Mỗi chúng ta đều mang theo trong mình những cái tôi cá nhân đó có thể lại sự kiêu căng, ngạo mạn, đó cũng có thể là sự tự mãn, tự tôn. Đặc biệt, chuyên gia tâm lý Tuệ An cho rằng, trong tình yêu hôn nhân, cái tôi của cả hai bạn càng cao thì càng dễ đánh mất nhau:
Bạn luôn muốn là người chiến thắng trong mọi cuộc tranh cãi
Bất đồng! Mâu thuẫn! Là điều dễ thấy trong cuộc sống hôn nhân. Nhưng liệu có ai dám chấp nhận mình thua trong mọi cuộc tranh cãi với người bạn đời? Đôi khi chúng ta để cái tôi của mình được tự do, được quyền lấn át đi lý trí, nên tự cho phép mình là nhất, không cần lắng nghe đối phương.
Bạn hãy thử đếm lại xem đã bao nhiêu lần mình to tiếng, tranh cãi với người bạn đời của mình cốt chỉ để chứng minh đối phương sai lầm? Cho dù bạn là người chiến thắng nhưng cuối cùng là để làm gì?
Ảnh minh họa.
Bạn luôn muốn khẳng định giá trị của bản thân, làm chủ gia đình
Những ai có cái tôi cao thì rất khó để lắng nghe hay đặt mình vào vị trí của đối phương để thấu hiểu. Với những người chồng cái tôi cao thì lại thành gia trưởng, bảo thủ, đối với người vợ thì lại trở thành ích kỷ, cằn nhằn, thích dạy chồng hơn là nghe.
Nhưng nhìn chung, giữa hai vợ chồng ai cũng có cái tôi cao, luôn muốn khẳng định bản thân là người làm chủ gia đình để thỏa mãn sự ngạo mạn và lòng sĩ diện của họ thì cuộc hôn nhân đó cũng sớm muộn héo tàn
Không bao giờ muốn lắng nghe và nhìn nhận quan điểm của người khác
Trong các cuộc tranh cãi giữa vợ chồng, ai cũng có những quan điểm riêng nhưng chúng ta lại thường không hạ cái tôi của mình xuống để mà phân tích lắng nghe.
Dù là quan điểm của ai đi chăng nữa thì cũng chỉ là góc nhìn phiến diện từ một hướng, bạn cũng không thể chắc chắn được những gì mình nói là đúng hoàn toàn vậy sao không thử nghe đối phương xem biết đâu bạn lại có một góc nhìn mới cho những vấn đề đang xảy đến với mình.
Theo Giáo dục và Thời đại