Cyclo (Xích lô)
Xích lô là một bộ phim Việt - Pháp, được đạo diễn bởi nhà làm phim tài năng Trần Anh Hùng. Bộ phim lấy bối cảnh tại TP HCM những năm cuối của thập niên 1990 với sự quy tụ của dàn diễn viên gạo cội Việt Nam như NSND Như Quỳnh, Lê Công Tuấn Anh, Mạc Can, ca sĩ Thanh Lam, Lê Tuấn Anh. Đặc biệt, phim còn có sự xuất hiện của nam tài tử lừng danh xứ Hương Cảng - Lương Triều Vỹ.
Nội dung phim xoay quanh nhân vật chính là một thanh niên mồ côi cha mẹ có biệt hiệu là Xích Lô. Anh được nuôi nấng bởi ông nội và sống trong xóm lao động nghèo cùng người chị gái không có tên gọi trong phim và một cô em gái còn đang đi học. Xuyên suốt bộ phim là quá trình đấu tranh với đói nghèo và những cạm bẫy xấu xa bên ngoài xã hội mà chị em Xích Lô phải đối mặt hàng ngày như trộm cắp, mại dâm, giết chóc...
Do yếu tố bạo lực, máu me và nhiều cảnh nóng nhạy cảm, Xích lô từng bị cấm chiếu tại Việt Nam. Tuy bị chính quê nhà ghẻ lạnh, đứa con tinh thần của đạo diễn Trần Anh Hùng lại được công chúng và giới mộ điệu quốc tế đón nhận nhiệt liệt. Bộ phim từng xuất sắc giành giải Sư Tử vàng tại Liên hoan phim Quốc tế Venice 1995, trở thành đại diện đầu tiên và duy nhất của điện ảnh Việt Nam đạt được thứ hạng cao nhất ở đấu trường thế giới cho tới nay.
Nhà phê bình phim nổi tiếng kiêm giáo sư người Mỹ, Emanuel Levy, đã không tiếc lời khen ngợi tác phẩm đậm bản sắc Việt Nam này và nhận định Xích Lô có thể sánh ngang hàng với tuyệt phẩm Bicycle Thief của đạo diễn De Sica, tác phẩm kinh điển Italy từng nhận giải Oscar danh dự và được xếp vào danh sách những bộ phim hay nhất mọi thời đại.
Rashōmon (Lã Sanh Môn)
Rashōmon là một phim Nhật Bản được sản xuất vào năm 1950 dựa theo truyện ngắn Yabu no naka của nhà văn Akutagawa Ryūnosuke. Bộ phim đã gây được tiếng vang lớn trong cộng đồng làm phim quốc tế, đồng thời đưa tên tuổi của nền điện ảnh nước Nhật vươn ra tầm thế giới.
Nội dung của bộ phim xoay quanh một vụ án mạng giết người, cưỡng hiếp. Cuộc điều tra đi vào bế tắc khi cả nạn nhân, hung thủ cưỡng bức lẫn nhân chứng đều đưa ra lời khai khác nhau, không thể phân biệt đâu là thật, đâu là giả. Đến cuối phim, sự thật mới được phơi bày trước sự bàng hoàng của những người ngoài cuộc.
Không chỉ được đánh giá cao về nội dung, Rashōmon còn được giới phê bình khen ngợi tính sáng tạo, cách tân và độc đáo trong việc xây dựng và triển khai tình tiết. Nghệ thuật kể chuyện theo phương thức "tình tiết lồng tình tiết" trong Rashōmon đã trở thành nguồn cảm hứng cho các nhà làm phim Hollywood lẫn các nước khác học tập. Một số bộ phim tiêu biểu cũng áp dụng hình thức "cốt truyện lồng" này phải kể đến Slumdog Millionaire, The Usual Suspects, Hero...
Nhờ sự đột phá đầy mới mẻ và đặc sắc, Rashōmon đã vinh dự nhận được giải Sư Tử vàng tại Liên hoan phim quốc tế Venice 1951 và là chủ nhân của giải Oscar danh dự (tương đương giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất) tại Oscar lần thứ 24.
Năm 2008, Rashōmon lọt vào danh sách 500 bộ phim hay nhất mọi thời đại do tạp chí Empire bình chọn. Nhận xét về tác phẩm kinh điển của xứ sở mặt trời mọc này, nhà phê bình Jonathan Rosenbaum của tờ Chicago Reader đã không ngần ngại gọi Rashōmon là "một tác phẩm xuất sắc, một kiệt tác để đời cả về mặt hình ảnh lẫn nhịp điệu".
