Theo quan niệm của người Việt, trong những ngày đầu năm Âm lịch, nếu gặp nhiều điều may mắn, mọi chuyện suôn sẻ thì cả năm sẽ hanh thông. Và ngược lại, nếu đầu năm gặp phải điều xui xẻo, không may thì năm đó sẽ nhiều vận hạn. 

Xuất phát từ quan niệm đó nên từ xưa trong dân gian có rất nhiều kiêng kị trong ngày Tết Âm lịch để tránh "xui". Đặc biệt, những phụ nữ đang mang thai vốn người coi là nhiều khí âm, đen đủi nên càng phải kiêng kị nhiều hơn.

Cho đến ngày nay, ở nhiều địa phương việc kiêng kị trong ngày Tết của bà bầu vẫn khá nghiêm ngặt. Và trên thực tế có những điều không còn phù hợp nhưng cũng có những vấn đề không hề bất hợp lý. 

5 điều kiêng kị dịp Tết cho bà bầu ông bà thường nhắc, không phải điều nào cũng lỗi thời-1

Kiêng đi "xông nhà" 

Theo quan niệm của người xưa, người xông nhà ngày Tết chính là người đến chúc Tết đầu tiên sau thời khắc giao thừa. Và người xông nhà sẽ có ảnh hưởng đến vận hạn cả năm của gia đình. Nếu người này khỏe mạnh, tài giỏi, thành đạt thì năm đó gia đình sẽ gặp nhiều may mắn, làm ăn tấn tới.

Bà bầu thường bị cho là người có "khí xui", "sinh dữ tử lành" nên không được đi xông nhà, nếu không sẽ mang đến điều không may cho gia chủ. 

Đương nhiên chúng ta không thể suy xét đến yếu tố có lý hay không của điều kiêng kị này mà nó chỉ là quan niệm và truyền thống. Do đó tốt nhất, mẹ bầu lưu ý không xông nhà ai ngày Tết, để tránh việc mình trở thành nhân tố "có tội" lỡ như gia chủ năm đó không gặp may mắn.

Kiêng đi chúc Tết

Cũng giống như kiêng "xông nhà", nhiều ông bà xưa còn cho rằng bà bầu không nên đi chúc Tết đầu năm vì sẽ mang lại những điều xui xẻo cho gia chủ. Trên thực tế ngày nay không còn nhiều gia đình tin vào quan niệm này nên mẹ bầu vẫn được đi chơi Tết, thăm hỏi họ hàng thoải mái. 

Tuy nhiên, mẹ bầu cần chú ý nên hạn chế đi lại quá nhiều trong dịp Tết sẽ gây mệt mỏi, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và em bé. 

5 điều kiêng kị dịp Tết cho bà bầu ông bà thường nhắc, không phải điều nào cũng lỗi thời-2

Kiêng đứng giữa cửa nhà

Phong tục nhiều nơi cho rằng bà bầu đứng giữa cửa nhà sẽ ngăn cản may mắn đến với gia đình. Và thực tế mẹ bầu vốn đã "phì nhiêu" hơn nên đứng tại khu vực cửa vào cũng mang lại cảm giác bí bách, chưa kể dễ bị mọi người đi lại đụng trúng. 

Vì vậy ngày Tết, mẹ bầu nên tránh không đứng trước cửa nhà, kể cả nhà mình hay khi đến chơi nhà người khác. Thay vào đó, mẹ hãy tìm một vị trí thoải mái ngồi nghỉ ngơi, trò chuyện cùng mọi người. 

Kiêng quét nhà

Quét nhà ngày mùng 1 không phải là điều kiêng kị riêng cho bà bầu mà là điều kiêng kị chung vì người xưa thường nói "mùng 1 quét ra, mùng 3 quét vào”. Người Việt tin rằng nếu quét rác ra khỏi nhà ngày mùng 1 đầu năm âm lịch là đồng nghĩa với việc quét tài lộc ra khỏi nhà. 

Và dù gia đình không kiêng theo quan niệm này thì công việc quét nhà cũng không phải là việc mẹ bầu nên làm. Việc quét nhà đòi hỏi phải đứng lên ngồi xuống nhiều, thậm chí cúi xuống để quét được những vị trí khuất sẽ không tốt cho thai nhi trong bụng. 

Kiêng cãi vã, to tiếng

Những ngày đầu năm mọi người luôn nhắc nhau hãy nhẹ nhàng, khoan thai trong cách cư xử để bắt đầu một năm mới thuận buồm xuôi gió.

Người xưa quan niệm rằng, nếu ngày đầu năm to tiếng, cãi vã thì cả năm sẽ gặp xui xẻo. Vì vậy mẹ bầu dù có nhiều mệt nhọc, khó chịu nhưng cũng đừng "nổi xung" mà nên nhẹ nhàng trình bày, giải thích với gia đình.

5 điều kiêng kị dịp Tết cho bà bầu ông bà thường nhắc, không phải điều nào cũng lỗi thời-3

Theo góc độ khoa học, bà bầu thường xuyên căng thẳng, buồn bã, khóc lóc, tức giận sẽ truyền những năng lượng tiêu cực trực tiếp đến thai nhi. Cụ thể là các hormone cortisol và dolpamine trong máu sẽ tăng cao khiến con trong bụng phải gánh chịu nhiều tác động xấu.

Những điều kiêng kị ngày Tết có thể khiến nhiều mẹ bầu khó chịu, không thoải mái. Thực tế không phải gia đình nào cũng còn giữ quan niệm kiêng cữ nghiêm ngặt thế này nên mẹ bầu hãy cứ thoải mái, "tùy cơ ứng biến". Điều quan trọng nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, mẹ bầu nên giữ sức khỏe, ăn uống và nghỉ ngơi điều độ. 

Theo Thoidaiplus