Thần đồng nổi danh từ năm 2 tuổi, mẹ nghỉ làm để ở nhà cơm bưng nước rót hầu con học
Ngụy Vĩnh Khang sinh năm 1983, người Hồ Nam, Trung Quốc. Từ năm 2 tuổi cậu đã được mệnh danh là thần đồng thành tích xuất sắc trong học tập của mình.
Khi mới 2 tuổi, Ngụy Vĩnh Khang đã học thuộc 1000 ký tự tiếng Trung, 4 tuổi cậu bé học xong tiểu học, 8 tuổi thi đỗ vào trường trung học trọng điểm của tỉnh. Năm 13 tuổi, Ngụy Vĩnh Khang đỗ vào trường Đại học với thành tích xuất sắc đáng nể. Năm 17 tuổi, chàng trai ấy lại tiếp tục chuỗi chiến tích hiển hách của mình bằng việc đỗ Cao học tại Trung tâm nghiên cứu Vật lí cao cấp của Viện Khoa học Trung Quốc với thành tích xếp thứ 2.
Có thể nói, Ngụy Vĩnh Khang là một trong những biểu tượng của nền giáo dục Trung Quốc. Cậu bé là “con nhà người ta” xuất sắc trong mắt mọi người. Đi đâu người ta cũng nhắc đến Ngụy Vĩnh Khang như một hình mẫu lý tưởng để giáo dục con.
Từ năm 2 tuổi, Ngụy Vĩnh Khang đã được mệnh danh là thần đồng.
Dĩ nhiên, như mọi ông bố bà mẹ khác có con xuất chúng, bà Tăng Học Mai, mẹ của Ngụy Vĩnh Khang đã làm mọi thứ để con có thể phát triển tốt hơn. Dù chỉ là một người công nhân bình thường, kinh tế không khá giả nhưng vì tương lai của con, bà quyết định nghỉ việc để ở nhà chăm lo. Gánh nặng kinh tế dồn cả lên vai người chồng. Bà xác định đồng hành cùng con trong sự nghiệp học hành.
Mẹ của Vĩnh Khang thuê nhà trọ cạnh trường của con khi cậu bé vào học trung học năm 8 tuổi. Tự hào về con, muốn hỗ trợ con nên bà tự nguyện làm mọi thứ để con dành toàn bộ thời gian học bài. Dù Vĩnh Khang đã lớn nhưng bà vẫn đút cơm cho con, tắm cho con, rửa mặt cho con mỗi ngày. Cậu bé không phải động tay động chân vào bất cứ việc gì. Bà luôn có quan điểm con chỉ cần học thôi, cả thế giới để mẹ lo.
Những chứng chỉ, bằng cấp mà Vĩnh Khang từng đạt được
Không chỉ trong việc nhà, giao tiếp của Vĩnh Khang cũng không được giao tiếp với ai. Bà Tăng Học Mai luôn lo sợ các bạn đến nhà chơi làm ảnh hưởng tới việc học của con nên đuổi khéo mọi người về. Dần dần, bạn bè cũng xa lánh, không muốn chơi với Vĩnh Khang. Mỗi khi cậu bé mệt mỏi muốn ra ngoài chơi thì mẹ lại nhồi vào đầu câu nói: “Vào học đi, chỉ có học nhiều thì sau này mới sướng được, mới có tương lai tốt đẹp được”. Nghe vậy, cậu bé thần đồng lại vùi đầu vào bàn học.
Sự tận tụy của bà Tăng Học Mai cuối cùng cũng buộc phải chấm dứt khi Vĩnh Khang đỗ vào Viện khoa học Trung Quốc. Họ yêu cầu nghiên cứu sinh phải sống tự lập một mình. Và bi kịch của thần đồng bắt đầu từ đây!
