LTS: Thời gian gần đây, người tiêu dùng vô cùng hoang mang bởi trên thị trường xuất hiện một loại mực lạ giá siêu rẻ, chỉ 30-50 nghìn đồng/1kg. Trong khi đó, loại mực mọi người vẫn thường ăn có giá trên 200 nghìn đồng/1kg.
Loại mực siêu rẻ này đến từ đâu và người ta đã “phù phép” thế nào để chúng luôn tươi rói, bắt mắt đến vậy?
Lần tìm manh mối
Sau nhiều ngày dò tìm, một nguồn tin từ Thanh Hóa cho PV hay, chừng hơn 1 năm nay, nhiều đại lý hải sản ở đây thường nhập về một loại mực lạ trông hình dáng khác biệt hẳn so với những loại mực do ngư dân Việt Nam đánh bắt.
Khi đưa loại mực lạ này về đây, những đại lý này đã tiến hành tẩy trắng rồi đóng hộp chuyển ra Hà Nội tiêu thụ. Để "lập lờ đánh lận con đen" thì một số người bán lẻ đã trà trộn mực giá siêu rẻ trên với mực ta, món ăn khoái khẩu của nhiều gia đình.
Cũng theo đó, vào những ngày áp Tết này thì các đại lý ở xứ Thanh đã hoàn thành công đoạn chế biến hàng, mực lạ không được đưa về nữa. Tuy vậy, một số đại lý hải sản thường ra Hải Phòng nhập hàng.
Những tảng mực không nhãn mác được nhiều đại lý ở Hải Phòng thu mua và bán đi các khắp các tỉnh thành. (Ảnh cắt từ Clip quay tại một đại lý ở quận Hải An)
Có được thông tin quý giá trên, ngay lập tức chúng tôi tìm về Hải Phòng. Sau một ngày lân la ở các chợ đầu mối chuyên cung cấp hải sản tươi sống của Hải Phòng, chúng tôi đã xác định được nơi các thương lái nhập mực siêu rẻ.
Nơi đó chính là chợ hải sản Máy Chai (quận Ngô Quyền), chợ đầu mối về hải sản lớn nhất Hải Phòng. Giống như nhiều chợ hải sản khác ở thành phố Cảng, chợ Máy Chai chỉ mở vào ban đêm và tấp nập nhất là vào lúc 3-4 giờ sáng.
Nhờ sự “chỉ đường vẽ lối” của một "đại lý" chuyên chế biến chả mực, trong vai người cần tìm đầu mối bán mực giá rẻ để buôn ngược về miền núi, giữa đêm lạnh căm căm, chúng tôi đã tìm đến khu chợ này đúng giờ sầm uất nhất.
Không phải dân buôn thì có lẽ không ai có thể biết ở ngay trung tâm thành phố Hải Phòng lại có khu chợ tấp nập như vậy bởi chợ nằm tút sâu trong con ngõ nhỏ chạy thẳng xuống bờ sông Cấm.
Đầu ngõ, xe máy chất hàng ú hụ, xe tải cỡ nhỏ vào ra rầm rập. Lần mò theo ánh đèn vàng héo hắt, mang theo chiếc thùng xốp to tướng, chúng tôi tiến vào khu chợ hệt như những người đi đóng hàng.
Gần đến cuối ngõ, mùi tanh của hải sản đã bốc ra nồng nặc. Đêm ấy, trời rắc mưa xuân. Nhưng, những giọt mưa lạnh buốt chẳng thể làm giảm đi sức nóng của khu chợ này. Áo mưa lúp xúp, người bán kẻ mua vẫn vô cùng huyên náo.
Nhìn biển những chiếc xe tải cỡ nhỏ xếp chật cứng trong sân chợ chúng tôi thấy có sự hiện diện của nhiều tỉnh thành phía Bắc. Những xe ấy đến để “ăn hàng”.
Quan sát một vòng chúng tôi thấy chợ có đủ loại hàng hải sản. Và, nếu chỉ nhìn “bề nổi” thì đó là sản phẩm của ngư dân ở Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Ninh… Hàng được tập kết về đây bằng đường thủy qua sông Cấm.
Giá rẻ bất ngờ
Biết chúng tôi cần tìm nguồn mực giá siêu rẻ, tiểu thương ở chợ đã chỉ lối tìm đến những ki ốt có kho đông lạnh ở mặt trước của chợ.
Đúng như chỉ dẫn ấy, mặt trước khu chợ, nơi có những chiếc xe tải nhỏ đang xếp hàng chờ là dãy ki ốt đèn điện sáng choang, người ra kẻ vào tấp nập.
Chìa chứng minh thư để thể hiện thiện chí muốn đóng hàng đi miền núi, chúng tôi bắt chuyện với một chủ ki ốt tên P.
Mực siêu rẻ được sơ chế ngay trên hè đường trong chợ Đổ (Hải Phòng)- Ảnh cắt từ Clip.
“Dân miền núi nhà em chẳng biết thế nào là mực ngon với dở đâu. Cứ mực là được! Chị xem có loại nào rẻ nhất thì bán cho bọn em, lần đầu đi lấy hàng bọn em lớ ngớ lắm!”, tôi mở lời dò dẫm.
