1. Măng khô
Măng khô là thực phẩm truyền thống và thường được chế biến thành nhiều món ăn trong dịp Tết. Tuy nhiên, trong măng khô chứa thành phần lưu huỳnh - thường được sử dụng trong quá trình sấy khô măng để chống ẩm mốc, tạo màu vàng đẹp cho măng hơn hoặc ngâm hóa chất tẩy trắng để làm cho sản phẩm măng trắng hơn nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Ăn nhiều măng khô chứa hóa chất tổn thương sức khỏe (ảnh minh họa)
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến cáo, hàm lượng lưu huỳnh trong chế biến và bảo quản thực phẩm không nên vượt quá 20mg cho một kg sản phẩm. Bởi vì, hàm lượng chất lưu huỳnh nếu vào cơ thể ở mức quá nồng độ cao, về lâu dài có thể gây tổn thương về thần kinh, tuần hoàn, ảnh hưởng tim mạch, thị lực, khả năng miễn dịch, sinh sản, não bộ, nội tiết và nhiều chức năng khác.
Theo một số chuyên gia, măng khô không tẩm hóa chất có màu vàng nâu nhạt, xuất hiện màu hổ phách, đường vân tỉ mỉ, bề rộng thịt dày, khi sờ vào không có cảm giác ẩm tay, có thể bẻ gãy được. Măng còn lưu giữ mùi thơm đặc trưng, không có mùi lạ, không bị mốc.
Còn măng khô sấy bằng lưu huỳnh sẽ có mùi khét đặc trưng, thường có độ bóng, trông bắt mắt, không bao giờ bị ẩm mốc, không nên mua măng có màu sắc khác thường.
2. Miến khô
Miến là thực phẩm phổ biến, được tiêu dùng nhiều trong những ngay thường và cả ngày lễ tết. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại miến, miến trắng trong, miến vàng ruộm, miến xám... Người tiêu dùng thường chọn mua miến có màu vàng ruộm hoặc hơi xám…
Cần rửa sạch miến qua nhiều lần để giảm hóa chất (ảnh minh họa)
Tuy nhiên để tạo ra màu sắc, nhiều cơ sở sản xuất dùng bột sắt để nhuộm cho miến tạo ra màu vàng rất bắt mắt.
Theo kỹ sư hóa thực phẩm Hồ Thu Thủy, nguyên Trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm miền Trung, bột sắt hay còn gọi là ôxit sắt được sản xuất ở dạng tinh chế vẫn được dùng trong thực phẩm. Khi được tinh chế tinh khiết thì bột sắt sẽ không độc hại. Tuy nhiên, có một nhóm ôxit sắt được tinh chế ở mức độ rất thấp thì không được sử dụng làm bột màu thực phẩm.
Bột sắt dùng để “nhuộm” miến có độ tinh khiết thấp, chứa nhiều kim loại độc như chì, thủy ngân hoặc những tạp chất độc hại. Đây là những chất độc, khó kiểm soát và gây nguy hiểm cho người sử dụng. Chẳng hạn, kim loại chì khi nhiễm vào máu sẽ gây thiếu máu làm tổn thương gan, thận…Với trẻ nhỏ việc hấp thụ quá nhiều có thể gây kích thích, hiếu động thái quá hoặc ảnh hưởng tới hệ thần kinh.
Việc tiếp xúc thường xuyên với bột sắt người dùng sẽ dễ bị viêm da, hen suyễn, viêm dạ dày, suy thận. Cơ thể hấp thụ một lượng lớn có thể gây ra ngộ độc cấp tính với các triệu chứng như đau bụng, co giật, nôn ói…
Hạn chế nên mua các loại miến bóng đẹp bất thường, khi chế biến nên rửa sạch miến vài nước hoặc qua nước muối loãng... Điều này sẽ giúp các thành phần hóa chất, chất bảo quản phân hủy, giảm nguy cơ độc hại của loại thực phẩm chứa hóa chất này.
3. Bóng bì
Bóng bì cũng là một trong những thực phẩm được dùng trong ngày Tết của người việt. Thông thường, bì lợn sống được lọc sạch mỡ, luộc chín tới rồi cạo rửa, sau đó phơi nắng cho khô cứng. Cuối cùng, bì lợn được đưa vào lò nướng nhiệt độ cao để nổ thành bóng.
Thời gian vừa qua, đã không ít lần các cơ quan chức năng bắt một số cơ sở dùng da lợn ngâm hóa chất để ngâm tẩy trắng, tạo nở da lợn. Điều này cho thấy không phải sản phẩm bóng bì nào cũng đảm bảo an toàn thực phẩm.
Hiện nay để làm sạch bì lợn nhiều cơ sở sản xuất sử dụng oxy già, nước javen và các chất phụ gia công nghiệp như kalisunfit, hydrosunfit có tính tẩy mạnh để làm sạch bì lợn.
Thường xuyên ăn bóng bì tẩm hóa chất dẫn đến ngộ độc (ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia dinh dưỡng Hoài Thu, BV Thanh Nhàn, thường xuyên ăn bóng bì lợn được tẩy trắng bằng hóa chất sẽ dẫn tới ngộ độc, tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, tăng nguy cơ ung thư.
Để mua được bóng bì lợn ngon bóng bì sạch thường có màu trắng hồng. Khi chế biến, bóng bì sạch sẽ có độ giòn, dai vừa phải. Bóng bì sạch thường có mùi vị thơm ngậy đặc trưng.
Còn bóng bì lợn ngâm hóa chất có màu trắng tinh bất thường. Bì lợn bẩn dù đã qua tẩy rửa nhưng khi chế biến vẫn có thể phát hiện mùi khác lạ của hóa chất, mùi hôi, ôi thiu.
Theo Afamily/ trí thức trẻ