Mỗi lần con trai qua thăm, từ bên ngoài nó đã khóc lớn rồi chạy vào phòng, hỏi mãi nó mới trả lời tụi nó nói mẹ mày là ma không chơi chung. Cũng không trách chúng được, mỗi lần tôi ra ngoài tái khám, chúng gặp tôi là chạy trốn, có đứa đứng nhìn rồi khóc ré lên. Mặc dù tôi đã mang khẩu trang kín mít", chị Lan bật khóc.
Nhắc về con trai, chị cho biết từ khi chị bị tạt axit phải gửi con cho người ta nuôi giúp vì nó gặp chị là khóc. "Nhưng sau gần 2 năm, con trai tôi đã chấp nhận mẹ mình, còn hỏi tôi có đau không, thổi vào những vết khâu chằng chịt để tôi đỡ đau. Nó thường hỏi tôi khi nào đẹp lại như xưa để đưa nó đi chơi, họp phụ huynh cho nó", chị Lan tươi cười.
Giờ đây, mặc cho bạn bè trêu ghẹo không dám đến gần, một tuần 2 lần, con trai vẫn đều đặn đến thăm chị Lan, kể cho chị nghe đi học có gì vui, rồi mang sách ra đánh vần với mẹ.
Đôi lúc thằng nhóc lém lỉnh lại hôn nhẹ lên những vết thương của chị. Cậu bé nói: "Con đợi mẹ lành bệnh để mẹ chở con đi học, đi sở thú. Mai mốt con lớn, con sẽ bảo vệ mẹ, không để ai ăn hiếp mẹ nữa".
Nghe con nói, nước mắt hạnh phúc của "người mẹ ma" thi nhau rơi xuống. Chị ước mơ mình có đủ tiền để làm những phẫu thuật quan trọng.
Chị chia sẻ: "Tôi chỉ ước mình được phẫu thuật cho khuôn mặt dễ nhìn, thở được bình thường. Sau đó tôi đi bán vé số kiếm tiền làm các phẫu thuật tách da dính trên người, xong rồi đưa con về quê. Hai mẹ con ở quê sẽ đỡ chật vật hơn và quên đi nỗi ám ảnh nơi xứ người".
Theo Trí Thức Trẻ