“Mực thì có nhiều loại lắm, loại ngon thì là là hàng đánh bắt ở ta, còn loại rẻ thì chỉ có hàng Đài Loan thôi”, vừa xem chứng minh thư của tôi bà chủ P. vừa trả lời. “Hàng Đài Loan là hàng nào ạ, sao lại rẻ hơn hàng của ta?”, tôi hỏi.
“Thì là hàng của Đài Loan chứ hàng nào nữa, mua của người Đài Loan thì là hàng Đài Loan thôi!”, bà chủ P. cau có.
Tỏ ý muốn xem hàng trước khi quyết định mua, bà chủ P. đồng ý bảo nhân viên vào kho lấy. Kho hàng nằm ngay sau chỗ bà P. ngồi. Đó là một “chiếc tủ lạnh” khổng lồ, cửa rộng chừng gần 1 mét vuông.
Khi cánh cửa vừa được mở, tôi vội ngó vào trong thì thấy vô số những tảng mực vuông chằn chặn được đóng thành khay. Bê một tảng mực ra, anh nhân viên này quăng thảng xuống nền xi măng tạo tiếng kêu khô khốc.
“Mực giá rẻ đấy, xem đi!”, bà chủ P. nói. Quan sát tảng mực nặng chừng 20kg ấy chúng tôi không thấy bất cứ nhãn mác gì và không thể biết nó được nằm trong tủ cấp đông đó từ khi nào.
Các cá thể mực dài khoảng 20cm, màu nâu sẫm, còn nguyên râu. Theo bà chủ P. loại mực này được giao bán với giá 39 nghìn/kg.
Khi chúng tôi bày tỏ nguyện vọng muốn mua loại mực giá rẻ nhưng đã được bóc trắng nõn, chủ đại lý từ chối cung cấp vì “không có người làm”.
“Bóc mực thì có gì khó, hướng dẫn qua là làm được ngay. Làm trắng mực cũng đơn giản, có bí quyết hết. Ở đây người có thế nào thì người ta đều nhập nguyên thế đó, chế biến ra sao thì phải tự làm thôi”, bà chủ P. nói.
"Lên đời" mực bằng hóa chất
Tiếp tục vai trò người đi tìm đầu mối bán buôn loại mực siêu rẻ, phóng viên tiếp cận với cơ sở chuyên sản xuất đá cây và phân phối thủy sản có tên P.Đ, ở ngay cạnh đó. Tại đây, ông chủ cơ sở này chào bán loại mực cũng được cho là xuất xứ từ Đài Loan với giá 37 nghìn/1kg.
Ông chủ Đ. bảo, nếu là mực đã được bóc và xử lý theo kiểu “trắng nõn nà” thì có giá 40 nghìn/1kg.
“Nhà anh chuyên cung cấp cho bạn hàng ở Hòa Bình, cũng lấy mực này, bán được lắm! Nếu em mua nhiều, mai đến đây anh sẽ làm sạch sẽ rồi giao hàng. Người ta đều lấy mực chưa xử lý đấy, em thích thì anh bày cách cho!”, ông chủ Đ nhiệt tình.
Theo hướng dẫn của ông chủ Đ. thì khi mua mực đóng đá về thì chỉ cần giã đông, sau đó ngâm mực vào nước. Càng ngâm lâu thì mực càng lên cân, bán càng dôi.
Sau khi được sơ chế, chỉ cần ngâm qua hóa chất oxy già, mực sẽ trắng nõn nà.
(Ảnh cắt từ Clip)
Sau đó bóc hết lớp màng bên ngoài, cho nước vào thùng, cho muối và oxy già công nghiệp vào, cứ 5 phút khuấy đều 1 lần, mực vừa trắng ngon, vừa cứng chứ không mềm oặt như mực tươi sống.
“Cách tẩy mực trắng dễ lắm, ở đây ai chẳng biết làm”, ông chủ Đ. khẳng định. Cũng theo ông chủ Đ., thời gian gần đây, nhiều lái buôn ở Hải Phòng và ở Hà Nội cũng tìm đến đại lý của ông để nhập loại mực này.
Sở dĩ loại mực siêu rẻ này “lên ngôi” bởi chúng được trà trộn vào với mực ta và bán đồng hạng với giá trên 200 nghìn đồng/kg. “Chỉ những người sành ăn mới phân biệt được đâu là mực ta, đâu là mực Đài Loan thôi”, ông chủ Đ. nói.
Cũng theo ông chủ Đ., mực do ngư dân Việt Nam đánh bắt đổ buôn đã có giá trên 150 nghìn đồng/kg và không phải lúc nào cũng có hàng. “Mực ta thì nhiều khi các nhà hàng đến lấy cũng chả đủ đâu, buôn thì cái gì có lãi là làm thôi”, ông chủ Đ. chia sẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, loại mực rẻ bất ngờ mà cánh dân buôn ở chợ Máy Chai vẫn gọi là “mực Đài Loan” không chỉ được các thương lái “lột xác” thành mực đắt tiền mà chúng đã thành nguyên liệu chính để chế biến chả mực và nhiều thực phẩm khác.
Theo Soha/ trí thức trẻ