Liên quan vụ án Nguyễn Phương Hằng, ngày 1/12, báo Tuổi Trẻ cho biết, Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, lệnh khám xét chỗ ở và lệnh tạm hoãn xuất cảnh đối với 3 bị can: Nguyễn Thị Mai Nhi (39 tuổi, trợ lý của Nguyễn Phương Hằng), Lê Thị Thu Hà (30 tuổi, nhân viên Công ty CP Đại Nam), Huỳnh Công Tân (28 tuổi, Trưởng phòng Truyền thông Công ty CP Đại Nam) vì đã giúp sức tích cực cho bà Hằng, thực hiện hành vi phạm tội liên tục nhiều lần, trong thời gian dài, gây bức xúc dư luận xã hội.
Bà Nguyễn Phương Hằng cùng một số khách mời trong một buổi livestream. Ảnh: Chụp màn hình
Hành vi giúp sức thể hiện qua việc tạo lập, quản lý các trang mạng xã hội; đăng tải thời gian, chủ đề livestream lên trang mạng xã hội; kết nối các tài khoản mạng xã hội vào Internet, chuẩn bị sân khấu để bà Hằng livestream; đăng tải nội dung xúc phạm trên trang cá nhân và phục vụ hoàn toàn cho bà Hằng khi trực tiếp livestream phát ngôn xúc phạm cá nhân. Việc giúp sức của Nhi, Tân chỉ dừng lại đến khi bà Hằng bị khởi tố, bắt tạm giam.
Do vậy, ngày 30/11, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM ra quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú, ra lệnh khám xét đối với Nhi, Hà và Tân về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" và đã được Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM phê chuẩn cùng ngày.
Ngày 1/12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đã thi hành lệnh khám xét chỗ ở đối với ba người này.
Theo cơ quan điều tra, bà Hằng có sử dụng 12 tài khoản mạng xã hội YouTube, Facebook, TikTok.
Bị can Nguyễn Thị Mai Nhi nghe đọc quyết định khởi tố
Theo Thanh Niên cho biết, từ tháng 3/2021 đến 23/3/2022, thông qua các tài khoản mạng xã hội, bà Hằng tổ chức nhiều buổi livestream phát ngôn trực tiếp và đăng tải các bài viết trên qua mạng Internet để nói về nhiều chủ đề, nhiều nội dung khác nhau; trong đó, có nội dung về chuyện bí mật đời tư cá nhân và những nội dung xúc phạm, gây ảnh hưởng uy tín, danh dự của nhiều cá nhân nên các cá nhân này đã gửi đơn tố cáo.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ xác định nhiều nội dung do bà Hằng phát ngôn, đăng tải trên mạng xã hội đã vi phạm điểm a, khoản 3, điều 16 và điểm d, khoản 1, điều 17 Luật an ninh mạng 2018; điểm d, khoản 1, điều 5 nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Bị can Huỳnh Công Tân nghe đọc quyết định khởi tố
Ngày 24/3/2022, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Hằng.
Ngày 6/4, Công an tỉnh Bình Dương có quyết định khởi tố vụ án hình sự "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Ngày 6/7, Công an tỉnh Bình Dương ra quyết định khởi tố bị can Hằng về tội này.
Ngày 30/10, Công an tỉnh Bình Dương chuyển hồ sơ vụ án đến Công an TP.HCM để tiếp nhận điều tra theo thẩm quyền.
Ngày 31/10, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM ra quyết định nhập vụ án hình sự xảy ra tại TP.HCM và Bình Dương lại.
Bị can Lê Thị Thu Hà nghe đọc quyết định khởi tố
Ngày 2/11, cơ quan điều tra đã kết luận điều tra vụ án, đề nghị truy tố bị can Hằng tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Ngày 21/11, cơ quan điều tra tiếp tục ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" do bà Hằng thực hiện theo đơn tố giác của ông Nguyễn Đức Hiển (phó tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM) và bà Lê Thị Giàu (63 tuổi, ngụ quận 1).
Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM trả hồ sơ để điều tra bổ sung, ngày 29/11, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM ra quyết định nhập vụ án để tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi của các cá nhân có liên quan nhằm xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
MT (t/h)
Theo Vietnamnet