Sau vòng Bứt phá tại Rap Việt mùa 3, khán giả đã có nhiều tranh luận trái chiều về sự ảnh hưởng của các huấn luyện viên đối với màn trình diễn của các thí sinh. Nhiều thí sinh được coi là “quái vật” lại có màn trình diễn dưới sức, trong khi nhiều thí sinh vốn không được đánh giá cao lại có sự tiến bộ rõ rệt. Liệu có phải tất cả những thành bại của thí sinh đều do sự huấn luyện của các huấn luyện viên?
Sau những chỉ trích của khán giả nhắm vào vai trò huấn luyện của Andree, Minh Lai - thí sinh có bài thi bị đánh giá là dưới sức tại vòng 3 - đã chia sẻ rằng “Đây không phải là huấn luyện theo định nghĩa của mọi người”. Vậy nếu sự huấn luyện không chỉ có hướng dẫn, chỉ bảo về bài thi, thì các huấn luyện viên đã làm gì tại Rap Việt mùa 3?
Làm "thỏi nam châm" thu hút truyền thông
Sau khi mùa 2 kết thúc với sự suy giảm rõ rệt về nhiều chỉ số so với mùa 1, cùng với hàng loạt lùm xùm từ ban tổ chức lẫn các thí sinh, thì việc nhà sản xuất công bố Rap Việt mùa 3 quay trở lại vào năm nay đã để lại một dấu hỏi lớn về sức hút đối với khán giả.
Nhất là khi SpaceSpeakers Label đã tuyên bố không quay trở lại Rap Việt nữa, thì những cái tên nào sẽ được chọn vào ghế nóng cũng là điều khiến nhiều người tò mò.
Việc Karik, Suboi - những người từng ngồi ghế huấn luyện viên - giờ lại đảm nhận vị trí ban giám khảo, trong khi Wowy cũng khẳng định không tham gia Rap Việt, đã hứa hẹn một cuộc “thay máu” trên cả 4 chiếc ghế huấn luyện viên.
Và rồi những cái tên được chọn cũng đáp ứng kì vọng của khán giả. B Ray - một rapper có tuổi đời còn trẻ nhưng được đánh giá cao cả về trình độ lẫn tiếng tăm. B Ray từng được biết đến với những trận beef kinh điển trong giới Underground lẫn những bản hit hàng trăm triệu view trên thị trường VPop.
Big Daddy không còn xa lạ gì với hàng loạt bản hit từ cả chục năm về trước, cũng là một người từng có kinh nghiệm huấn luyện tại một cuộc thi Rap đình đám trước đó.
Andree dường như là sự thay thế hoàn hảo cho vị trí Binz để lại, một tay chơi thực thụ với những bản rap mang phong cách khoe khoang, tiệc tùng cùng phong cách của một “badboy”.
Người cuối cùng được công bố trong dàn huấn luyện viên không phải là một tên tuổi được nhiều khán giả đại chúng biết tới, nhưng xét về vai vế có thể được coi là “cha đẻ Rap Việt” - Thái VG.
Năm 1997, anh cùng rapper Khanh Nhỏ ra mắt track Vietnamese Gang và đó được coi là cột mốc khai sinh ra Rap Việt. Với việc đưa một huyền thoại trở về nước, ekip sản xuất Rap Việt đã nâng tầm vị thế của chương trình, đồng thời gây ấn tượng mạnh với cả những khán giả lâu năm của cộng đồng hiphop.
Vòng Chinh phục là chặng đầu tiên mà các huấn luyện viên tìm ra những thí sinh yêu thích của mình, cũng là nơi để họ tạo những thiện cảm đầu tiên đối với khán giả. Thái VG với vốn tiếng Việt ít ỏi, có phần kém hoạt ngôn hơn nhưng chính sự ngô nghê đó lại tạo ra không ít khoảng khắc hài hước như “over hợp”.
Andree với phong thái chất chơi, hào nhoáng nhưng cũng xen lẫn sự dễ thương gây ấn tượng với nhiều fan nữ. Đặc biệt đoạn rap của anh trong bài hát chủ đề của chương trình cũng viral trên Tiktok. BigDaddy hài hước với những áng “văn xe ôm”, loạt tiểu phẩm cùng những lời góp ý rất thẳng thắn về chuyên môn.
