Tại sao nói "45 độ làm người"?

Hiểu đơn giản, 45 độ chính là góc độ khi cơ thể khom lưng cúi đầu. Con người sống trên đời làm người phải hơi cúi đầu xuống, đối đãi với vạn vật bằng một thái độ khiêm tốn, phải biết từng bước tiến về phía trước thì mới có thể trọn đạo làm người.

Cổ nhân có câu rằng: Kiêu ngạo tới từ sự nông cạn, ngông cuồng đến từ sự vô tri. Cúi đầu khom lưng không phải là hèn nhát, sợ hãi, cũng không phải là tự ti mà chính là sự thông minh, linh hoạt và khôn ngoan.

45 độ làm người, 90 độ làm việc, 180 độ xử thế, có nghĩa là gì?-1

Từng có một câu chuyện như thế này: Benjamin Franklin được coi là cha đẻ của nước Mỹ, ai ngờ khi còn trẻ ông lại là người nghênh ngang kiêu ngạo. Trong một lần tới thăm hỏi một vị tiền bối đức cao vọng trọng, Benjamin Franklin luôn tỏ ra ưỡn ngực cao đầu, tự tin bước những bước lớn, không giấu giếm vẻ kiêu hãnh ở trên khuôn mặt mình.

Ai ngờ vừa đến cửa, đầu bỗng đập mạnh vào khung cửa. Ông vừa đau đớn vừa lấy tay xoa đầu, vừa hằn học nhìn chằm chặp vào cánh cửa còn thấp hơn mình nửa cái đầu.

Vị tiền bối này khi ra đón trông thấy bộ dạng này liền cười nói: "Đau lắm phải không? Thế nhưng đây chính là thu hoạch lớn nhất của cậu sau chuyến thăm hỏi lần này. Một người nếu muốn sống bình an vô sự thì phải ghi nhớ một điều rằng: Lúc nên cúi đầu thì cần phải cúi đầu, đây chính là điều quan trọng tôi muốn dạy cậu".

Kể từ đó về sau, Benjamin Franklin luôn đối xử hết mực khiêm tốn với mọi người, xem tất cả mọi người như quý ông, quý bà để đối đãi. Bông lúa càng chín thì lại càng trĩu mình, người sống càng khiêm tốn thì càng dễ thành công. Người kiêu ngạo chỉ có thể bị xa lánh, cô lập, ngày càng thất bại và cô đơn.

Sống ở đời, hãy mang trong mình một trái tim khiêm nhường, biết tôn trọng và kính nể mọi người, dùng một tiêu chuẩn cao hơn để yêu cầu bản thân, dùng một trái tim khoan dung rộng mở để đối xử với mọi người. Dần dần, tia sáng mặt trời sẽ chuyển sang chiếu rọi con đường bạn đi, giúp tương lai của bạn ngày càng xán lạn.

“90 độ làm việc” là gì?

90 độ ý chỉ góc vuông, điều này thể hiện sự thẳng thắn, chính trực và quang minh lỗi lạc, làm việc nghiêm túc, hết mình. Hành thì chính, ngồi thì đoan, người chính trực không sợ bóng nghiêng, làm việc ngay thẳng không sợ ban đêm có người gõ cửa.

Người xưa có câu rằng: Quân tử đàng hoàng, tiểu nhân thấp thỏm. Làm người hay làm việc đi chăng nữa đều phải thẳng thắn, cương trực, sống chính trực như một người quân tử.

Có câu chuyện rằng: Xưa kia, vào những năm nạn đói hoành hành, lãnh đạo đã để cho một ông già đi trông coi kho thóc. Lãnh đạo dặn dò ông cụ: "Nhất định phải trông nom kho thóc thật cẩn thận" rồi rời đi. Kể từ đó, ông cụ luôn hết mình với nhiệm vụ của mình, không có một chút lòng tham nào.