Trailer phim "Rashomon".
Spring, Summer, Fall, Winter... and Spring (Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân)
Spring, Summer, Fall, Winter... and Spring hay còn được gọi là Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân là đại diện tiêu biểu của nền điện ảnh xứ kim chi và là đứa con tinh thần mà đạo diễn quái kiệt Kim Kim Duk tâm đắc nhất. Khác với phong cách làm phim trần trụi với hàng loạt tình tiết gây sốc mà khán giả thường thấy ở gã đạo diễn vừa tài năng vừa điên khùng này, Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân của Kim Ki Duk nhẹ nhàng, dung dị lại nên thơ vô cùng với hàng loạt khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp và những triết lý nhân văn mang đậm chất Phật giáo.
Bộ phim kể về cuộc đời của một chú tiểu mồ côi cha mẹ, được sư trụ trì đem về nuôi trong một ngôi chùa hẻo lánh trên núi. Cuộc sống bình yên đến độ tẻ nhạt của chú sẽ mãi như vậy nếu như không có ngày một cô gái xinh đẹp đến nương nhờ cửa phật để chữa bệnh. Trong quá trình lưu lại chùa an dưỡng, cô gái và chú tiểu đã nảy sinh tình cảm và ăn nằm với nhau rồi bị sư trụ trì phát hiện. Vừa đau đớn vừa xấu hổ, chú tiểu quyết định bỏ trốn khỏi ngôi chùa đã lớn lên từ nhỏ. Và từ đó, cuộc đời của chú bắt đầu rẽ sang một hướng khác...
Không có nhiều phân đoạn cao trào kịch tính, lời thoại cũng không quá ấn tượng, thậm chí là hạn chế do đạo diễn tập trung khai thác tâm lý nhân vật qua hành động thay vì lời nói, Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân vẫn xuất sắc chinh phục khán giả lẫn giới chuyên môn khó tính nhờ màn kết hợp quá đỗi xuất sắc giữa khung cảnh tự nhiên tuyệt đẹp, cổ kính với câu chuyện ý nghĩa về cuộc đời và quá trình trưởng thành của con người qua lăng kính Phật giáo. Bộ phim được cả hai trang web điện ảnh uy tín là IMDB và Rotten Tomatoes đánh giá rất cao với số điểm tương ứng 8,1 và 94%.
Trailer phim "Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân".
Taste of a cherry (Hương vị anh đào)
Taste of a cherry là một trong những bộ phim châu Á hiếm hoi giành được giải thưởng danh giá Cành cọ vàng tại Liên hoan phim quốc tế Cannes. Tác phẩm tiêu biểu của nền điện ảnh Iran này từng gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong giới làm phim về giá trị nghệ thuật và nội dung của nó.
Nhân vật chính của Taste of a cherry là một người đàn ông trung niên tên là Badii. Ông ta đến từ đâu, có xuất thân như thế nào thì không ai rõ, nhưng có một điều đặc biệt ở nhân vật này, đó là ông ta muốn chết và đang trên đường đi tìm người giúp mình chôn cất sau khi chết. Xuyên suốt bộ phim là hành trình rong ruổi trên những con đường bụi bặm sỏi đá của Badii với hy vọng thuê được ai đó chịu đồng ý với công việc kỳ quặc này. Trong suốt quãng đường, Badii đã có cuộc gặp gỡ và trò chuyện với ba người đàn ông khác. Thông qua những đoạn hội thoại ngắn ngủi, ngắt quãng giữa những người đàn ông xa lạ, hàng loạt quan điểm về chuyện sống chết, về hạnh phúc đích thực được gợi mở, khiến người xem phải suy ngẫm.
Không đem lại hiệu ứng thị giác đỉnh cao cho khán giả, nhịp điệu phim chậm rãi, lê thê đến mức buồn ngủ, Taste of a cherry không phải là món ăn tinh thần khoái khẩu dành cho những mọt phim đam mê thể loại kịch tính gay cấn. Thậm chí, một số nhà phê bình cũng đánh tiếng chê bai bộ phim quá ư nhàm chán và không thể kiên nhẫn xem hết. Dù cách thức làm phim và triển khai tình tiết quá tối giản và đơn điệu, nhưng xét về mặt nội dung, tác phẩm sản xuất năm 1997 này vẫn nhận được vô vàn lời khen ngợi từ nhiều người trong nghề bởi sự sáng tạo, khác biệt và giàu tính nhân văn.
Trailer phim "Taste of a cherry".
Theo ione