Ngày Tết Hàn thực mùng 3 tháng 3 âm lịch hằng năm còn được gọi là Tết bánh trôi bánh chay, mang ý nghĩa đánh dấu sự chuyển mình của vạn vật, chuẩn bị bước vào mùa hè. Trong ngày này, mọi gia đình Việt háo hức chuẩn bị món bánh trôi, bánh chay để cúng ông bà tổ tiên bày tỏ lòng thành kính, hướng về cội nguồn.
Hiện nay, Tết Hàn thực chỉ còn là một ngày lễ thông thường, tuy nhiên vẫn có những điều kiêng kỵ nhất định theo tục lệ dân gian.
Kiêng nổi lửa
Ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở miền Bắc, vẫn lưu giữ phong tục không nổi lửa vào ngày này, hoặc hạn chế chỉ dùng lửa nấu một lần trong ngày. Đa phần các gia đình sẽ ăn các món nguội, được chế biến sẵn từ hôm trước. Bánh trôi, bánh chay cũng là những món ăn lạnh, không cần hâm nóng lại.
Kiêng ăn mặn
Trong ngày Tết Hàn thực, các gia đình thường ăn chay, kiêng ăn mặn để tránh sát sinh. Tục lệ này cũng liên quan đến tiết Thanh minh và mang ý nghĩa mong cầu cho linh hồn người đã khuất dễ dàng siêu thoát.
Kiêng cúng bánh trôi, bánh chay ngũ sắc
Hiện nay nhiều gia đình chuộng bánh trôi, chay ngũ sắc để thắp hương, dâng lên tổ tiên là không đúng với ý nghĩa nguyên gốc của ngày Tết Hàn thực. Bánh trôi, bánh chay truyền thống làm từ bột nếp trắng, tròn đầy thể hiện tấm lòng thành kính của người còn sống với những bậc tiền nhân.
Kiêng cúng mâm cao cỗ đầy
Trong ngày 3/3 âm lịch, các gia đình không cần thiết phải chuẩn bị mâm cao cỗ đầy, bày vẽ tốn kém để cúng lễ. Mâm cúng ngày Tết Hàn thực chỉ cần bánh trôi, bánh chay đơn giản và thành tâm để dâng lên tổ tiên, nguyện cầu bình an, hạnh phúc cho gia đình.
Kiêng chuyển nhà
Việc chuyển nhà trong ngày Tết Hàn thực là kiêng kỵ vì vong linh của một người sau khi qua đời sẽ luôn theo sát người thân còn ở chốn trần gian. Vì vậy việc di chuyển nhà vào ngày lễ Tết Hàn thực sẽ khiến cho vong linh người mất bị xáo trộn, không tốt.
May
Theo Vietnamnet