Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum vừa có báo cáo chính thức về kết quả xét nghiệm cho những người bị phơi nhiễm HIV sau 3 lần xét nghiệm: xét nghiệm HIV trước 72 giờ, xét nghiệm HIV sau 1 tháng và xét nghiệm HIV sau 03 tháng. Theo đó, cả 36 người bị phơi nhiễm HIV trước đó đều cho kết quả âm tính.

Trước kết quả trên, lãnh đạo Cục Phòng chống HIV/AIDS cho rằng, đây là một tin vui cho tất cả những người phơi nhiễm HIV trong khi tham gia cấp cứu vụ tai nạn xe khách này cũng như những ai quan tâm đến sự kiện trên.

 

36 người bị phơi nhiễm HIV sau tai nạn giao thông: Công bố kết quả xét nghiệm cuối cùng-1
Hiện trường vụ tai nạn giao thông khiến hàng chục người thương vong ở Kon Tum.

“Có thể nói đến thời điểm này những người phơi nhiễm với HIV trong vụ cấp cứu tai nạn xe khách đã có thể yên tâm về tình trạng phơi nhiễm của mình”, lãnh đạo Cục Phòng chống HIV nói.

Trước đó, ngày 30/6/2017 một vụ tai nạn xe khách nghiêm trọng đã xảy ra tại xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) làm 4 người chết và 10 người bị thương. Trong số những người bị nạn, có một nạn nhân bị nhiễm HIV, đang được điều trị bằng thuốc ARV.

Sau khi xảy ra vụ tai nạn, các y - bác sĩ công tác tại Trung tâm Y tế H.Đắk Hà (Kon Tum) và người dân tham gia cấp cứu người bị tai nạn giao thông và đã bị phơi nhiễm HIV.

Từ sự việc trên, Bộ Y tế cho biết khi người dân hoặc người làm nhiệm vụ phát hiện bị phơi nhiễm HIV, cần phải đến các cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm và điều trị.

Theo đó, người bị phơi nhiễm HIV cần phải đến ngay các cơ sở y tế để được đánh giá về tình trạng nhiễm HIV và điều trị dự phòng sau phơi nhiễm càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 72 giờ đầu sau phơi nhiễm HIV.

Tuy nhiên, người bị phơi nhiễm vẫn cần thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm cho người khác. Sau 6 tháng xét nghiệm HIV mà cho kết quả âm tính, người bị phơi nhiễm HIV có thể hoàn toàn chắc chắn rằng không bị lây nhiễm HIV. 

Theo Khám Phá