Trong tâm lý học, "ego" là từ được dùng để miêu tả "cái tôi" của một người. Hiểu một cách đơn giản, "cái tôi" (ego) là phần cốt lõi của tính cách, liên quan tới thực tại và chịu ảnh hưởng của tác động xã hội.
Một người có "cái tôi" quá lớn là người luôn xem mình là nhất, không chịu thua kém bất cứ ai, luôn xem thường suy nghĩ, lời nói của người khác, không cần biết điều mình làm đúng hay sai, tốt hay xấu,...
Là một người phụ nữ, nếu bạn luôn cảm thấy bản thân không thể hạnh phúc, nhìn đâu cũng thấy những chuyện chướng tai, gai mắt mà chẳng hiểu vì sao, hãy thử tự vấn về "cái tôi" của chính mình. Cái gì quá cũng không tốt và "cái tôi" quá lớn cũng không phải ngoại lệ.
Phụ nữ có "cái tôi" quá lớn thường rơi vào 3 nỗi khổ dưới đây, một cách vô thức.
Tranh minh họa
Đời sống tình cảm không suôn sẻ
Trong chuyện tình cảm, những người phụ nữ có "cái tôi" quá lớn thường có một điểm chung: Họ coi bản thân là trung tâm trong cuộc đời của đối phương. Chỉ cần một khoảnh khắc người bạn trai hoặc người bạn đời hành động không đúng như kỳ vọng, cũng đủ để phụ nữ có "cái tôi" cảm thấy như vừa trải qua một cơn địa chấn.
"Em luôn phải là nhất, là ưu tiên số 1 trong tâm trí lẫn cuộc đời anh" là suy nghĩ chung của những người phụ nữ có "cái tôi" cao trong chuyện tình cảm.
Nhưng chẳng phải đó là mong muốn chính đáng của tất thảy phụ nữ khi yêu hay sao? Có người phụ nữ nào đang yêu mà lại không muốn mình là số 1 trong lòng đối phương?
Để giải đáp được thắc mắc này, bạn chỉ cần tự hỏi chính mình rằng mong muốn ấy từng hoặc đang được thể hiện ra bên ngoài bằng muôn vàn hành vi kiểm soát, trói buộc đối phương hay không? Nếu câu trả lời là có, mong muốn ấy không còn là điều chính đáng nữa.
Chúng ta cần hiểu rằng dù đang hẹn hò hay đã kết hôn, mỗi người đều là một cá thể riêng biệt, có suy nghĩ và cách hành động, nhìn nhận vấn đề hoàn toàn khác nhau. Việc bước vào tình yêu hay bước vào hôn nhân chưa bao giờ đồng nghĩa với việc họ luôn phải nghe theo và đáp ứng mọi yêu cầu, mong muốn của bạn.
Mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp lúc nào cũng trắc trở
Không riêng gì chuyện tình cảm, những người có "cái tôi" quá cao nói chung và phụ nữ có "cái tôi" quá lớn nói riêng đều khó duy trì được những mối quan hệ chất lượng trong cuộc sống.
Cần nhắc lại một đặc điểm nhận biết người có "cái tôi" cao: Luôn cho mình là đúng, mình không bao giờ sai!
Giống như việc chẳng có ai là hoàn hảo trên đời, việc một người luôn đúng, không bao giờ mắc lỗi gần như là điều không thể. Chúng ta đều có lúc mắc sai lầm, dù lớn dù nhỏ nhưng người có "cái tôi" cao lại không nghĩ như thế.
Trong công việc, phụ nữ có "cái tôi" lớn thường dễ có bất đồng với cộng sự, nhất là khi làm việc nhóm vì họ luôn coi quan điểm của mình là hoàn hảo và khó chấp nhận cách tư duy, cách làm khác.
Trong tình bạn, phụ nữ có "cái tôi" lớn thường mặc định bạn bè phải luôn hết lòng với mình, giúp đỡ và hỗ trợ mình một cách vô điều kiện.
Liệu có ai có đủ tự tin để khẳng định bản thân thích làm việc hoặc làm bạn với một người như thế hay không? Câu trả lời có lẽ đã quá rõ ràng.
Không thể thoát khỏi cảm giác cô độc trong cuộc sống
Chuyện tình cảm không suôn sẻ, bạn bè lẫn công việc cũng chẳng khá hơn, cảm giác cô độc, thậm chí tuyệt vọng, là điều không khó để dự đoán trong hoàn cảnh này. Lúc này, nếu vẫn cứ cố chấp tin rằng "mình chẳng làm gì sai" hoặc đổ thừa cho số phận kém may mắn, sẽ rất khó để phụ nữ có "cái tôi" cao thoát khỏi vòng lặp chán chường, quẩn quanh của những chuyện không như ý.
Chỉ đến khi nào họ hiểu và thực sự tin rằng mình có thể cũng đã sai, và không ai có nghĩa vụ phải đáp ứng toàn bộ mong muốn hay răm rắp nghe theo lời mình, đó mới là lúc họ cân bằng, kiểm soát được "cái tôi" để dứt khỏi những nỗi khổ vốn là do họ tự tạo ra trong đời.
Theo Phụ Nữ Việt Nam