4 điểm khác biệt giữa 'Kong: Skull Island' và 'King Kong' của Peter Jackson

Dưới đây là những điểm khác biệt cơ bản giữa "Kong: Skull Island" và "King Kong" (2005) của đạo diễn Peter Jackson



King Kong là một sản phẩm của văn hóa đại chúng Mỹ và có chỗ đứng lâu đời trong lịch sử điện ảnh Hollywood. Bắt đầu với phiên bản ra mắt năm 1933, Kong lần lượt được tái hiện sau nhiều phiên bản làm lại và song song, nó phản ánh một cách nhẹ nhàng hoặc sâu sắc tình hình chính trị và xã hội của nước Mỹ khi nó ra mắt. Phân biệt sắc tộc, khủng hoảng tài nguyên, mối lo hạt nhân... đều là những vấn đề người ta từng bàn đến khi nói về Kong.

Tuy nhiên, sau bản King Kong 1976, Kong "nghỉ hưu" khá lâu cho đến khi được Peter Jackson mang trở lại màn bạc vào năm 2005. Phiên bản này là sự tưởng nhớ cũng như tri ân của Peter Jackson đối với những phiên bản trước đó nhưng mangthêm màu sắc nhẹ nhàng và hoài niệm.

Xây dựng Kong là một loài "chúa sơn lâm" với vẻ bên ngoài xù xì thô ráp nhưng bên trong lại nhạy cảm và trầm tư. Với kỹ xảo điện ảnh đột phá, cốt truyện ấm áp cùng diễn xuất của những diễn viên tuyệt vời như Naomi Watts hay Adrien Brody, bộ phim đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả lúc bấy giờ. Do đó, Kong: Skull Island ra mắt năm 2017 khó lòng tránh khỏi những so sánh so với phiên bản liền trước nó. Ta hãy cùng xem xét 4 khác biệt đáng kể nhất giữa hai phiên bản.

1. Vai trò của Kong được mở rộng hơn

Năm 2010, hai siêu phẩm Pacific Rim và Godzilla được Legendary Pictures và Warner Bros. triển khai thu đã mang về số lợi nhuận khổng lồ. Tận dụng cơ hội, hai hãng quyết định tái thiết lập lại Vũ trụ Điện ảnh cho các biểu tượng quái vật và một lần nữa Kong được mang trở về với màn ảnh rộng.

Kong: Skull Island (2017) chính là viên gạch thay thế King Kong 2005, trở thành một mắt xích trong kế hoạch lớn của hai hãng phim này. Do đó, Kong 2017 không còn tính độc lập nữa và nội dung của nó phải phục vụ cho bức tranh lớn hơn về thế giới của những loài quái vật.

Trong phiên bản của Peter Jackson, Kong chỉ cao 25 feet, tương đương toà nhà 3 tầng. Tuy nhiên, trong phiên bản mới này, kích thước của Kong được đẩy lên gấp 4 lần. Với vóc dáng mới này, Kong mới có thể chiến đấu lại hoặc thậm chí là "cân" luôn cả Godzilla.

Dự án Godzilla vs King Kong sẽ là lần gặp mặt đầu tiên giữa hai quái vật trong thế kỷ 21. Sự hùng vĩ và hoành tráng của Kong trong bản này cũng vì thế mà đẩy cao hơn. Ngoài ra, Kong 2017 được cho đứng thẳng bằng hai chân như con người, khác với bản 2005 khi chỉ đơn giản là một con Gorilla có kích thước khổng lồ. Ở phiên bản mới nhất, Kong cũng thông minh hơn, biết tư duy phân biệt được mục đích của con người, biết dùng vũ khí, biết tôn thờ cha mẹ...

4 điểm khác biệt giữa Kong: Skull Island và King Kong của Peter Jackson - Ảnh 3.

Kong 2017 đứng thẳng như một con người

Trong bản năm 2005, đoàn người đến thảm hiểm đảo Đầu lâu được dẫn đầu bởi một nhà làm phim do Jack Black đóng. Anh ta đã đánh lừa những người khác đến hòn đảo này với mục đích kiếm được thật nhiều tiền bằng những thước phim đắt giá. Đây là chi tiết trung thành với phiên bản năm 1933 mà Peter Jackson từng hâm mộ khi còn là một đứa trẻ.

Còn trong Kong 2017, những kẻ đến xâm phạm lãnh thổ của Kong là tổ chức có tên Monarch, họ đã dùng vệ tinh để khám phá ra chỗ ở của các quái vật. Tổ chức này đương nhiên chính là đầu mối để WB và LP kết nối những quái vật lại vào chung một Vũ trụ trong tương lai.

2. Bối cảnh "vương quốc" của Kong

Phiên bản trước, Kong chỉ xuất hiện trên đảo trong một phần của bộ phim. Kong có đất diễn ở New York nhiều hơn. Và phân đoạn trên đỉnh tòa nhà Empire State kinh điển được Peter Jackson tái hiện một cách xuất sắc. Ngược lại, Kong: Skull Island dành toàn bộ thời lượng phim trên đảo. Kong là vị vua của đảo Đầu lâu và thừa kế lại nhiệm vụ canh giữ đảo từ cha mẹ của nó. Người dân trên đảo tôn thờ Kong và sống dưới sự bao bọc của Kong khỏi đám quái vật dưới lòng đất.

