Phải làm rõ bao nhiêu bài thi bị sửa điểm ở Sơn La. 

Sau 6 ngày làm việc, tổ công tác của Bộ GD&ĐT và các cơ quan chức năng đã phát hiện dấu hiệu chỉnh sửa, tẩy xóa hàng chục bài thi trắc nghiệm ở Sơn La.

Tuy nhiên, thông tin đến báo chí ngày 23/7, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Tổ trưởng tổ công tác của Bộ GD&ĐT ở Sơn La - cho biết hiện vẫn chưa tìm ra được những bài thi bị sửa điểm.

Việc sửa điểm bài thi trắc nghiệm dễ dàng hợp thức hóa?

Theo ông Mai Văn Trinh, ngày 18/7, tổ công tác của Bộ GD&ĐT lên Sơn La. Sau khi rà soát, tổ công tác thấy những bất thường vượt quá khả năng, nhiệm vụ của mình nên đã cùng các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Công an vào cuộc làm rõ.

Với bài thi trắc nghiệm, tổ công tác phát hiện dấu hiệu tẩy xóa, chỉnh sửa nhưng hiện tại chưa kết luận được có bao nhiêu bài thi bị sửa điểm và sửa như thế nào.


Ông Mai Văn Trinh cho rằng hiện chưa thể kết luận bao nhiêu bài thi bị sửa điểm ở Sơn La. Ảnh: Bá Chiêm. 

Theo ông Trinh lý giải, ảnh bài thi trắc nghiệm đã bị tẩy xóa và ảnh bài thi trắc nghiệm xuất ra dữ liệu gửi về Bộ GD&ĐT để chấm bài hoàn toàn giống nhau. Điều này có nghĩa dữ liệu gửi về Bộ GD&ĐT đã được chỉnh sửa, trong khi theo quy định phải là trạng thái ban đầu bài làm của thí sinh, chưa sửa lỗi (đĩa CD1). Đó cũng là lý do tổ công tác không tiến hành chấm thẩm định bài thi trắc nghiệm.

Với môn Ngữ văn, sau khi rà soát, 17 bài có sự khác nhau giữa điểm ghi trên bài thi và điểm đã nhập vào máy (chênh lệch từ 0,25 đến 2 điểm).

Khi cấm thẩm định 110 bài thi môn Ngữ văn nghi vấn có dấu hiệu điểm cao bất thường, kết quả cho thấy có 12 bài thi có điểm thấp hơn so với chấm lần đầu từ 1 điểm trở lên. Trong đó, một bài thấp hơn 4,5 điểm so với chấm lần đầu.

Như vậy, vấn đề dư luận quan tâm là có bao nhiêu bài thi bị can thiệp sửa điểm và sửa như thế nào vẫn chưa có câu trả lời xác đáng. Một câu hỏi khác cũng được đặt ra là tại sao tổ công tác không công bố tổng số bài thi có dấu hiệu tẩy xóa, sửa chữa khi chưa có kết luận cuối cùng?

Bên cạnh đó, những sai phạm trong kỳ thi năm nay một lần nữa xới lại câu chuyện từng gây nhiều tranh cãi trước đó về phương thức thi trắc nghiệm. Gian lận trên máy tính ở Hà Giang, tẩy xóa, điều chỉnh trực tiếp trên bài thi của thí sinh ở Sơn La khiến nhiều người lo lắng đặt câu hỏi rằng kiểm tra, giám sát có vấn đề hay thi trắc nghiệm dễ bị gian lận?


Phân tích dữ liệu điểm thi do Bộ GD&ĐT cung cấp cho thấy, Sơn La chỉ đứng sau Hà Giang trong danh sách top 15 tỉnh thành có số lượng bài thi ở 5 khối chính đạt từ 27 điểm trở lên. Đồ họa: Lê Nhân.

Trách nhiệm của thanh tra chấm thi như thế nào?

Theo kết luận, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La Phạm Xuân Yến và 4 cán bộ của sở này đã sao dữ liệu ảnh bài thi trắc nghiệm đã quét ra đĩa CD không đúng thẩm quyền và tự ý đem ra khỏi khu vực bảo quản bài thi, chưa biết mang đi đâu và ai cho phép.

Một loạt sai phạm khác được phát hiện gồm tổ chức quản lý khu vực chấm thi trắc nghiệm lỏng lẻo, phòng lưu giữ bài thi, tài liệu thi không có niêm phong; khóa phòng lưu giữ bài thi, tài liệu thi không đúng quy định… Vậy, thanh tra chấm thi, cán bộ giám sát chấm thi của Bộ GD&ĐT những ngày này ở đâu? 

Ông Tống Duy Hiến, Phó chánh thanh tra Bộ GD&ĐT, thông tin, bộ đã điều hai cộng tác viên từ ĐH Xây dựng lên thanh tra chấm thi ở Sơn La. Nhiệm vụ của họ là thanh tra toàn bộ quy trình chấm thi, bao gồm cả chấm tự luận và trắc nghiệm; công tác chỉ đạo của trưởng ban chấm thi; việc thực hiện chức trách nhiệm vụ của các thành viên ban chấm thi.