Có người biết tin liền nảy ý xấu, lấy tiền mua chuộc ông lão để lấy thóc ở trong kho. Tuy nhiên lần nào ông lão cũng dứt khoát từ chối.

Dù có nhiều tiền đến thế nào đi chăng nữa, ông cụ cũng nhất quyết không trao đổi. Cho đến khi, ông cảm thấy bản thân mình không thể từ chối được nữa, ông quyết định tìm đến lãnh đạo để xin nghỉ.

Lãnh đạo nghe xong vô cùng kinh ngạc: "Ông là người chính trực nhất mà tôi từng gặp, giao kho thóc cho ông tôi cảm thấy vô cùng yên tâm, tại sao ông lại muốn xin nghỉ?", ông lão đáp: "Tôi sợ rằng một ngày nào đó, bản thân không cưỡng lại được cám dỗ sẽ đồng ý đổi thóc lấy tiền. Tôi không muốn phản bội lại tâm niệm của mình, vì thế tôi muốn xin nghỉ".

90 độ làm việc ý chỉ không lừa lọc gian dối, nội tâm luôn quang minh chính đại. Người có phẩm hạnh đoan chính thì mới có tầm, làm việc có tâm. Có như thế, họ mới sống cả đời trong sạch, sống không hổ thẹn với lương tâm, sống bình thản và an nhiên, ra đường mới có thể thoải mái và ngẩng cao đầu.

Tại sao nói “180 độ xử thế”?

180 độ chính là góc bẹt, đồng thời cũng là một đường thẳng. Câu này ý chỉ con người khi đối nhân xử thế cần phải có nguyên tắc, giữ được đường biên ngang cũng như giới hạn đạo đức của bản thân. Đây cũng chính là tiêu chí của lời nói và hành động của một con người, cũng chính là ranh giới của chính họ.

Đạo đức chính là cơ sở, là căn bản và cũng là thứ không thể thiếu đối với cuộc đời mỗi con người. Một người có đáng tin hay không thì phải xem anh ta có giữ được giới hạn đạo đức của mình hay không.

Có một vị giáo sư đang làm việc tại khoa sản phụ. Sau khi xem xong kết quả kiểm tra của bệnh nhân, ông nói với cô gái: "Trong tử cung có một khối u nhỏ, phải nhanh chóng phẫu thuật".

Bệnh nhân hoang mang vô cùng, liền đồng ý phẫu thuật ngay lập tức. Buổi phẫu thuật cũng nhanh chóng được sắp xếp. Khi phẫu thuật, ông quan sát tử cung thì liền ngây người khi phát hiện đó không phải là khối u mà là một thai nhi.

Vị giáo sư này vô cùng mâu thuẫn. Một là lấy thai nhi ra và nói dối bệnh nhân rằng đó là khối u thì cũng không ai biết; hai là nói toàn bộ sự thật cho bệnh nhân biết. Suy nghĩ vài giây, ông quyết định lựa chọn phương án thứ hai.

Ông nhanh chóng khâu lại vết mổ, ra khỏi phòng phẫu thuật và nói với người nhà bệnh nhân: "Rất xin lỗi mọi người, trong bụng là một em bé chứ không phải khối u". Đứng giữa nguy cơ nghề nghiệp cùng với đạo đức của một người, vị giáo sư này quyết định chọn đạo đức và lương tâm.

Đạo đức mỗi người như một cây diều, nếu như dây còn thì bạn còn điều khiển được hướng của cánh diều, khiến nó bay cao và xa hơn. Nếu như dây diều đứt, con diều sẽ nhanh chóng mất phương hướng và rơi xuống.

Chỉ khi trong lòng có tâm, chúng ta mới biết được điểm dừng, chỉ khi kiên trì duy trì đạo đức và nguyên tắc, con đường đời của bạn mới trở nên thoáng mát và rộng rãi.

* Thông tin mang tính chất tham khảo

Theo Xe và Thể thao