Lịch sử phong kiến Trung Quốc từng ghi nhận sự tồn tại của cực hình lăng trì (tùng xẻo), khiến cho hậu thế vừa nghe thấy tên đã khiếp hãi.


Nhưng trên thực tế, những hình phạt dưới đây còn ghê sợ hơn cả lăng trì, đồng thời phản ánh những đạo luật và hình thức xử phạt tàn khốc, thiếu nhân tính của nhiều triều đại phong kiến Trung Hoa.


Tẫn hình


Tẫn hình là một trong những nhục hình khét tiếng tại Trung Hoa vào thời phong kiến. Tẫn trong tiếng Trung có nghĩa là xương bánh chè. Hình phạt này tiến hành bằng cắt xương bánh chè, khiến nạn nhân không thể đi đứng được.

 

"Tẫn hình" khiến cho phạm nhân vô cùng đau đớn. (Tranh minh họa).


Trong lịch sử Trung Quốc, nhà quân sự nổi tiếng Bàng Quyên và con cháu từng phải chịu loại nhục hình kinh khủng này.


Xỏ mũi và xâu tai


Đây cũng là một trong những hình phạt tàn khốc từng được áp dụng trong lịch sử Trung Hoa. Người thi hành hình phạt sẽ dùng những sợi xích bằng sắt, xuyên qua xoang mũi (hoặc tai) của phạm nhân, sau đó cột vào một vật cố định.

 

Nạn nhân của hình phạt "xỏ mũi", "xâu tai". (Tranh minh họa).


Một hình phạt khác cũng được tiến hành trên hai bộ phận này chính là xẻo mũi và cắt tai.

Đó là hai hình phạt nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, xẻo mũi và xẻo tai đã nhiều lần được chính quyền phong kiến nước này thi hành trên phạm vi hàng loạt trong một số cuộc chiến tranh xâm lược.


Tru di


Đây là hình phạt từng được đưa vào bộ luật chính thức dưới thời nhà Tần và nhà Hán.

Theo đó, các phạm nhân bị quy vào những trọng tội như mưu phản, nhóm tội "thập ác" (phá đền đài, lăng tẩm hoàng tộc, phản bội đất nước, bất đạo, bất kính)… thì dù vô tình hay cố ý đều bị xử án tru di.

 

Tru di tam tộc là một trong những án phạt tàn khốc từng được thi hành nhiều lần

trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. (Tranh minh họa).


Hai hình thức thi hành án tru di thường gặp là tru di tam tộc và tru di cửu tộc. Trong đó, "tam tộc" là ba họ gồm: họ cha, họ mẹ, họ vợ (hoặc họ chồng).

Tương tự như vậy, "cửu tộc" dùng để chỉ 9 hạng người có liên hệ thân thuộc với người phạm tội, gồm bản thân phạm nhân con cô, con chị em gái, cháu ngoại, ông ngoại, bà ngoại, dì, cha vợ, mẹ vợ.


Đây là hình phạt liên đối khét tiếng Trung Hoa, cốt để răn đe bách tính, còn thể hiện quan niệm "thân quyến nhất thể" của luật pháp thời xưa.


Bào cách


Vốn là một loại khổ hình dùng lửa để tra tấn, bào cách từng là chiêu thức được "yêu hậu" Đát Kỷ sử dụng để diệt trừ những kẻ chống đối mình.

Loại khổ hình tàn bạo này được tiến hành bằng cách trói các tội nhân vào cột sắt nung nóng cho tới khi họ bị..."nướng" đến lúc chết.

 

Bào cách là hình phạt được thi hành lần đầu tiên dưới thời Trụ vương. (Tranh minh họa).


Mổ bụng lấy thai


Cách xử phạt này được tiến hành dưới hình thức mổ xẻ, chuyên dùng để áp dụng với phụ nữ mang thai. Khi ấy, nạn nhân sẽ bị mổ xẻ để lấy bào thai từ trong bụng ra ngoài, vô cùng đau đớn và thống khổ.

 

"Khô thế" (mổ bụng lấy thai) là một hình phạt vô nhân tính được "sáng chế" ra nhờ trí
tò mò của "yêu hậu" Đát Kỷ. (Tranh minh họa).


Tương truyền rằng, có lần Tô Đát Kỷ cùng các cung nữ ra ngoài ngắm cảnh, thấy một người thai phụ đi qua.

Đát Kỷ thầm nghĩ: Thật là kỳ quái, tại sao đứa trẻ lại có thể lớn lên trong bụng như vậy? Nghĩ vậy bèn sai quân lính mổ bụng người mẹ ra xem. Sự hiếu kỳ của Tô Đát Kỷ một lúc đã cướp đi sinh mạng hai mẹ con!


Kẹp ngón tay (ngón chân)


Khi thi hành hình thức tra tấn này, các phạm nhân sẽ bị kẹp các đầu ngón tay (có lúc là cả ngón chân). Nếu không chịu khai nhân, các đầu ngón tay, ngón chân của họ sẽ bị kẹp đến nát.

 

Hình phạt đây xuất hiện tương đối nhiều trong các bộ phim lấy bối cảnh
 cổ trang tại Trung Hoa. (Tranh minh họa).


Đây là hình phạt bức cung thường được dùng tại các nhà lao Trung Hoa thời phong kiến. Thậm chí, nhiều người tuy không phạm tội, nhưng vì không thể chịu nổi sự tra tấn tàn bạo này nên đều khai nhận.

 

Xử giảo (treo cổ)


Trong lịch sử Trung Hoa, treo cổ không phải là hình thức tử hình cao nhất. Hình phạt này chủ yếu được áp dụng cho quan lại hoặc hoàng tộc phạm tội để họ được "toàn thây".

 

Hoàng tộc và quan lại thường là những đối tượng được Hoàng đế ban cho cái chết "nhẹ nhàng" này.

(Ảnh minh họa).


Cổ nhân cho rằng, đây là cách xử tử "ít đau đớn" và "nhân đạo" hơn cả. Nhưng trên thực tế, từ lúc treo cổ cho tới khi tắt thở hoàn toàn, các phạm nhân phải trải qua một quãng thời gian vô cùng khủng khiếp.

Theo Trí thức trẻ