Một cơ thể khỏe mạnh không chỉ là sự khỏe mạnh về thể chất mà yếu tố tinh thần cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Để cải thiện và phòng ngừa nhiều căn bệnh liên quan đến phụ nữ, có thể bạn sẽ phải bắt đầu từ sức khỏe tâm lý của mình.
Thông thường, nhắc đến bệnh phụ khoa người ta sẽ nghĩ ngay là do vấn đề vệ sinh và sinh hoạt không tốt. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng không phủ nhận: bệnh phụ khoa không những có liên quan đến thói quen sống mà còn ít nhiều bị ảnh hưởng bởi nhân tố tinh thần nữa. Áp lực tinh thần quá lớn (thường rơi vào những người hay lo âu, căng thẳng) càng khiến người phụ nữ dễ bị các bệnh phụ khoa.
1. Đau vùng chậu mãn tính
Đau vùng chậu mãn tính có thể được tạo thành do trầm cảm, lo âu, trở ngại về nhân cách hoặc người từng gặp phải những tổn thương về vấn đề tình dục. Đau vùng chậu mãn tính là triệu chứng tổng hợp gồm những cơn đau nhức vùng xương chậu, các tổ chức xung quanh lẫn các khí quan… kéo dài từ 6 tháng trở lên. Ngoài các nguyên nhân bệnh tật trong cơ thể thì áp lực tâm lý cũng là một trong những nhân tố gây ra chứng đau này.
Để khắc phục tình trạng này, cần phải giải tỏa áp lực cho người bệnh và có chỉ dẫn một cách có định hướng. Ngoài ra, còn phải tùy theo tuổi tác, nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng, đặc trưng cơ thể cùng với nhu cầu sinh dục ở mỗi người để áp dụng phương pháp trị liệu cụ thể.
2. Bệnh về tuyến vú và ung thư vú
Tâm trạng tốt có thể trở thành “lá chắn phòng hộ” cho sức khỏe núi đôi. Theo các nghiên cứu liên quan, phụ nữ mắc bệnh ung thư vú thường có liên quan đến áp lực môi trường mà họ sống và làm việc. Xã hội hiện đại, phụ nữ càng phải chịu áp lực sống lớn hơn, vì vậy mà tỷ lệ mắc ung thư vú cũng cao hơn trước.
Theo đông y, nhân tố tâm lý và tinh thần có thể ảnh hưởng đến hệ thống nội tiết và lục phủ ngũ tạng trong cơ thể. Áp lực lớn khiến người ta dễ buồn phiền sẽ gây ra rối loạn nội tiết, dẫn đến bệnh tật.
Ảnh minh họa
3. Rong kinh
Rong kinh là một hiện tượng sinh lý bình thường, nhưng khi nó ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày thì sẽ trở thành bệnh tật. Phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc nhiều hoặc ít đều sẽ có chút “khó chịu”, tuy nhiên nếu làm việc trong môi trường nặng nhọc hay quá áp lực thì triệu chứng rong càng trở nên trầm trọng, khiến người phụ nữ cực kì khó chịu.
4. Căng thẳng trước ngày đèn đỏ
Các chuyên gia cho biết, căng thẳng trước ngày hành kinh có liên quan đến sự mất cân bằng hệ thống thần kinh và sự thay đổi kích thích tố. Ngoài ra, áp lực tinh thần quá lớn, kỳ vọng với bản thân quá cao… cũng có thể là nhân tố trọng yếu gây ra những biến đổi về tâm trạng trước ngày đèn đỏ.
Để khắc phục tình trạng này, trước hết bạn cần thay đổi cách sinh hoạt của mình, nhất là không nên để mình quá lao tâm lẫn lao lực trong học tập, công việc; chú ý kết hợp ngủ nghỉ hợp lý. Nếu bản thân không thể tự cải thiện thì mới nhờ đến sự giúp đỡ của bác sĩ.
Theo Trí Thức Trẻ