3. Mỹ nhân

Hầu hết các phiên bản Kong đều có một mỹ nhân để tô điểm cho màn ảnh. Bóng hồng dần dà trở thành một phần không thể thiếu để các fan của "vua khỉ" ngóng chờ qua từng phiên bản. Với Kong 2005, Naomi Watts có thể coi là mỹ nhân đáng nhớ nhất, xuất sắc nhất từng xuất hiện đóng cặp với quái vật sơn lâm.

Nhân vật của cô trong phim là một cô gái trẻ, nhiều hoài bão và toả ra hào quang của một tâm hồn trong sáng. Bản năm 2017, vai trò này thuộc về Brie Larson, nhân vật Mason Weaver đóng vai một nữ phóng viên phản chiến có phần chủ động và mạnh mẽ hơn. Mối quan hệ của cô với Kong đã ít lãng mạn hơn trước đây rất nhiều.

4 điểm khác biệt giữa Kong: Skull Island và King Kong của Peter Jackson - Ảnh 5.

Naomi Watts

4. Tính biểu tượng của Kong

Giữa phương đông và phương tây từ lâu đời đã có cách nhìn nhận khác nhau trong việc đối xử với thiên nhiên. Nếu người phương đông tôn trọng thiên nhiên và chung sống hoà hợp trong sự bao bọc của mẹ tạo hoá thì người phương tây tham vọng hơn, khát khao bá chủ hơn và luôn tìm cách chinh phục thiên nhiên. Ở mảng văn học, điều này đã được các nhà văn lớn của phương tây thể hiện trong các tác phẩm như Moby Dick, Ông già và biển cả...

Trong Kong: Skull Island, nhóm binh lính cho đại tá Packard (Samuel L.Jackson thủ vai) là những bại binh của cuộc chiến tranh Việt Nam. Những đứa con rơi của lịch sử, bị cuộc đời bỏ lại bơ vơ không mục đích. Điều này làm tổn thương bản năng chinh phục bên trong của những người con nước Mỹ, mà ở đây là Packard.

Packard không trách cậu bé Icarus vì quá ham chơi, ngạo mạn mà bay gần mặt trời làm gãy cánh, mà ông đổ tội cho bố cậu ta sao không chế ra đôi cách vững chắc hơn. Packard là loại người tượng trưng cho khát vọng chiếm đoạt tự nhiên của con người. Đối lập với Kong, một đại diện của thiên nhiên nhân từ và phân minh. Kong trong Skull Island hiện ra uy nghi, bề thế như một vị vua, biết mình đại diện cho ai và sứ mệnh của mình là gì.

Phiên bản năm 2005 của Peter Jackson, Kong không phải là đại diện cho tự nhiên nữa mà được nhân hoá, mang ngoại hình vua sơn lâm có những rung động sân si như con người. Đảo Đầu lâu của Kong thật khủng khiếp, bộ tộc man rợ, khủng long bạo chúa, run đất ăn thịt người, ấy thế mà Kong, vua của tất cả, lại mang căn tính con người.

Thứ tình cảm của hắn thật kỳ lạ mà cũng thật mỉa mai. Con quái vật khổng lồ cuối cùng đã phải lòng cô gái New York nhỏ nhắn và thánh thiện. King Kong nhiều lần cứu sống cô trên đảo, và cũng vì cô mà giã từ ngai vàng trên đảo Đầu lâu để đến với thế giới con người.

Phải bước vào thế giới ấy nó mới biết thế giới loài người còn tàn khốc hơn. Bị đem ra làm trò giải trí, bị coi như quái vật, bị săn đuổi, bị khinh bỉ, Kong trở nên lạc lõng giữa mùa đông lạnh lẽo của loài người. Đến cuối cùng, nó chết. Chúa tể rừng xanh chấp nhận cái chết. Vì duy nhất một lần trong đời, con quái vật đã biết thế nào là yêu. "Không phải máy bay, mà chính là mỹ nhân đã giết con quái vật" - câu nói do nhân vật của Jack Black nói đã trở thành kinh điển trong những bộ phim theo thể loại người đẹp và quái vật.

Tóm lại, so với phiên bản của Peter Jackson đạo diễn, Kong: Skull Island của đạo diễn trẻ Jordan Vogt-Robert vốn có nhiều khác biệt cơ bản và nhiều điểm chưa thể bằng được với người tiền nhiệm nổi danh đi trước.

Tuy nhiên, phiên bản Kong năm nay cũng có nhiều điểm cải tiến đáng ghi nhận và những vai trò đáng để kỳ vọng. Với khung cảnh hoành tráng cùng phông nền non nước Việt Nam sơn cảnh hữu tình và sự hứa hẹn về thế giới quái vật trong tương lai, Kong: Skull Island xứng đáng được đón nhận một cách hào phóng và nhiệt tình hơn.

 

Theo TTVN


"Kong: Skull Island" "King Kong"

Tin tức mới nhất