Bao năm qua chàng trai ấy quen có mẹ làm cho hết mọi việc, không phải động tay vào việc gì nên giờ Vĩnh Khang không thể lo được cho cuộc sống của mình. Từ những việc nhỏ nhất như mặc quần áo Vĩnh Khang cũng không làm được. Căn phòng cậu ở lúc nào cũng như bãi rác vì bừa bộn, bẩn thỉu, không biết dọn dẹp. Ngày thi tốt nghiệp, Vĩnh Khang cũng chẳng nhớ nổi và rồi bị đánh trượt, mất đi cơ hội học Tiến sĩ.
Tháng 8 năm 2003, Vĩnh Khang bị nhà trường đuổi học vì lí do không thể thích nghi được với việc học nghiên cứu sinh. Thực ra là bởi, cậu chẳng thể thích nghi được với cuộc sống.
Bà Tăng Học Mai đã từng rất tự hào về con trai xuất chúng của mình.
Khi biết con bị nhà trường đuổi học, công sức bao năm đổ sông đổ biển, bà Tăng Học Mai đã hét lên vào mặt con: “Nhảy lầu hay đâm vào xe mà chết đi. Con làm mẹ tức chết mất”. Ngày hôm đó, bà Tăng bỏ về quê, còn Vĩnh Khang cũng đi lang thang. Những danh tiếng của một thần đồng đặt dấu chấm hết tại đó!
Sự hối hận muộn màng của người mẹ yêu con sai cách
Sau khi bị đuổi học, Vĩnh Khang đi lang thang khắp nơi không dám về nhà. Anh đi khi chỉ có 500 tệ trong túi. Tới khi không còn một xu, cậu bé thần đồng ngày nào phải nhờ tới cảnh sát để hỗ trợ. Chính trong chuyến đi 39 ngày đó, Vĩnh Khang đã được trải nghiệm những điều mà gần 20 năm cuộc đời cậu chưa từng được biết dù là những chuyện nhỏ nhặt, đời thường ai cũng biết.
Vĩnh Khang cố đi xin việc nhưng ở đâu cũng từ chối vì cậu quá thiếu kiến thức xã hội. Năm 2005, thật may mắn khi viện hàng không vũ trụ đã cố tạo điều kiện cho “cựu thần đồng” vào làm việc. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, Vĩnh Khang đã phải nghỉ việc vì không thể thích nghi được.
Phải tới lúc này, bà Tăng mới nhận thấy sai lầm của mình. Cách mà bà làm cho con lại là cách “giết chết tương lai” của con. Bà đã vô tình tước đoạt hết mọi quyền được sống như một con người của con. "Tôi đã dạy con không đúng. Thời đó tôi chỉ chú tâm đến giáo dục trí thức và thi cử mà quên giáo dục tinh thần tự lập và các kỹ năng sống cho Vĩnh Khang", bà nói.
Sau nhiều năm, bà Tăng Học Mai ngậm ngùi thừa nhận, chính cách nuôi dạy con sai lầm của mình đã hủy hoại tương lai của con.
Vĩnh Khang đã phải học lại mọi thứ khi tuổi không còn trẻ. Anh tự mình tắm giặt, ăn uống… Thật may mắn là sau đó, Vĩnh Khang cũng xin được một việc làm tại công ty phần mềm. Anh chỉ là nhân viên bình thường. Những hào quang của quá khứ lẫy lừng dần rời xa, bà Tăng cảm thấy ngượng ngùng mỗi khi ai đó hỏi về cậu con trai xuất chúng ngày nào của bà.
Năm 2010, Vĩnh Khang kết hôn và rồi sau đó vợ anh sinh con đầu lòng. Ngày lên thăm cháu, bà mẹ đã từng lầm lạc ấy nắm lấy tay con dâu mà dặn dò những điều từ ruột gan mình về việc hãy để cho đứa trẻ được lớn lên một cách tự do, thoải mái, đừng để sai lầm lặp lại như bà đã từng làm với bố của nó.
Theo Khám phá