Hệ thống tàu điện trên cao của thủ đô Bangkok, Thái Lan - hay còn được biết đến với tên gọi BTS Skytrain - là một trong những hệ thống phương tiện giao thông công cộng phổ biến, tiện lợi nhất ở Thái Lan.
Được Công chúa Thái Lan Maha Chakri Sirindhorn khai trương vào ngày 5/12/1999, ban đầu người dân thủ đô Bangkok chưa thực sự đón nhận phương tiện công cộng này, nhưng sau đó nó đã dần trở nên phổ biến và được công chúng yêu thích hơn.
Hơn một thập kỷ qua, hệ thống tàu BTS Skytrain đã trở thành một phần quan trọng trong hệ thống giao thông công cộng của thủ đô Bangkok, với lượng hành khách tăng hàng năm (trước thời điểm dịch bệnh).
Không chỉ người dân địa phương mà cả các du khách nước ngoài cũng yêu thích phương tiện giao thông này vì sự tiện lợi và giá vé tương đối rẻ.
Sau đây là một số điều thú vị về tàu điện trên cao của Bangkok do trang Thaiger tổng hợp:
1. Rất nhiều quảng cáo!
Một sự thật khác xa phim ảnh phương Tây là ở Thái, không ai đọc sách hay tạp chí trên tàu điện BTS. Một phần là do thời gian di chuyển nhanh và hầu hết mọi người sẽ sử dụng điện thoại thông minh, và một phần nữa là do... quảng cáo.
Với sự phát triển của các loại hình quảng cáo, các toa tàu BTS cũng bắt nhịp bằng các màn hình hiển thị, ảnh quảng cáo khổ lớn mang đến các thông điệp tiếp thị và xây dựng thương hiệu của các nhãn hàng tên tuổi.
Với số lượng hành khách trung bình mỗi ngày là 663.000 người, kể từ năm 2013, hệ thống BTS nhận được phần lớn doanh thu từ quảng cáo thay vì bán vé.
2. Không có chế độ giảm giá
Đối với những vị khách du lịch không lưu lại Bangkok thời gian dài và muốn đi đến ít nhất 2 địa điểm trong ngày, thì vé ngày là lựa chọn tiết kiệm và tối ưu nhất. Không chỉ tiết kiệm tiền, mà vé ngày còn giúp hành khách tiết kiệm thời gian xếp hàng chờ mua vé vào giờ cao điểm.
Hiện không có vé ưu đãi cho người cao tuổi hoặc các chương trình giảm giá khác cho hệ thống tàu điện trên cao ở Bangkok, dù hệ thống tàu điện ngầm (MRT) có áp dụng giảm giá cho người trên 60 tuổi.
3. Cẩn thận với cửa tự động
Sau khi mua vé thành công, hành khách sẽ đi qua cổng soát vé để vào sân ga. Công nghệ này được các hệ thống tàu trên cao, tàu điện ngầm khác trên thế giới sử dụng, và tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông vừa chính thức hoạt động ở Hà Nội cũng vậy.
Tuy nhiên, một điều đáng chú ý là cổng soát vé tự động đóng mở rất nhanh - chỉ trong vài giây, giống như một cuộc đua giữa con người với máy móc vậy! Điều này khiến một số hành khách chưa quen lúng túng vì cửa đóng lại quá nhanh, hoặc thậm chí là bị kẹt.
4. Nghiêm cấm sầu riêng!
Người Thái yêu thích sầu riêng, nhưng đây lại là thứ quả không thể mang lên tàu BTS hay MRT. Không chỉ sầu riêng, mà tất cả những thứ đồ bốc mùi cũng không được phép mang lên tàu.
Có rất nhiều nhân viên an ninh ở các trạm, và đảm bảo họ sẽ phát hiện ra sầu riêng nhanh hơn là phát hiện ra bất cứ loại vũ khí nào!
5. Giờ cao điểm kinh hoàng!
Vào các khoảng thời gian từ 7 - 9 giờ sáng và 5 - 7 giờ chiều, khi dân công sở đi làm, học sinh - sinh viên đi học là giờ cao điểm và cũng là khung giờ "đông kinh hoàng" ở các nhà ga BTS.
Hãy tưởng tượng việc có 10 triệu hành khách có nhu cầu di chuyển trong khu vực nội đô Bangkok. Có thể bạn sẽ phải chờ đợi vài chuyến tàu mới đến lượt.
Trải nghiệm đứng đợi tàu cùng hàng ngàn người dân Bangkok vào một ngày tháng 4 nóng nực, trong khung giờ cao điểm thực sự... rất khó quên!
6. Không có nhà vệ sinh trên tàu hoặc ở sân ga
Một điều kỳ lạ là hệ thống tàu điện không bố trí nhà vệ sinh công cộng ở sân ga và trên tàu, điều này có thể sẽ gây bất tiện cho những hành khách di chuyển chặng đường xa.
Nhưng may mắn thay là có rất nhiều trung tâm mua sắm ở gần đó có nhà vệ sinh công cộng phục vụ những người có nhu cầu.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị