Vụ việc xảy ra ngày 6/8/2019, một cháu bé 6 tuổi đã bị bỏ quên trên xe bus đưa đón của trường Gateway suốt từ sáng đến chiều. Khi người ta phát hiện ra sự việc thì cháu bé đã tử vong, lỗi được xác định là do sự bất cẩn của người lớn, nhiều người nghĩ đúng hơn là lỗi của hệ thống 1 trường học.
Vụ việc từng khiến nhiều bậc cha mẹ khóc hết nước mắt, phẫn nộ vì thương xót đứa bé và đau lòng thay cha mẹ đứa trẻ. Đồng thời họ cũng không khỏi lo lắng cho sự an toàn của con em mình trong quãng thời gian giao con cho trường học.
Vụ việc được ghi lại như sau:
Theo cáo trạng, khoảng 6 giờ ngày 6/8/2019, tài xế Phiến điều khiển ô tô chở bà Quy đi đón 13 HS Trường Gateway, cháu Lê Hoàng Long là 1 trong 13 HS đó.
Khi tới cổng phụ Trường Gateway, tài xế Phiến dừng xe và ngồi ở ghế lái; bà Quy mở cửa cho các cháu xuống, nhưng không kiểm tra lại bên trong dẫn đến để quên cháu Long trong ô tô.
Tài xế Phiến sau đó lái xe đi gửi. Tại đây, tài xế Phiến xuống xe, tắt máy, bấm khóa cửa tự động và rời đi mà không kiểm tra khoang hành khách, không làm vệ sinh trong xe.
Theo Viện KSND Q.Cầu Giấy, mặc dù không kiểm đếm HS khi xuống xe nhưng bị cáo Quy vẫn ghi vào sổ nhật ký xe đưa đón là không có HS xuống muộn, dẫn đến việc để quên cháu Long trên xe.
Khoảng 7 giờ 50 ngày 6/8/2019, bị cáo Nguyễn Thị Thủy khi điểm danh đã phát hiện cháu Long vắng nhưng không ghi sĩ số, không cập nhật kết quả lên phần mềm của trường.
Gần trưa, nhân viên giáo vụ nhà trường nhắc nhở và hướng dẫn bị cáo Thủy cập nhật sĩ số lên hệ thống. Bị cáo Thủy đã cập nhật nhưng ghi cháu Long vắng mặt có lý do.
Chiều cùng ngày hôm đó, khi đón HS, bà Quy phát hiện cháu Long nằm bất tỉnh sau ghế lái. Dù được y tế nhà trường sơ cứu và đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng nạn nhân được chẩn đoán đã “ngừng tuần hoàn ngoại viện”.
Trường học nơi xảy ra vụ việc đau lòng liên quan đến tính mạng 1 đứa trẻ 6 tuổi.
Công an quận Cầu Giấy xác định cháu bé đã tử vong do bị bỏ quên 9 tiếng trong ôtô. Vụ việc ở thời điểm xảy ra đã từng gây xôn xao dư luận và dấy lên sự phẫn nộ của các bậc phụ huynh về sự tắc trách của nhà trường, một nơi mà cha mẹ thường yên tâm rằng là nơi an toàn.
Sau đó kết luận bị cáo Doãn Quý Phiến 15 tháng tù giam, bị cáo Nguyễn Bích Quy 2 năm tù, cùng vì tội vô ý làm chết người.
Với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, bị cáo Nguyễn Thị Thủy (30 tuổi, giáo viên chủ nhiệm lớp 1 Tokyo, Trường Gateway) nhận mức án 12 tháng tù, cấm hành nghề 1 năm từ ngày thi hành án.
3 "người lớn" liên quan đến cái chết 1 đứa trẻ bị đi tù. Nhưng nhiều người vẫn cho rằng để xảy ra trường hợp vô cùng đau lòng trên phải nói đến cái sai của cả 1 hệ thống trường học.
Trường Tiểu học Gateway mặc dù đã ban hành các nội quy, quy chế, quy trình vận hành, nhưng sau khi vụ việc xảy ra thì thấy trách nhiệm của nhà trường trong việc kiểm tra, giám sát là chưa chặt chẽ.
Đầu năm 2021, toàn bộ các trường trong hệ thống Gateway ở Hà Nội và Hải Phòng đổi tên thành The Dewey Shools. Một Facebooker có tiếng gần đây đã phát biểu: "Sau cái chết oan ức đau đớn của cháu bé chưa bao giờ trên trang chủ của Gateway có 1 dòng tưởng niệm".
Trường hiện tại đã được đổi tên mới.
Trường Gateway đổi tên để nhìn về phía trước xây 1 môi trường mới an toàn hơn cho học sinh hay để "xóa dấu vết" cho những lỗi lầm cũ? Vụ việc ám ảnh 2 năm trước khiến nhiều cha mẹ hiện tại dường như vẫn chưa thôi hoài nghi về sự an toàn của con em mình trong một môi trường giáo dục.
2 năm, chúng tôi nhắc lại vụ việc đau lòng trên, cũng chỉ với mong muốn những người làm giáo dục luôn có thái độ cẩn trọng đến từng khâu nhỏ nhất. Đặc biệt trên hết phải đưa sự an toàn của con trẻ lên hàng đầu, tránh những sai lầm đáng tiếc có thể xảy ra.
Dạy sai kiến thức khiến trẻ sai về nhận thức cũng tương đối nguy hiểm nhưng vẫn có thể sửa được. Nhưng nếu sai trong 1 khâu nào đó có tính an toàn rất có thể phải đổi bằng tính mạng những đứa trẻ.
Đó là thứ đặc biệt nguy hiểm vì chúng ta sẽ không có bất kỳ cơ hội nào để sửa sai hay... làm lại được nữa.
Theo Sức khỏe đời sống