"Làng thời trang đã trải qua một năm tai tiếng nhất" - Ronn Torossian, chủ tịch kiêm CEO của công ty chuyên xử lý khủng hoảng truyền thông 5W Public Relations, nhận xét.

Hãy thử lấy 2 tháng cuối năm làm ví dụ. Ngày 8/11, Giám đốc Marketing của L Brands - công ty mẹ của Victoria's Secret - tuyên bố người mẫu béo và người mẫu chuyển giới không bao giờ có chỗ trên đường băng của hãng đồ lót danh tiếng. Chưa đầy hai tuần sau đó, ngày 21/11, Dolce & Gabbana phải hủy show diễn hoành tráng tại Trung Quốc vì những chỉ trích xung quanh một quảng cáo phân biệt chủng tộc.

Ngày 14/12, Prada thu hồi bộ sưu tập nữ trang hình những chú khỉ sau khi bị buộc tội mô phỏng hình ảnh gương mặt của những người da đen. Vài ngày sau đó, 18/12, Forever 21 "lên thớt" sau khi đăng ảnh một người mẫu da trắng mặc chiếc áo len có dòng chữ Wakanda Forever được lấy cảm hứng từ bộ phim Black Panther.

Đó mới chỉ là những ngày kết thúc của năm 2018. Liệu có phải công chúng đang ngày càng khắt khe hay những sai lầm của làng thời trang đang ngày càng khó chấp nhận? Những sự kiện này có nói lên được vị trí của ngành công nghiệp thời trang ở thời điểm hiện tại?

2018: Năm thị phi và tranh cãi dữ dội của giới thời trang-1
Dolce & Gabbana vướng scandal lớn nhất năm tại Trung Quốc. 

Hãy cùng nhìn lại những tháng ồn ào trước đó của ngành công nghiệp làm đẹp.

Tháng 1 mở màn với những tranh cãi xoay quanh cái tên H&M sau khi gã khổng lồ này ra mắt tấm ảnh một người mẫu da đen mặc chiếc áo hoodie có dòng chữ "Coolest monkey in the jungle" (tạm dịch: Chú khỉ "ngầu" nhất rừng).

Ngay lập tức, The Weeknd tuyên bố không bao giờ hợp tác với H&M. Sau đó, Lebron James, Diddy và T.I là một số ngôi sao khác quay lưng với hãng. H&M đã phải lên tiếng xin lỗi, không chỉ một lần.

Ngày 13/1, bài điều tra của New York Times gây rúng động khi có tới 15 người đàn ông lên tiếng cáo buộc hai nhiếp ảnh gia đại tài Bruce Weber và Mario Testino tấn công tình dục.

10 ngày sau, ngày 23/1, nhà thiết người Nga Ulyana Sergeenko đứng giữa tâm bão sau khi chia sẻ tấm thiệp cô viết cho người bạn với chữ "nigga" (một từ thường được dùng với nghĩa miệt thị người da đen) được viết không che đậy.

Những tranh cãi chưa dừng ở đó. Tháng 2, chiếc khăn trùm đầu của người Sikh trên sàn diễn thu đông 2018 của Gucci trở thành tâm điểm gây chú ý. Hãng thời trang cao cấp bị chỉ trích là "thiếu nhạy cảm về văn hóa", rằng từ khi nào một sản phẩm của niềm tin, của tôn giáo lại trở thành mốt.

Tháng 3, tuần lễ thời trang Los Angeles đối mặt với một cuộc tẩy chay sau khi một nhà sản xuất tuyên bố "không muốn có người mẫu Philippines trên sàn diễn". Vào tháng 5, Gigi Hadid bị chỉ trích sau khi xuất hiện trên tạp chí Vogue Italy với làn da được nhuộm nâu. 

2018: Năm thị phi và tranh cãi dữ dội của giới thời trang-2
Bà Melania Trump cũng gây tranh cãi với mẫu jacket in chữ. 

Ngay cả Đệ nhất phu nhân nước Mỹ cũng không thoát khỏi sự dòm ngó của công chúng. Tháng 6, Melania Trump trở thành chủ đề gây tranh cãi khi bị bắt gặp mặc chiếc áo jacket in dòng chữ "I really don't care. Do you?". Chiếc áo có thể hợp với một cô nàng ngổ ngáo cá tính nhưng khi khoác lên người Đệ nhất phu nhân nước Mỹ thì nó trở thành thảm họa. Cũng trong tháng này, Stefano Gabbana - người đã tạo nên một nửa D &G - không ngần ngại công khai bỉ bai Selena Gomez là "xấu xí". 

Tháng 9, công ty tỷ đô Revolve đối mặt với làn sóng chỉ trích khi trình làng chiếc áo phông với dòng chữ "Being fat is not beautiful, it's an excuse" (tạm dịch: Béo không phải là đẹp, đó chỉ là ngụy biện), Jeremy Scott của Moschino bị buộc tội ăn cắp thiết kế.

Không lâu sau đó, người đẹp Bar Refaeli xuất hiện trong một quảng cáo bị chỉ trích là khuyến khích chống lại người Hồi giáo. Tháng 11, Kim Kardashian xin lỗi vì lỡ gọi bạn bè là "ngu ngốc" khi không ai có thể nhận ra trang phục của cô tại bữa tiệc Halloween. Mới đây, ngay cả việc Công nương Meghan Markle ôm bụng bầu trên sân khấu British Fashion Awards 2018 cũng trở thành đề tài bàn tán.

Có lẽ ngôn ngữ của thời trang đã thay đổi. Khi Jean-Paul Gaultier để người mẫu mang những chiếc khăn choàng đầu của người Sikh trong bộ sưu tập xuân hè 2013, không ai chỉ trích ông, thậm chí còn ngợi ca. Tờ India Today gọi đó là "một sự tôn vinh tráng lệ". Nhưng ngày nay,India Today lại giật tít "Gucci sử dụng khăn Sikh làm phụ kiện, mang ra làm trò cười".

2018: Năm thị phi và tranh cãi dữ dội của giới thời trang-3
Scandal bủa vây ngành công nghiệp thời trang.

"Chúng ta đang chứng kiến một cuộc chuyển mình của tư tưởng. Khách hàng đang trải qua một cuộc cách mạng về đạo đức và luân lý - những thứ mà ngành thời trang buộc phải lắng nghe nếu muốn tồn tại", Torossian chia sẻ. 

Rõ ràng, mạng xã hội đóng vai trò quan trọng giữa những tâm bão này, là nơi có khả năng khơi nguồn và cũng có thể là chủ mưu của những ồn ào. 

Phải chăng đây chính là thời điểm của những thay đổi? "Tôi thành thực hy vọng là thế. Hãy thử nhìn lại Dolce & Gabbana. Stefano từng công khai nói những lời khó nghe trong nhiều năm và ngành thời trang vẫn tiếp tục tham gia show của họ, viết những bài báo lung linh và chọn đồ của họ trong các buổi chụp hình. Đôi khi những quảng cáo đắt tiền có thể khiến sự xúc phạm bị xem nhẹ" - Jennifer Meyer, người sáng lập kiêm chủ tịch Jennifer Bett Communications, phát biểu.

Không thể phủ nhận những sự chuyển mình mang tính văn hóa đưa những mặt tối đang tồn tại của làng thời trang ra ánh sáng nhiều hơn. Năm nay, làng thời trang xuất hiện trên báo không phải là một chữ "F" viết hoa, không phải là hình ảnh lấp lánh đúng chức năng của nó mà đã trở thành tin tức của tấn công, tình dục, định kiến, phân biệt chủng tộc... 

Theo Zing