Một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với tình yêu là khi một hoặc cả hai bạn ngừng cố gắng. Tất cả chúng ta đều biết thời kỳ yêu đương mãnh liệt của giai đoạn đầu sẽ không kéo dài mãi mãi.
Khi cảm giác bồi hồi, xao xuyến bắt đầu tan biến, bạn đang bước vào một giai đoạn mới trong mối quan hệ, nơi cả hai đều cảm thấy thoải mái khi là chính mình.
Tuy nhiên, nếu không cẩn thận bạn có thể vô tình phạm phải những hành động có thể ngấm ngầm phá hủy đi mối quan hệ mà không hề hay biết.
Quá thẳng thắn
Mặc dù chắc chắn rằng sự trung thực trong một mối quan hệ là vô cùng quan trọng, nhưng việc để tâm đến cảm xúc của người ấy cũng quan trọng không kém.
Những người yêu nhau cần trung thực với nhau, nhưng sự trung thực không nên trở thành viên đạn găm vào trái tim người ấy. (Ảnh minh họa)
Nếu bạn biết nửa kia đang buồn chán về việc tăng vài cân, có lẽ bạn không nên quá thẳng thắn mà phơi bày ra thêm sự thật. Chỉ vạch ra khuyết điểm nếu bạn có giải pháp giúp họ khắc phục, nếu không, đừng chạm vào chỗ đau nhất của họ.
Hãy nhớ rằng, người ấy của bạn có thể đã nhận thức được những thiếu sót của mình. Họ không cần bạn nhắc nhở liên tục.
Thích bóng gió
Trừ khi nửa kia của bạn là người đọc được suy nghĩ, rất có thể họ không phải lúc nào cũng hiểu những gì bạn đang cố gắng truyền đạt bằng cách bóng gió, đưa ra gợi ý.
Cuộc sống bên ngoài đã có quá nhiều căng thẳng và mệt mỏi, việc phải gồng mình chơi trò đoán ý nghĩ, nhìn sắc mặt và thái độ của người yêu để đưa ra hành động phù hợp sẽ dễ dẫn đến sự chán chường.
Giao tiếp cởi mở và trung thực, đúng lúc, đúng sự việc là chìa khóa cho các mối quan hệ lành mạnh lâu dài.
Trái ngược với việc quá thẳng thắn, vòng vo và bóng gió quá mức cũng không hề tốt cho mối quan hệ. (Ảnh minh họa)
Trêu chọc vui vẻ có vẻ như không phải là vấn đề lớn. Đó là cho đến khi nó bắt đầu có một bước ngoặt độc hại, gây tổn thương.
Lúc đầu, điều đó có thể vô hại, nhưng chúng ta thường không nhận ra khi mình đã đi quá xa và cuối cùng nói ra những điều khiến mình hối tiếc.
Tránh né xung đột
Thay đổi chủ đề để tránh xung đột có vẻ là một ý tưởng tuyệt vời, vì nếu không cãi nhau sẽ không có gì để giải quyết, phải không? Suy nghĩ như vậy vô cùng tai hại.
Tránh xung đột sẽ không chỉ cắt đứt sự giao tiếp chân thành giữa hai người mà còn buộc bạn phải kìm nén cảm xúc của mình, dần dà khiến bạn kiệt quệ về tinh thần và cuối cùng là càng bực bội hơn.
Thay vì tránh xung đột, hãy tham gia vào một cuộc trò chuyện bình tĩnh, nghiêm túc để giải quyết triệt để vấn đề.
Cố thay đổi người ấy
Không ai có thể trở nên hoàn hảo, vì vậy nếu bạn không thể chấp nhận những khuyết điểm của nửa kia, có lẽ đã đến lúc tự hỏi tại sao bạn lại yêu người ấy. (Ảnh minh họa)
Dù rằng bạn có ý tốt, nhưng hãy hỏi ý kiến người ấy trước khi thực hiện bất kỳ điều gì nhằm thay đổi đối phương.
Hãy để người ấy quyết định xem họ có sẵn sàng thay đổi con người của họ hay không. Đừng ép họ thay đổi chỉ vì bạn nghĩ rằng điều đó sẽ tốt cho họ. Việc mà bạn nghĩ rằng tốt cho người ấy không đồng nghĩa rằng thực tế nó sẽ tốt cho họ.
"Hy sinh" cuộc sống riêng
Mặc dù sở thích và hoạt động chung mang đến cho các cặp đôi cơ hội củng cố mối quan hệ, nhưng điều quan trọng là mỗi cá nhân cũng cần giữ sở thích và cuộc sống của riêng mình.
Điều này đảm bảo rằng cả hai giữ được bản sắc độc đáo của riêng mình trong suốt quá trình yêu đương, đồng thời nó cũng tạo ra những vấn đề thú vị để hai bạn chia sẻ sau một ngày dài vất vả.
Nếu bỏ bê việc theo đuổi sở thích của mình, bạn có thể dễ dàng trở nên thất vọng và mất động lực trong cuộc sống hàng ngày.
Theo VTC News