Vẫn đi hát, mát -xa, ăn nhậu trong thời gian 14 ngày tự giám sát
Dịch Covid-19 đang xảy ra tại 6 tỉnh thành gồm: Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, TPHCM, Đà Nẵng, trong đó chỉ duy nhất ca mắc ở Đà Nẵng chưa xác định nguồn lây.
Còn lại, 13 ca ở Hà Nam, 14 ca ở Vĩnh Phúc, 4 ở Hà Nội, 2 ca tại Hưng Yên, 1 ca tại TPHCM đều là các trường hợp liên quan đến 2 chuyên gia Trung Quốc và bệnh nhân Covid-19 ở Hà Nam.
Quán Sunny Club ở Phúc Yên - Vĩnh Phúc, nơi đoàn chuyên gia Trung Quốc đến sử dụng dịch vụ và đã gây ra ổ dịch phức tạp tại Vĩnh Phúc.
Các tỉnh Yên Bái, Hà Nam đều thừa nhận có những lỗ hổng trong quản lý người hoàn thành cách ly tập trung, khiến dịch Covid-19 bị gieo rắc ra cộng đồng.
Cụ thể, tại Yên Bái, nhóm chuyên gia người Trung Quốc sau khi nhập cảnh được cách ly tập trung từ ngày 9/4 đến 23/4 tại khách sạn Như Nguyệt 2. Trong thời gian cách ly, nhóm chuyên gia này được lấy mẫu xét nghiệm 3 lần, đều cho kết quả đều âm tính với SARS-CoV-2.
Tại khách sạn Như Nguyệt cũng đã xảy ra ca lây nhiễm từ chuyên gia Ấn Độ đang cách ly tại đây sang nhân viên khách sạn.
Sau khi nhóm chuyên gia này hoàn thành cách ly, UBND thành phố Yên Bái cấp giấy xác nhận, đồng thời bàn giao cho doanh nghiệp đưa về nơi lưu trú và tiếp tục theo dõi sức khỏe 14 ngày. Trung tâm Y tế thị xã Nghĩa Lộ được giao dõi sức khỏe người sau cách ly khi nhóm chuyên gia này di chuyển đến khách sạn Bảo Yến, phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ.
Tuy nhiên, Công ty Cổ phần khoáng sản Trung Bắc Á đã không quản lý số chuyên gia nói trên theo quy định. Những chuyên gia này tự ý di chuyển đi nhiều nơi như thị xã Sa Pa (Lào Cai), huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu). Đến ngày 25/4, những người này mới quay trở lại khách sạn Bảo Yến, thị xã Nghĩa Lộ.
Còn với ổ dịch Covid-19 tại Hà Nam, F0 được xác định là nam thanh niên hoàn thành cách ly tập trung 14 ngày tại Đà Nẵng sau khi nhập cảnh về Việt Nam, trở về địa phương nam thanh niên vẫn đi ăn nhậu, tiếp xúc nhiều người, khiến 12 trường hợp ở Hà Nam lây bệnh, lây cho 2 ca ở Hà Nội, 2 ca ở Hưng Yên.
Theo đó, anh N.V.Đ (sinh năm 1993, trú thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) từ Nhật Bản về Việt Nam trên chuyến bay VJ3613 hạ cánh tại sân bay Quốc tế Đà Nẵng lúc 16h20 ngày 7/4, được cách ly tại Khách sạn Alisia (19 Hoàng Sa, quận Sơn Trà, Đà Nẵng).
Bệnh nhân N.V.Đ. được lấy mẫu xét nghiệm lần 3 vào ngày 14 trước khi hoàn thành cách ly, kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân được hoàn thành cách ly và rời khỏi khách sạn lúc 18h40 ngày 21/4.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng đã có thông báo về danh sách các trường hợp dự kiến hoàn thành cách ly tập trung và trở về địa phương gửi cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố có liên quan (trong đó có Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam).
Anh Đ. từ Đà Nẵng đi Hà Nam trên xe khách Tân Kim Chi, biển số xe 43B - 048.78, xuất phát lúc 20h30 ngày 21/4 đến Hà Nam lúc 7h30 ngày 22/4.
Theo quy định, sau khi hoàn thành cách ly tập trung về nơi lưu trú, người bệnh cần tiếp tục theo dõi, giám sát y tế 14 ngày, tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi cư trú.
Hà Nam phải phong tỏa, cách ly thôn nơi ca F0 sống do lây nhiễm bệnh cho nhiều người.
Khi về đến gia đình, chỉ trong 2 ngày ngắn ngủi trước khi có triệu chứng khởi phát bệnh, nam thanh niên đã lây bệnh cho 4 người trong gia đình, một ca F1 ở Đông Anh, Hà Nội đã ăn liên hoan cùng BN2899 từ 20 giờ đến 22 giờ tại quán ăn ở thị trấn Vĩnh Trụ, Lý Nhân, Hà Nam; lây cho 2 bà cháu ở Hưng Yên khi họ về Hà Nam thăm gia đình là hàng xóm của bệnh nhân.
Sau đó Hà Nam xác định thêm nhiều ca mắc Covid-19 liên quan đến bệnh nhân này.
Xử phạt nghiêm, kéo dài thời gian cách ly tập trung
Liên quan đến lỗ hổng quản lý người sau hoàn thành cách ly tập trung tại Yên Bái, ông Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cho rằng, thời gian gần đây nhiều biến thể mới của dịch bệnh rất phức tạp, lây lan nhanh, trong khi công tác quản lý người cách ly và sau cách ly của tỉnh còn nhiều lỗ hổng.
Sở Y tế Yên Bái đã nghiêm túc nhìn nhận về công tác quản lý, kiểm tra giám sát sau cách ly tập trung còn những lỗ hổng, sơ suất.
Còn liên quan đến ca F0, BN 2899 gây ra ổ dịch tại Hà Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu UBND tỉnh Hà Nam làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân đã trực tiếp gây ra "ổ dịch" Covid-19 ở địa phương này để xử lý nghiêm.
Ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh cho biết, anh N.V.Đ. (bệnh nhân 2899) dù đã hoàn thành cách ly ở Đà Nẵng nhưng khi về nhà không thực hiện nghiêm các quy định của địa phương, vẫn tổ chức liên hoan, ăn uống với một số người. Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam quyết định xử phạt hành chính bệnh nhân này, đồng thời giao Công an tỉnh Hà Nam rà soát, nếu đủ căn cứ sẽ truy cứu hình sự.
UBND tỉnh Hà Nam cũng kiểm điểm trách nhiệm ông Lương Thanh Ngọc, Trưởng trạm y tế xã Đạo Lý (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), vì chưa xử lý và giải quyết kịp thời trường hợp bệnh nhân 2899, gây ra hậu quả lây nhiễm dịch ra cộng đồng. Cơ quan chức năng sẽ xem xét mức độ vi phạm của ông Lương Thanh Ngọc để có hình thức kỷ luật phù hợp.
Trước làn sóng mới Covid-19 với các ca cộng đồng ghi nhận ở 6 tỉnh thành liên quan đến 3 ca mắc Covid-19 sau hoàn thành cách ly tập trung, Bộ Y tế đã có yêu cầu khẩn gửi tới các địa phương, tạm thời chưa giải quyết kết thúc và cho ra khỏi khu cách ly tập trung (cả của quân đội, dân sự quản lý) đối với tất cả các trường hợp đã đủ điều kiện hết cách ly (tối thiểu 14 ngày, xét nghiệm 2 lần âm tính).
Thời gian bắt đầu thực hiện từ: 00 giờ ngày 04/5/2021.
Theo Dân Trí