Chị Loan (tên nhân vật đã được thay đổi), 39 tuổi ở Hà Nội cho hay, chị khỏe mạnh, không mắc các bệnh lý nền. Công việc của chị ổn định, không gặp áp lực chuyện con cái.
Trước đây, tần suất quan hệ của vợ chồng chị là 2 lần/tuần. Từ ngày giảm ham muốn, vợ chồng ít quan hệ, tần suất 1 tháng 1 lần.
Trong những lần "yêu" gần đây, chị Loan đều không có hứng thú nhưng vẫn cố gắng để chiều chồng. Điều này khiến chị không tiết đủ bôi trơn, quan hệ đau, dần dần tạo nỗi sợ "yêu".
Mối quan hệ vợ chồng từ đó nảy sinh nhiều mâu thuẫn khiến chị thường rơi vào trạng thái căng thẳng lo âu, mất ngủ dài ngày, ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân gia đình và công việc.
Chị Loan cho biết thêm, một năm trở lại đây, chị xuất hiện tình trạng rối loạn kinh nguyệt, khoảng cách giữa các kỳ kinh thất thường, 1,5 – 2 tháng mới đến kỳ kinh, màu kinh đỏ thẫm, số ngày kinh ngắn lại.
Ảnh minh họa
Trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân, Ths.BS Phạm Minh Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Y học giới tính Hà Nội, cho biết chị Loan tới khám do mất hoàn toàn ham muốn tình dục, sợ phải gần gũi chồng.
Kết quả thăm khám cho thấy môi lớn của chị Loan teo nhỏ, âm đạo mỏng, mất độ dày, mất nếp nhăn, giảm tiết dịch do các tuyến tiết dịch bị teo, pH âm đạo mất axit.
Kết quả xét nghiệm nội tiết cho thấy nồng độ FSH của bệnh nhân tăng cao, báo hiệu sắp mãn kinh.
Bác sĩ Ngọc kết luận bệnh nhân bị suy giảm ham muốn tình dục giai đoạn tiền mãn kinh.
Rối loạn chức năng tình dục điều trị thế nào?
Theo bác sĩ Ngọc, rối loạn chức năng tình dục bao gồm giảm ham muốn tình dục, giảm hưng phấn, giảm cực khoái, giao hợp đau. Nữ giới có thể gặp tình trạng rối loạn chức năng tình dục khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh.
Khi đó, các tuyến nhờn ở âm đạo, âm hộ teo nên chế tiết ít hoặc không chế tiết dịch nhờn gây giao hợp đau. Giao hợp đau là yếu tố ngăn cản hoạt động tình dục thành công.
Bác sĩ Ngọc cũng chỉ ra các số liệu nghiên cứu về tỷ lệ rối loạn tình dục ở phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh. Theo nghiên cứu trên phụ nữ mãn kinh Thái Lan, tỷ lệ rối loạn tình dục chung của phụ nữ mãn kinh lên tới 82,2%.
Theo khảo sát khác trên 31.581 phụ nữ, giảm ham muốn là rối loạn chiếm tỷ lệ cao nhất trong các rối loạn tình dục nữ, đặc biệt có tới 5-10% nữ giới bị stress do rối loạn giảm ham muốn.
Với chị Loan, sau khi thăm khám đảm bảo không có nguy cơ ung thư, chị được tư vấn điều trị bằng liệu pháp nội tiết, bổ sung estrogen qua đường bôi, giúp tăng bề dày biểu mô âm đạo, ngoài ra bổ sung kem dưỡng ẩm âm đạo, giúp niêm mạc âm đạo bớt khô rát, giảm teo sinh dục.
Bệnh nhân được tư vấn tập thể dục ít nhất 4 buổi/tuần, giải tỏa áp lực căng thẳng… Bên cạnh đó, bệnh nhân nên điều chỉnh chế độ ăn, bổ sung các thực phẩm như đậu nành, ngũ cốc, hạt hướng dương, giá đỗ…
Sau 1 tháng điều trị, bệnh nhân có ham muốn tình dục trở lại, tự tin hơn trong "chuyện phòng the", niêm mạc âm đạo dày, môi lớn đỡ teo. Bệnh nhân cho biết khi quan hệ vợ chồng đã tiết dịch bôi trơn đầy đủ.
Sau 2 tháng, bệnh nhân có ham muốn tình dục chủ động, tần suất quan hệ 2 vợ chồng trở lại trạng thái như trước, không còn tình trạng đau rát khi quan hệ.
Tái khám sau 3 tháng, tình trạng đã cải thiện gần như triệt để, bệnh nhân không còn tình trạng rối loạn chức năng tình dục. Bác sĩ xét nghiệm chức năng gan, thận đều cho kết quả bình thường, không gặp tác dụng phụ của thuốc.
Bác sĩ Ngọc nhấn mạnh sử dụng liệu pháp nội tiết đảm bảo an toàn và hiệu quả ở phụ nữ mãn kinh nếu chỉ định đúng. Sau điều trị, nhiều bệnh nhân có cải thiện rõ rệt tình trạng bốc hỏa, giảm căng thẳng, trầm cảm, lo âu, cải thiện sinh lý, da căng bóng, cải thiện trí nhớ, độ tập trung.
Trong một vài trường hợp, liệu pháp nội tiết còn phòng ngừa loãng xương, giảm nguy cơ tim mạch, giảm rối loạn tiểu tiện, nhiễm trùng tiết niệu…
Bác sĩ Ngọc lưu ý chị em khi gặp các vấn đề về ham muốn tình dục nên đi thăm khám sớm để tìm nguyên nhân và cách điều trị. Việc can thiệp sớm giúp cho chị em có thể giữ "lửa" trong hạnh phúc đôi lứa, chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Theo Gia đình Việt Nam