Trực tiếp thanh tra ở tổ chấm thi trắc nghiệm là cán bộ thanh tra của Sở GD&ĐT Sơn La. Trong quá trình làm nhiệm vụ, tổ công tác của Bộ GD&ĐT đã yêu cầu cả ba thanh tra chấm thi giải trình về quá trình thực hiện nhiệm vụ. 

Một lần nữa câu hỏi đặt ra là thanh tra chưa phát hiện dấu hiệu sai phạm hay làm chưa hết trách nhiệm, để xảy ra sai phạm? Câu trả lời vẫn bỏ ngỏ.


Ông Phạm Văn Thủy - Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La - khẳng định sẽ làm rõ sai phạm, không bao che. Ảnh: Bá Chiêm.

 Vì sao giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La vắng mặt và có từ chức vì để xảy ra sai phạm?

Trước câu hỏi của báo chí: “Giám đốc Sở GD&ĐT có từ chức hay không khi để xảy ra sai phạm?”, ông Mai Văn Trinh cho hay do có lý do đặc biệt nên giám đốc sở hiện không có mặt. 

Ông Trinh nói Phó giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La Phạm Xuân Yến có vai trò chỉ đạo, còn ông Yến có trực tiếp thay đổi kết quả bài thi hay không thì chưa xác minh được.

Là trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2018 của tỉnh Sơn La, ông Phạm Văn Thủy - Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La - khẳng định tỉnh sẽ kiên quyết xử lý những người có sai phạm, tuyệt đối không có vùng cấm.

Ông Thủy cho rằng đây không phải họp báo, chỉ là buổi thông tin báo chí để tổ công tác chia sẻ ban đầu. Vì vậy, câu hỏi về trách nhiệm của giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La không thể trả lời ngay. Chỉ khi họp báo, các cá nhân, tổ chức liên quan sẽ nói rõ về trách nhiệm. Công an đang điều tra, xác minh nên chưa thể cung cấp thêm thông tin. 

Trước đó, trả lời báo chí ngày 19/7, ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, khẳng định toàn bộ quy trình tổ chức kì thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh này được thực hiện rất nghiêm ngặt, không hề có bất kỳ tiêu cực nào.

Kết luận ban đầu của tổ công tác cho thấy những phát ngôn trên của ông giám đốc sở là không chính xác và câu chuyện xử lý trách nhiệm cũng chưa có kết luận.

Có hay không chuyện thí sinh điểm cao bất thường là con lãnh đạo?

Trước khi Bộ GD&ĐT rà soát điểm thi ở Sơn La, trên mạng xã hội, nhiều người đặt nghi vấn với trường hợp của 11 thí sinh tại tỉnh này. Các em đều có điểm thi môn Toán rất cao, cùng với đó là điểm thi các môn Khoa học Xã hội cũng khá cao.

Ngoài ra, một trong những dấu hiệu khác dẫn đến nghi vấn điểm thi bất thường ở Hà Giang là hai thí sinh có điểm trong nhóm cao nhất nước (N.D. và B.N.). Hai em này học khối chuyên Văn và chuyên Sử tại trường THPT chuyên Sơn La, nhưng lại có điểm số môn Toán, Tiếng Anh bất thường. Trong đó, N.D. là thí sinh có điểm thi 6 môn cao nhất cả nước, nộp hồ sơ xét tuyển vào trường công an.

Tại buổi "trao đổi thông tin" như lãnh đạo tỉnh Sơn La nói, nhiều phóng viên đặt câu hỏi có hay không chuyện điểm thi của con em lãnh đạo cao bất thường như dư luận nghi vấn trước đó và trách nhiệm của lãnh đạo trong trường hợp này như thế nào (nếu liên quan sai phạm)?

Ông Mai Văn Trinh cho hay theo chỉ đạo của Bộ trưởng GD&ĐT, tổ công tác triển khai, xác minh làm rõ sai phạm. “Chúng tôi không hoàn toàn đặt rõ không gian thí sinh là con của đối tượng nào, con của ai. Chúng tôi ứng xử tất cả như nhau. Quan điểm này cần được thống nhất để xử lý”, ông Trinh nói.

Tổ trưởng tổ công tác của Bộ GD&ĐT cũng cho rằng cần thận trọng, không nên làm tổn thương các chiến sĩ, con lãnh đạo. Có thể sẽ có một vài trường hợp trong số điểm thi bất thường, có thể không, nhưng không thể vì thế mà khái quát cả vấn đề.

Vậy là, cũng giống như những vấn đề nêu trên, dư luận vẫn phải... chờ vì không nhận được thông tin trực diện, khi "110 bài rút ra chấm thẩm định là nhóm điểm cao có dấu hiệu bất thường, không biết là thí sinh thuộc con ai hay có thuộc top cao cả nước hay không".

Xem ra, nhiều câu hỏi vẫn còn chưa có hồi đáp "ra vấn đề" sau buổi "gặp gỡ thông tin báo chí" ngày 23/7 tại Sơn La.

Theo Zing