Tây du ký

 


Không bị áp lực bởi cái bóng quá lớn của “Tây du ký 1986”, TVB đã mang nhiều cách tân cho phiên bản “Tây du ký” của mình vào 2 phần phim năm 1996 và 1999. Những nội dung mới mẻ được thêm thắt vào như chuyện ra đời của Đường Tam Tạng, hay chuyện tiền kiếp của Trư Bát Giới… tất cả đều mang đến không khí lạ lẫm và cuốn hút với những ai theo dõi “Tây du ký” bản TVB. Đặc biệt hơn khi TVB đã “mạnh tay” cho thay đổi tính cách của Đường Tăng, khi ông hiểu biết hơn, mạnh mẽ hơn và không còn “bánh bèo” hở chút là kêu Ngộ Không cứu nữa. Dàn diễn viên chính như Trương Vệ Kiện (phần 2 thay bằng Trần Hạo Dân), Giang Hoa, Lê Diệu Tường… đã thể hiện xuất sắc thần thái và diễn biến tâm lý nhân vật. Kỹ xảo vi tính cũng được nhà đài áp dụng triệt để cho phim, mang đến cảm giác thú vị hơn khi theo dõi.


Truyền thuyết Liêu Trai

 


Là người đi tiên phong cho thể loại huyền ảo và ma mị, các câu chuyện trong phim đều được lấy từ “Liêu trai chí dị” của Bồ Tùng Linh. Khung cảnh u ám, tăm tối cùng nội dung có chiều sâu và có phần rùng rợn, “Truyền thuyết liêu trai” đã tái hiện sống động những câu chuyện ma trên trang sách lên màn ảnh. Đây cũng có phim quy tụ dàn diễn viên hùng hậu của TVB thời đó như Lương Tiểu Băng, Lữ Tụng Hiền, La Gia Lương… cùng nhiều diễn viên khác. Phim còn cho thấy sự đầu tư của nhà đài TVB cho thể loại thần thoại này, khi đưa đoàn phim qua Đại Lục quay ngoại cảnh. Thành công của 2 phần phim đã đưa “Truyền thuyết liêu trai” trở thành một trong các phim thần thoại cổ trang hay của nhà đài.

 

Truyền thuyết người và rồng

 


Phim là câu chuyện bi thương về tình yêu giữa người và rồng, giữa thù hận giữa con người và loài rồng. Diệp Hy là chàng trai hiền lành đã có cơ duyên gặp cô gái rồng là Tiểu Ngư và mang lòng yêu thương. Tình yêu của họ đã bị người đời và gia tộc rồng phản đối, dẫn đến những tình tiết bi kịch sau này. Là phim thần thoại được đầu tư của TVB trong năm 1999, “Truyền thuyết người và rồng” được sử dụng những kỹ xảo vi tính tiên tiến nhất ở thời điểm đó cho những cảnh rồng và người giao tranh. Âm thanh cũng được đầu tư chân thực, sống động để diễn tả không khí khốc liệt của phim. Diễn xuất của dàn diễn viên chính như Trần Hạo Dân, Viên Khiết Doanh, Tiền Gia Lạc… khá tốt và cuốn hút khán giả theo dõi phim. Kết thúc bi kịch của phim cũng khiến người xem ám ảnh một thời gian.

 

Đắc Kỷ - Trụ Vương

 


Là phim chuyển thể từ thần thoại “Bảng phong thần”, tuy nhiên thay vì xoay quanh Khương Tử Nha như truyện dân gian thì “Đắc Kỷ - Trụ Vương” lại lấy trọng tậm là nhân vật Na Tra. Hơn nửa đầu phim là những chuyện về Na Tra và khán giả sẽ hiểu rõ hơn về quá khứ trước khi thành tiên của nhân vật này. Chỉ tới nửa sau thì phim mới đi đúng với “Phong thần bảng” là chuyện về mỹ nữ Tô Đắc Kỷ dụ dỗ Trụ Vương ăn chơi trụy lạc và khuynh đảo triều cương… “Đắc Kỷ - Trụ Vương” ngoài yếu tố thần thoại với các màn đấu phép, đánh nhau đẹp mắt thì còn gây xúc động nơi khán giả khi đề cao tình cảm gia đình, giữa Ân Thập Nương và Na Tra. Dàn diễn viên như Trần Hạo Dân, Ôn Bích Hà, Uyển Quỳnh Đan, Diệp Tuyền… đã mang đến một bộ phim đầy hấp dẫn và ý nghĩa tới khán giả. “Đác Kỷ - Trụ Vương” là một trong các phim có rating cao năm 2001 ở HongKong. Đây cũng là phim đầu tiên của Diệp Tuyền – người sau này sẽ thành Hoa Đán mới của đài TVB.

