Thủy Hoàng đế là người đầu tiên trong lịch sử thống nhất Trung Hoa sau khi tiêu diệt 6 nước chư hầu, đặt nền móng cho lãnh thổ Trung Quốc hơn 2.000 năm.

Ông cũng là hoàng đế tạo nên chế độ chuyên quyền phong kiến chưa từng có, cùng những công trình nổi tiếng được xây dựng như Vạn Lý Trường Thành, Tần Chí Đạo. Thậm chí cả lăng mộ của ông cũng trở thành điều kỳ diệu trong hàng nghìn năm.

Đến nay lăng mộ Tần Thủy Hoàng vẫn còn nguyên vẹn dưới chân núi Ly Sơn, chưa được khai phá hoàn toàn khiến nó càng trở lên huyền bí. Vậy 5 bí ẩn chưa được giải mã ở lăng mộ Tần Thủy Hoàng là gì?

5 bí ẩn chưa được giải mã ở lăng mộ Tần Thủy Hoàng-1
Hình ảnh mô phỏng cho lăng mộ Tần Thủy Hoàng

Bí ẩn lời nguyền các chiến binh đất nung

Tương truyền, Hạng Vũ huy động 400.000 người để đào lăng mộ của Tần Thủy Hoàng, sau đó bị nguyền rủa và cuối cùng chết dưới tay của các "chiến binh đất nung". 

Năm kỵ binh giết chết Hạng Vũ bên bờ Ô Giang đều là người Tần, sinh ra ở vùng Quan Trung, binh lính của quân Tần cũ và họ đều là nguyên mẫu của chiến binh đất nung.

Vì thế có giả thuyết cho rằng đội quân này mang theo “lời nguyền” chết chóc với những ai có hành động phá vỡ “giấc ngủ” của Tần Thủy Hoàng.

Bí ẩn về thủy ngân trong cung điện ngầm

Thủy ngân có trong cung điện ngầm hay không luôn là chủ đề gây tranh cãi. Ghi chép về thủy ngân bắt nguồn từ "Sử ký" và "Hán Thư" nhưng chưa ai thực sự chứng nghiệm điều đó.

Với sự phát triển của khoa học và công nghệ, các nhà địa chất Thường Dũng và Lý Đồng Tiên từng hai lần đến lấy mẫu. Sau nhiều lần kiểm tra, họ phát hiện khu vực trung tâm có hàm lượng thủy ngân cao bất thường, với diện tích khoảng 12.000m2.

Theo ghi chép, Tần Thủy Hoàng muốn sử dụng số thủy ngân này để tạo ra các con sông lớn nhỏ, ngăn chặn những kẻ trộm mộ muốn xâm nhập vào bên trong. Nhưng cũng chính điều này gây khó khăn cho các nhà khảo cổ trong việc khám phá ngôi mộ.

5 bí ẩn chưa được giải mã ở lăng mộ Tần Thủy Hoàng-2
Đội quân “chiến binh đất nung” bảo vệ lăng mộ.

Thi thể Tần Thủy Hoàng còn nguyên vẹn?

"Xác nữ" được khai quật tại Mã Vương Đôi vào thời nhà Hán được bảo quản rất tốt trong vòng 2.000 năm khiến các nhà nghiên cứu sửng sốt.

Nhà Tần và Hán cách nhau không xa, nhà Hán có thể làm được, Tần Thủy Hoàng với quyền lực lớn như vậy cũng có thể làm điều tương tự. Vì thế nhiều người tin rằng thi thể của ông cũng sẽ được bảo tồn hoàn chỉnh như vậy.

Tần Thủy Hoàng chết khi trên đường tuần du. Di thể của ông không kịp thời được xử lý nên trên đường trở về kinh đô Hàm Dương, Triệu Cao phải sử dụng cá để át đi mùi hôi. Vậy nên cũng có ý kiến nói xác suất thi hài của Tần Thủy Hoàng nguyên rất thấp.

Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng sâu mức nào? 

Dữ liệu thăm dò khảo cổ cho thấy, chiều dài thực tế của cung điện dưới lòng đất của Lăng tần là 260m từ Đông sang Tây và 160m từ Bắc xuống Nam, với tổng diện tích là 41.600m2.

Cung điện dưới lòng đất của Tần Thủy Hoàng là cung điện ngầm lớn nhất trong các triều đại Tần và Hán, quy mô của nó tương đương với năm sân bóng đá quốc tế. 

Theo dữ liệu mới nhất, cung điện dưới lòng đất này không sâu như mọi người tưởng tượng. Độ sâu thực tế gần bằng độ sâu của ngôi mộ ở đại mộ Tần Công số 1, Chỉ Dương.

Tính theo cách này, độ sâu thực tế từ miệng của cung điện ngầm đến đáy là khoảng 26 mét, và độ sâu nhất trên bề mặt vào thời nhà Tần là khoảng 37 mét.

Bí ẩn về sự thiêu đốt của chiến binh đất nung

Khi khai quật hố chiến binh đất nung số 1 và 2, người ta tìm thấy một lượng lớn vết tích lửa cháy. Trong thời gian dài xuất hiện hai luồng ý kiến khác nhau liên quan đến sự việc này.

Một là, trong hố của các chiến binh đất nung có gỗ và các chất hữu cơ khác, theo thời gian tạo ra khí metan và tự bốc cháy. Hai là, do con người tạo ra.

Tháng 6/2009, sau khi thực hiện đợt khai quật lần thứ 3, các nhà khảo cổ phát hiện hành lang Bắc - Nam chạy xuyên qua khu vực phía Tây của khu khai quật, thông với ô cửa phía Bắc đã bị biến dạng, bạc màu, có nơi còn bị cháy.

Do vị trí khác nhau, kích thước của ngọn lửa khác nhau nên màu sắc cũng khác nhau, các bức tượng bị thiêu cháy chủ yếu nằm ở những nơi thông gió như hành lang, và mức độ hư hại cũng nghiêm trọng hơn các nơi khác, cho thấy trận hỏa hoạn là do con người gây nên. 

Dựa trên các ghi chép lịch sử, Hạng Vũ là người bị nghi ngờ nhiều nhất, do ông và Tần Thủy Hoàng có mối hận sâu sắc. Sau khi đốt cháy Cung A Phòng và thành Hàm Dương, Hạng Vũ chưa hết hận nên cử một đội quân lớn đến khai quật và đốt cháy lăng mộ.

Theo VTC