Rằm tháng Giêng, mọi người nô nức đến chùa thắp hương lạy Phật, hành lễ cầu an… nhưng nhiều người chưa biết ý nghĩa sâu sắc của ngày này trong đạo Phật. Câu chuyện về 2 ngày rằm tháng Giêng đặc biệt trong đời Đức Phật sẽ có thể giúp họ hiểu thêm.

Rằm tháng Giêng đầu tiên trong bước đường hành đạo 

Vào ngày trăng tròn tháng Magha theo lịch Ấn Độ (theo âm lịch Việt Nam là ngày rằm tháng Giêng), 1.250 vị tỳ kheo đã đắc quả A-la-hán, đệ tử của Phật, dù không hẹn trước đã cùng nhau đến đảnh lễ ngài.

Đây là thời điểm 10 tháng sau khi Đức Phật thành đạo, theo Phật giáo Nam truyền. Lúc đó ngài đang ngụ tại Tự viện Trúc Lâm (Veḷuvanavihāra) trong thành Vương-xá (Rājagaha) do vua Bimbisāra (Bình Sa Vương) dâng cúng. 

Đây được coi như là kỳ Đại hội Thánh tăng duy nhất khi Đức Phật còn tại thế, là một trong những ngày lễ thiêng liêng nhất của Phật giáo.

2 rằm tháng Giêng đặc biệt trong cuộc đời Đức Phật-1
Rằm tháng Giêng là ngày Đại hội Thánh tăng. 

Trong ngày trọng đại này, Đức Phật thuyết kinh Giải thoát giáo gồm 13 nguyên tắc cơ bản như sự tóm tắt cô đọng nhất, cực kỳ ngắn gọn của Phật pháp và đời sống tu tập của những người xuất gia theo đạo Phật.

Cứ nửa tháng một lần, các đồ đệ của Phật họp nhau lại một lần để trùng tụng và lắng nghe bản kinh này như một cách ôn tập nhằm thực hành sửa mình, duy trì sự đoàn kết trong tăng đoàn.

Thuở ban đầu, bản kinh được chính Đức Phật đảm trách, chỉ sau đó khi đã có nhiều bản kinh, Ngài mới giao lại cho một vị tỳ kheo. Tới nay, dù Đức Phật đã nhập niết bàn, công việc đạo hạnh này vẫn được duy trì trong các tăng đoàn.

Đây là bản kinh Phật thuyết để dạy dỗ tăng chúng, là kim chỉ nam cho thực hành giáo pháp, cũng là những nguyên tắc sống mà mọi người nên thực hành theo.

Xin trích một đoạn kinh mà sau này Đức Phật nhắc lại khi trả lời ngài A Nan (Ananda) tại tịnh xá Kỳ Viên (Jetavana), được ghi lại trong kinh Pháp Cú:

Không làm mọi điều ác,

Thành tựu các hạnh lành,

Giữ tâm ý trong sạch,

Chính lời chư Phật dạy.

Ngày Rằm tháng Giêng này, dù đến các chùa chiền hay cúng bái ở nhà, nếu bạn cố gắng sửa mình theo những lời dạy này, chắc chắn sự an lạc sẽ đến.

Rằm tháng Giêng cuối cùng của Đức Phật

Tại thành Vesali, vào ngày Rằm tháng Giêng khi Đức Phật đã ở tuổi 80, thấy thân tứ đại đã mòn rã theo luật vô thường và đạo của mình đã được truyền bá khắp nơi, những người đủ sức gánh vác sự nghiệp hoằng dương Phật pháp cũng đã có, Ngài quyết định nhập niết bàn.

2 rằm tháng Giêng đặc biệt trong cuộc đời Đức Phật-2
Đức Phật tuy đã nhập niết bàn nhưng giáo pháp của Ngài còn mãi. 

Hành giả Bình An Sơn viết: Vào ngày trăng tròn tháng Magha, sau khi đi khất thực và thọ trai, Ngài đến nghỉ trưa tại đền Capala. Sau đó, Ngài cùng tôn giả A Nan đi đến giảng đường Kutagara tại rừng Đại Lâm.

Ngài bảo A Nan đi mời tất cả tỳ kheo sống ở gần Vesali tụ họp tại giảng đường này. Rồi Ngài nói với họ: "Này các tỳ kheo, đây là lời ta nhắn nhủ quý vị: Các hành là vô thường. Hãy tinh tấn lên để tự giải thoát, vì không bao lâu Như Lai sẽ diệt độ. Sau ba tháng bắt đầu từ hôm nay, Như Lai sẽ diệt độ".

Ngài nói thêm:

"Ta đã già, dư mạng chẳng còn bao,

Từ biệt quý vị, ta đi một mình.

Tự mình làm sở y cho chính mình

Hãy tinh tấn, chánh niệm, giữ giới luật

Nhiếp thúc ý chí, bảo hộ tự tâm.

Ai tinh tấn trong Pháp và Luật này

Sẽ diệt sinh tử, chấm dứt khổ đau".

Dựa vào sự kiện lịch sử đó, vào ngày rằm tháng Magha (tháng Giêng) mỗi năm, các Phật tử trong truyền thống Phật giáo Nguyên thủy tổ chức kỷ niệm ngày Phật di chúc, 3 tháng trước khi Ngài nhập diệt.

* Thông tin mang tính chất tham khảo

Theo VTC News