Trong khi đó, B Ray tỉ mỉ ghi chú từng lời rap, cũng rất khéo léo sử dụng các chiêu trò để lôi kéo thí sinh về đội mình. Các tương tác mạng xã hội giữa 4 vị huấn luyện viên cũng tạo nhiều sức hút đối với rap fan.
OTP Bâus - Bảo, cúp “Tứ hùng” giữa 4 đội bóng của các huấn luyện viên hay những hình ảnh hài hước được chia sẻ nơi hậu trường cũng chính là những yếu tố giàu tính giải trí mà 4 huấn luyện viên đem đến cho Rap Việt, bên cạnh giá trị về mặt chuyên môn.
Xây dựng chiến thuật, đào tạo chuyên môn cho thí sinh nhưng ai là người làm tốt nhất?
Khi vòng lập đội kết thúc, các huấn luyện viên bắt đầu công bố hình ảnh và hé lộ phần nào về chiến lược của các bài thi trong team mình trong vòng Đối đầu. Đó sẽ là sự hào nhoáng, bóng bẩy trong chất nhạc ăn chơi của team Andree, sự bắt tai, giàu ý nghĩa của team B Ray, những góc nhìn thô ráp, bụi bặm trong team Thái VG và sự hóm hỉnh, hài hước, giàu tính giải trí từ team BigDaddy.
Việc mỗi huấn luyện viên đều có một producer riêng ở vòng này cũng giúp những ý đồ về cách triển khai mỗi bài thi thể hiện đúng phong cách âm nhạc của các huấn luyện viên. DuongK, Masew là những producer dày dặn kinh nghiệm đã hợp tác lâu năm với BigDaddy, B Ray. WOKEUP dù mới có một sản phẩm âm nhạc kết hợp với Andree nhưng đã tỏ rõ sự ăn ý. Trong khi 2pillz là một producer trẻ, giỏi ngoại ngữ và có tư duy âm nhạc rất hiện đại được ghép cặp với Thái VG.
Andree là người khá tin tưởng các học trò. Anh thường để họ tự viết bài, sau khi gửi demo thì sẽ đưa thêm một vài ý kiến. Andree hỗ trợ nhiều về phòng thu, việc đi lại, ăn ở, hoặc đôi lúc là đưa tới một số khách mời, cố vấn để hỗ trợ cho các thí sinh. Khó để có thể nhận định rằng việc Andree cho thí sinh “tự chủ” với bài thi của mình là điều tốt hay xấu.
Đó có thể là cách anh cho các thí sinh vùng vẫy, được làm điều mình thích, tự đứng trên đôi chân của mình còn bản thân không can thiệp nhiều. Nhưng thực tế lại cho thấy, sự bứt phá và tiến bộ của thí sinh team Andree lại không nổi trội bằng các các đội còn lại. Với cương vị là 1 HLV, thì để xảy ra tình trạng này là điều không nên.
Andree, JustaTee, Wokeup và các thí sinh trong team.
Thái VG thì luôn tạo một không khí ấm áp như một gia đình để “những người con” có tinh thần làm nhạc tốt nhất, Có thể thấy anh cũng là người thẳng thắn, nghiêm khắc nhất trong các HLV khi nhận xét Rhyder chỉ hát chứ không phải là rap.
Tuy nhiên, rào cản ngôn ngữ là một điểm khá lớn khiến quá trình huấn luyện của Thái VG gặp đôi chút khó khăn với thí sinh. Nhưng thực tế lại chứng minh điều ngược lại, các thí sinh của Thái VG đều có những bài thi có chất lượng cao, được đánh giá tốt và khả năng lên ngôi Quán quân là vô cùng sáng sủa.
Thái VG tạo cảm giác gia đình cho team.
Trong khi đó, BigDaddy và B Ray là những người sát sao với bài thi của các thí sinh hơn cả. Không chỉ xây dựng ý tưởng hay bố cục bài, họ còn trực tiếp góp ý cả những chi tiết nhỏ trong bài thi, cũng như làm công tác tinh thần cho từng thành viên trong đội.
Họ thậm chí còn sụt tới cả chục kí trong giai đoạn cao điểm của chương trình. Điều đó lí giải phần nào team BigDaddy và B Ray được coi là có nhiều màn trình diễn ấn tượng nhất ở cả 2 vòng thi gần nhất.
Team BigDaddy và B Ray gắn kết, được các HLV tạo điều kiện tỏa sáng.
