Xóm Bến Vôi, thôn Cấn Hạ (xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Nội) những ngày qua bị ngập lụt bởi mưa lớn. Khắp đường làng, ngõ xóm, không nơi nào không mênh mông biển nước.
Chèo chiếc thuyền len qua những xóm nhỏ rồi dọc theo đường chính để ra cánh đồng, bất chợt, ông Nguyễn Văn Thực (74 tuổi) được người làng gọi với lại:
- Ông Thực ơi, tôi đi nhờ ra ngõ mua mớ rau với.
Người đàn ông nhanh nhẹn đáp lời rồi tấp thuyền sát vào phía bờ tường để cho bà lão quá giang một đoạn. Không phải gia đình ai cũng sẵn thuyền bè những lúc như này nên chuyện đi nhờ là thường gặp. Gia đình ông Thực thì có tới 3 chiếc thuyền để ông và con cái đi làm ngoài trang trại.
Sau khi cho bà lão đi nhờ, ông Thực nhanh chóng chèo thuyền ra trại gà nhà mình để kiểm tra. Mấy ngày qua, cứ vài ba tiếng một lần, ông lại đi thuyền ra cánh đồng. 1.500 con gà của gia đình ông nuôi đã tới ngày xuất chuồng nhưng vì ngập lụt chưa thể bán. Mấy hôm nay cứ ra tới cửa chuồng, ông lại thấy xác một con gà nổi trên mặt nước. Có ngày, ông vớt gần 30 con và vứt đi.
"Tiếc của đứt ruột mà chẳng thể làm gì. Sáng hôm đó bố con tôi đã kê cao chuồng nhưng vì chật chội và dính nước lạnh nên chốc nhát lại có con chết", ông nói.
May mắn đàn lợn của ông đã kịp bán, hơn chục con trâu cũng được di chuyển lên chỗ cao nên chưa gặp thiệt hại quá lớn.
Dọn dẹp chuồng, kiểm tra, cho gà ăn xong, ông Thực chèo thuyền trở về nhà. Nước dâng cao ngập mọi nẻo đường, chiếc thuyền cứ vậy di chuyển một mạch về đậu trước cửa. Lúc này, con trai ông cũng chuẩn bị đi thăm đàn trâu. Hai cha con ông luân phiên nhau, người này về nghỉ ngơi thì người kia đi làm, túc trực bên đàn vật nuôi 24/24h.
Sân ngập nước, ông Thực bì bõm lội quanh để đi rửa bát rồi vào nghỉ. Trong nhà, nước mấp mé sấp tới mắt cá chân. Chính quyền địa phương có kêu gọi bà con nếu nhà nào ngập cao quá có thể dọn tới nhà văn hóa thôn để ở tạm mấy ngày chờ nước rút nhưng vì còn việc đồng áng và trông nom nhà cửa nên ông Thực vẫn ở lại.
Cùng cảnh chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Ngọc những ngày qua cũng đau đáu vì đàn lợn. Ngồi lặng lẽ nhìn một lượt khắp xung quanh căn phòng bốn bề là nước, ông Ngọc thở dài. Đây đã là ngày thứ 5, ngôi nhà của ông bị nước tràn vào. Người đàn ông này vẫn còn nhớ như in hôm ấy, một buổi sớm trời còn nhá nhem. Những tiếng sấm cùng với cơn mưa kéo đến bất chợt khiến vợ chồng ông choàng tỉnh giấc. Tiếng mưa rơi ào ào trên mái tôn, nước dâng lên mỗi lúc một cao. Chỉ trong vài giờ đồng hồ, gian nhà của ông Ngọc bỗng chốc "hoá sông".
Hôm ấy, gia đình ông quần quật từ sớm đến tối, thậm chí bỏ cả bữa trưa chỉ để kịp thu dọn, chất hết mọi thứ lên cao. Con cái đi làm ăn xa, nhà vốn neo người nay còn bị lụt. Vợ chồng ông như đánh vật với đống đồ đạc. Không chỉ gian nhà ở, bên ngoài còn có kho chứa máy xay thóc và chuồng gia súc. "Chưa có trận nào kinh khủng như vậy kể từ đợt lụt lịch sử năm 2018", ông Ngọc chua xót nói.
Xỏ vào chiếc ủng quần chống thấm, bà Hoàn (vợ ông Ngọc) dò từng bước ra sân thu nốt dây quần áo mới phơi khô. "Trời quang nắng ráo mới được vài ngày, nước vừa rút được chút thì cơn mưa đêm qua lại bồi vào. Tôi ra ngoài bờ đê thấy nước còn cao lắm, chừng nào ngoài ấy còn nước thì nhà tôi vẫn chưa hết ngập", bà Hoàn cho biết.
Chồng đi phụ hồ, bà Hoàn ở nhà đồng áng, chăn nuôi thêm cả gia súc. Vốn liếng ít ỏi, đàn lợn của nhà bà chỉ có 5 con, chủ yếu là lợn nái. Hôm kia, bà mới phải bán bớt đi một con vì bị gãy chân trong lúc được di dời lên cao. Nhìn đàn lợn, bà Hoàn lại lo ngay ngáy bởi dự báo thời tiết tuần tới khả năng mưa lớn. Không biết nếu nước còn lên nữa, bà sẽ phải dời chúng đi đâu.
Nước ngập, chẳng chừa lại nơi nào. Những gian nhà cũ chỉ có một tầng thì chủ nhà thu dọn đồ đạc rồi đi ở nhờ nếu ngập nặng. Nhà ai vài ba tầng thì vợ chồng, con cái chuyển lên tầng trên. Xóm làng cũng vì mưa lụt mà ít ai ra đường khiến những ngày này yên ắng. Nước mênh mông, nhấn chìm đồng ruộng. Trong xóm, chỉ trừ một vài nơi nước đã rút thì chỗ ngập thấp cũng tới bắp chân, điểm ngập cao đưa gậy xuống đo, sâu tới 2m.
Người nông dân như bà Hoàn không biết áng chừng thiệt hại bởi nước chưa rút hết. Nhưng kinh tế trong nhà chủ yếu dựa vào chăn nuôi, cày cấy khiến bà chỉ biết lắc đầu, nhận định: "Mất nhiều lắm".
Người lớn sống trong thấp thỏm, ưu phiền bởi thiệt hại kinh tế. Chỉ có đám trẻ trong làng là vô tư. Cứ tới chiều mát, chúng lại theo nhau ra cánh đồng để nghịch nước. Tiếng cười đùa vang cả một vùng mênh mông không biết đâu là đường, đâu là ruộng. Những người như ông Thực, ông Ngọc... cũng đành xem niềm vui của lũ trẻ trong xóm là điều "vớt vát" cuối cùng mà con nước lớn này để lại.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) cho biết, do ảnh hưởng của mưa bão những ngày qua, xã đã bị thiệt hại nặng. Theo ông Dũng, xóm Bến Vôi là một trong những khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng nếu có mưa lớn. Thống kê ban đầu, diện tích lúa bị ngập khoảng 250ha, trong đó 40ha mất trắng. Ngoài ra, diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại khoảng 200ha và hàng trăm nghìn con gia cầm bị ảnh hưởng.
Theo Vietnamnet