Tại sao phụ nữ lại được mệnh danh là sinh vật khó tính, khó chiều nhất hành tinh?
Bởi mỗi tháng, chúng tôi đều "mất máu" ít nhất là 3 ngày, nhiều hơn thì có thể dòng dã cả 1 tuần trời. Sở dĩ, những ngày "đèn đỏ" khiến chị em cáu gắt, bực bội trong người vì lưng thì đau, bụng thì chướng. Có người còn dính nguyên combo đau bụng lẫn đau lưng.
Không khó ở mới lạ!
Nếu kỳ kinh nguyệt may mắn rơi trúng cuối tuần, chị em còn có thể duỗi mình trên giường mà nghỉ ngơi. Chứ "chị Dâu" mà đến vào những ngày trong tuần, sự ghé thăm này chẳng khác nào cực hình.
Nguyên nhân của những cơn đau quằn quại phía bụng dưới trong những "ngày đèn đỏ" nằm ở hormone Prostaglandin. Cơ thể bạn sẽ tiết ra nhiều Prostaglandin hơn để giúp tử cung co bóp, đẩy máu độc ra ngoài. Các cơn đau bụng cũng xuất hiện do hormone này, đi kèm với tình trạng buồn nôn. Khi niêm mạc tử cung bong ra hết sau vài ngày của chu kỳ kinh, lượng Prostaglandin giảm xuống thì cơn đau bụng cũng giảm.
Mỗi tháng 1 lần, nếu bạn đều phải vật vã lết qua những "đèn đỏ", vậy thì hãy thử dùng 3 loại nước ép mà chúng tôi gợi ý dưới đây. Tình trạng đau bụng, chướng bụng có thể giảm bớt đáng kể và tâm trạng cũng dễ chịu hơn nhiều.
1. Nước ép cam - cà rốt
Cà rốt giàu chất sắt và Beta-carotene. Đây đều là những chất giúp tử cung hoạt động nhịp nhàng, từ đó các triệu chứng đau bụng dưới sẽ được xoa dịu. Ngoài ra, chất Beta-carotene sẽ được chuyển hóa thành vitamin A khi nạp vào cơ thể, giúp chị em hạn chế tình trạng rong kinh.
Chính vì thế, nước ép cà rốt có thể điều hòa lưu lượng máu, giảm đau và khiến chị em cảm thấy phấn chấn hơn trong những ngày đèn đỏ.
Cam chứa nhiều vitamin C, magiê, kali và vitamin D. Những hoạt chất này giúp giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt như chuột rút vùng bụng dưới.
Kết hợp 2 loại nguyên liệu này với nhau, chị em sẽ có được ly nước ép giúp đẩy lùi những cảm giác lẫn cảm xúc khó chịu trong cơ thể trong kỳ kinh nguyệt.
Cách làm nước ép cam - cà rốt:
Để làm loại nước ép này, bạn cần chuẩn bị: 2 quả cam vàng, 2 củ cà rốt to.
Rửa sạch 2 loại nguyên liệu này, cà rốt lạo vỏ và cắt thành từng khúc nhỏ. Thao tác tương tự với cam. Sau đó, cho cam và cà rốt đã cắt nhỏ vào máy ép.
Nếu không có máy ép chuyên dụng, bạn hoàn toàn có thể dùng máy xay sinh tố. Cam vắt lấy nước và bỏ hạt. Cho cà rốt thái nhỏ vào máy xay cùng 200-300ml nước và xay nhuyễn. Loại bỏ bã cà rốt qua rây lọc và trộn phần nước thu được cùng nước cam.
Vậy là bạn đã hoàn thành ly nước ép cam - cà rốt rồi!
2. Nước ép củ dền
Củ dền có chứa lượng lớn chất Sắt cùng nhiều loại vitamin và khoáng chất khác. Chất Sất trong củ dền giúp hỗ trợ sản xuất hồng cầu, duy trì nồng độ haemoglobin và khả năng hấp thụ oxy của tất cả các tế bào cơ thể - từ tế bào não đến các tế bào trong cơ xương của bạn.
Chính vì thế, uống nước ép củ dền có thể giúp chị em cảm thấy vùng bụng và hông bớt đau nhức hơn trong kỳ "đèn đỏ".
Cách làm nước ép củ dền:
400-500gr củ dền cho thể cho ra khoảng 300ml nước ép. Tùy vào nhu cầu mà bạn có thể chuẩn bị lượng củ dền tương ứng.
Sau khi mua về, chị em hãy rửa sạch củ dền, lạo vỏ và bổ đôi.
Sau đó cho vào máy ép, ép lấy nước.
Nếu sử dụng máy xay sinh tố, bạn nên cắt củ dền càng nhỏ càng tốt để tránh làm hỏng lưỡi dao của máy xay. Cho củ dền vào máy cùng 500ml nước lọc, xay nhuyễn. Lọc bỏ phần bã qua rây lọc là sẽ có ngay 1 ly nước ép củ dền rồi!
3. Nước ép dứa - cần tây
Dứa có chứa enzyme Bromelain. Loại enzyme này vừa giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru, vừa giúp làm mềm niêm mạc tử cung, khiến các lớp niêm mạc bong ra dễ dàng hơn.
Trong khi đó, cần tây lại chứa một lượng lớn Tryptophan - Chất kích hoạt giải phóng serotonin, có tác dụng giải tỏa căng thẳng và lo âu, giúp chị em dễ dàng chìm vào giấc ngủ hơn.
Với 3 gợi ý này, hy vọng chị em sẽ vượt qua "kỳ dâu" một cách nhẹ nhàng, êm ái hơn. Để 3 loại nước ép này phát huy tối đa tác dụng giảm các cơn đau - chướng bụng, chị em nên uống trước khi ngày đèn đỏ ghé thăm khoảng 1-2 ngày và uống liên tục cho tới khi kỳ kinh nguyệt kết thúc nhé!
Theo Pháp luật và Bạn đọc