Về mặt chiến thuật, mỗi người cũng có những toan tính khác nhau. Andree là một người chơi vô tư, thẳng tay loại Dlow kể cả khi bước tới vòng 8bars. Sang vòng Bứt phá, anh cho các thí sinh nhiều thử thách khi làm những dòng nhạc không phải sở trường.
Thái VG luôn nghĩ cho cơ hội của các thí sinh, “nhường” Hydra cho Andree, cốt để có nhiều thí sinh vào vòng trong nhất có thể. B Ray có nhiều toan tính, tạo ra những phần thi cân tài cân sức và “gom” được tới 2 chiếc nón vàng về team mình.
BigDaddy không có nhiều chiến binh mạnh, lại bị xếp thi cuối, nhưng anh biết cách biến mỗi bài thi trở thành một bản hit và cho thấy được sự bứt phá vượt bậc của đội mình.
Làm đòn bẩy cho sự nghiệp của các thí sinh, chỉ dựa vào sức hút cá nhân của các HLV liệu có đủ?
Một cuộc thi chỉ diễn ra trong vài tháng, còn sự nghiệp của một nghệ sĩ thì dài hơn rất nhiều. Thành công ở một chương trình truyền hình chưa bao giờ đủ để các thí sinh có thể phát triển sự nghiệp, nếu họ không có những bước chuẩn bị cho chặng đường sau đó.
Và các huấn luyện viên không chỉ là những người hướng dẫn, đào tạo trong khuôn khổ cuộc thi, mà còn đang hỗ trợ rất nhiều cho các hoạt động âm nhạc của các thí sinh.
Andree thường chia sẻ những hình ảnh luyện tập của các thí sinh trong team mình, thu hút lượng lớn tương tác mạng xã hội. Anh cũng thường xuyên bảo vệ các thí sinh trước những lời chỉ trích.
Thái VG ngay từ vòng đầu tiên đã hứa hẹn với Liu Grace về những cơ hội Mỹ tiến cùng team VG 454. BigDaddy thường xuyên đóng tiểu phẩm, livestream với các thí sinh trong team. Anh cũng tạo cơ hội cho các học trò biểu diễn trong một số sự kiện có mời mình tham gia.
Thành công lớn nhất chính là Double2T khi anh chàng đang “chạy show” ầm ầm, nhận được rất nhiều lời mời diễn và có bản hit đạt #1 Trending. B Ray cũng đến ủng hộ những show diễn của các thành viên trong team mình.
Các đội cũng có hoạt động ngoài lề riêng, ví dụ giải "bóng đá tứ hùng".
Xa hơn, các huấn luyện viên còn là những người truyền cảm hứng, những người cố vấn cho các học trò của mình trong tương lai. Những trải nghiệm của họ có thể là bài học cho các thí sinh, những mối quan hệ của họ có thể tạo cơ hội cho các thí sinh, những thành công của họ có thể là những mục tiêu mà các thí sinh hướng đến. Nhưng để khai thác được giá trị này từ các huấn luyện viên, bản thân các thí sinh cũng cần có sự nỗ lực rất nhiều để duy trì được bước đà đã có từ chương trình.
Tạm kết
Vòng Bứt phá đã khép lại và những phần trình diễn của 2 đêm Chung kết Rap Việt cũng đã quay xong. Có thể nói nhiệm vụ của các huấn luyện viên tại Rap Việt đã kết thúc.
Mỗi huấn luyện viên có một điểm mạnh, một cá tính riêng, khi đến với ghế nóng tại Rap Việt họ lại có một mục đích riêng, vì vậy thật khó để kì vọng những sự đóng góp của họ là giống nhau.
Tùy theo từng khía cạnh, mỗi khán giả sẽ có những đánh giá riêng về sự đóng góp của các huấn luyện viên. Nhưng chính các thí sinh, những người trực tiếp làm việc cùng họ mới là những người cảm nhận rõ nhất.
Điều quan trọng là khán giả cần nhìn nhận rằng vai trò của họ không chỉ nằm trong khái niệm “huấn luyện” mà chúng ta thường hiểu. Vị trí của họ còn đem đến nhiều giá trị khác mà chúng ta cần nhìn nhận theo cách cởi mở hơn.
Vậy nên hãy cảm thông và ghi nhận những đóng góp của họ dành cho chương trình này, cũng như cho một thế hệ rapper trẻ đầy tiềm năng sắp bước ra ánh sáng trong thời gian tới.
Theo Phụ Nữ Việt Nam