 

Khôi phục giang sơn

 


Lấy bối cảnh Võ Tắc Thiên lên ngôi, triều đình và đất nước loạn lạc. Tiên nữ Bích Dao phải xuống trần tìm “chân mệnh Thiên Tử” để khôi phục lại giang sơn Đại Đường. Trong quá trình tìm kiếm, Bích Dao còn phát hiện ra âm mưu khủng khiếp của một tên quái vật đang mưu đồ chiếm ngôi vị của Võ Hậu…    Lấy nền là triều đại của Võ Tắc Thiên để kể một câu chuyện hư cấu đầy lôi cuốn, “Khôi phục giang sơn” được đánh giá là phim thần thoại hấp dẫn của TVB vào năm 2002. Những màn đấu phép và đánh võ đẹp mắt cùng những tình tiết cảm động đã đưa tên tuổi Văn Tụng Nhàn, Trần Hạo Dân… thành những cái tên được khán giả mến mộ. Phim còn là một trong những phim đầu mà Dương Di đóng, vai diễn bi kịch trong phim của cô cũng khiến khán giả chú ý.  


Truyền tích thần kỳ

 


Là câu chuyện về 3 người bạn 2 nam 1 nữ chơi thân với nhau từ nhỏ đến lớn là Thể Chi, Án Hủy và Cảm Đang. Họ đều có cơ duyên gặp được thần tiên và được dạy phép thuật cùng nội công để cứu giúp chúng sinh. Trần gian lúc này bị nữ phù thủy là Vô Cực Thiên Tôn đe dọa, nhiệm vụ của 3 người là phải đánh bại mụ ta và mang lại yên bình cho trần thế. Có nội dung đơn giản, dễ xem dễ hiểu, “Truyền tích thần kỳ” đã mang thể loại phim thần thoại trở lại sau nhiều năm vắng bóng trên đài TVB. Phim tuy bị chê là kỹ xảo vi tính không đặc sắc, nhưng cũng là phim đáng xem trên đài TVB vào năm 2008. Chung Gia Hân đã cho thấy diễn xuất tiến bộ của mình qua vai Thể Chi, cùng với sự trợ giúp của hai bạn diễn là Trần Cẩm Hồng và Trần Hạo Dân.”Truyền tích thần kỳ” mang thông điệp “ở hiền gặp lành” và “cái ác phải bị diệt trừ”, thích hợp cho trẻ em và người lớn theo dõi. ’

 

Vô song phổ

 


Được làm lại từ tác phẩm thần thoại kinh điển cùng tên của TVB ở thập niên 80, “Vô song phổ” gồm 3 câu truyện nhỏ là “Dịch thoa”, “Lục Phán” và “Truy ngư” đan xen vào nhau. Nhìn cứ ngỡ như 3 tuyến nhân vật không hề liên quan, nhưng càng về sau 3 tuyến này sẽ gặp nhau và góp phần cho câu chuyện chính của phim. Điểm đặc biệt của “Vô song phổ” là mỗi nhân vật chính sẽ diễn 2 vai, theo đúng tinh thần của phim là “Có những người gương mặt giống nhau nhưng tâm tính lại không giống nhau”. Lê Diệu Tường, Điền Nhụy Ni, Sầm Lệ Hương, Quách Thiện Ni… đã hóa thân thành 2 vai hoàn toàn khác biệt, mang đến sự thú vị cho khán giả. Điểm trừ của phim là TVB không đầu tư kỹ xảo, nhìn rất giả và khộng thật. Còn lại thì nhà đài đã làm tốt từ nội dung cho đến chọn diễn viên hợp vai. Phim này cũng là phim cuối cùng của Hoa Đán một thời Quách Thiện Ni ở TVB.

 


Lãng Khách

Theo Vietnamnet