"Khoảnh khắc tôi cảm thấy nguy hiểm quanh mình là khi một chiếc ô tô đen đến gần chúng tôi và dừng ở đó một lúc", Reg Green, cha của Nicholas nhớ lại cái đêm cậu con trai yêu quý bị bắn chết tại miền nam nước Ý vào năm 1994.
"Tôi nghĩ rằng nếu chúng tôi dừng lại, mọi chuyến sẽ không xảy ra như vậy. Nhưng thay vì đó, tôi tăng tốc xe. Đám người kia cũng vậy. Bất chợt, một viên đạn xuyên qua cửa kính trúng đầu con trai tôi. Trong lúc đó, Eleanor - em gái Nicholas, vẫn ngủ bình yên.
"Tôi dừng xe và ra ngoài. Con trai tôi không cử động nữa rồi...", ông Green vẫn không ngừng đau đớn và dằn vặt khi nhớ về con trai mình.
Kỳ nghỉ của một gia đình người Mỹ đã hóa thành một thảm kịch. Nicholas chết trong bệnh viện chỉ vài ngày sau đó. Tuy nhiên trước khi cậu qua đời, cha mẹ cậu đã quyết định sẽ hiến tạng Nicholas và đem lại chút hy vọng cho nhiều gia đình trên khắp nước Ý.
"Lúc đó, tôi chẳng nghĩ được gì. Nó giống như kiểu cho tiền cho quỹ từ thiện nhưng chẳng biết nó vận hành như nào. 4 tháng sau, chúng tôi được mời tới gặp những người nhận tạng tại thành phố Sicily, 4 người tất cả", ông Green kể lại.
Sau ngần đó năm, người ta vẫn không rõ những kẻ đã bắn Nicholas là kẻ trộm hay những sát thủ được thuê nhưng giết nhầm người. Có người cho rằng, những kẻ giết người đó có liên quan tới Mafia.
"Việc giết một cậu bé người Mỹ 7 tuổi tại quốc gia mà những ca tử vong vì bạo lực diễn ra phổ biến đã gây rúng động nước Ý", tờ Times từng viết.
Danh sách những người đã được nhận tạng từ Nicholas:
Andrea Mongiardo: Tim, qua đời năm 2017 (thứ 3 từ trái sang, hàng trên)
Francesco Mondello: giác mạc (thứ 4 từ trái sang, hàng trên)
Tino Motta: thận (thứ 5 từ trái sang, hàng trên)
Anna Maria Di Ceglie: thận (thứ 2 từ phải sang, hàng trên)
Maria Pia Pedala: phổi (ở giữa, hàng dưới)
Domenica Galleta: giác mạc (ngoài cùng bên phải, hàng dưới)
Sau ca hiến tạng của Nicholas, một làn sóng hiến tạng đã tăng lên tại Ý. Chỉ trong một thập kỷ sau đó, số ca hiến tạng đã tăng lên gấp 3 lần và người ta gọi đó là "Hiệu ứng Nicholas".
Vào năm 1993, một năm trước khi Nicholas bị bắn, cứ 1 triệu người thì chỉ có 6.2 người hiến tạng tại Italy. Trong khi đó tới năm 2006, con số này đã tăng lên thành 20/1 triệu người. Trong giai đoạn này, vào năm 1999, Ý đã quyết định áp dụng chính sách "không tham gia" - nếu một người qua đời, họ sẽ tự nguyện hiến tạng. Còn trường hợp họ không muốn hiện tạng thì có thể báo lại.
Chính sách này cũng được áp dụng tại Pháp, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Trong khi đó tại Anh và Mỹ vẫn áp dụng chính sách ngược lại.
"Nicholas là một cậu bé tốt bụng. Nếu con tôi phải chọn giữa việc giữ niềm thù hận và việc việc giúp đỡ người khác, chắc chắn thằng bé sẽ muốn giúp đỡ người khác".
Kể từ sau cái chết của con trai mình, Green thường xuyên quay trở lại Ý, 2 lần một năm để nâng cao ý thức của người dân về vấn đề hiến tạng. Trong lần gần đây nhất, ông đã gặp Maria Pia Pedala, người đã rơi vào hôn mê vì thận bị hỏng vào ngày Nicholas qua đời. Tuy nhiên sau khi được ghép thận, sức khỏe của cô đã bình phục. Cô kết hôn 2 năm sau đó và đã sinh một cậu con trai được đặt tên là Nicholas.
Còn người nhận được trái tim của Nicholas, Andrea Mongiardo mới qua đời đầu năm nay. Tuy vậy, ông Green vẫn thấy vui vì trái tim của con trai mình đã đập được hơn 2 thập kỷ nữa, dài hơn gấp 3 lần tuổi thọ của con trai mình.
Với ông Green, di sản mà con trai mình để lại nằm ngoài con số 7 người được nhận tạng từ Nicholas. Sau cái chết của con trai mình, số người hiến nội tạng đã tăng vọt tại Ý. Cái chết của con trai ông như nhen nhóm lên ngọn lửa của sự sống khi hàng nghìn người đã có cơ hội mới với cuộc đời nhờ nội tạng được hiến.