1. Tòa nhà quốc hội, Romania

Là công trình dân dụng lớn nhất, đắt nhất và nặng nhất thế giới, tòa nhà quốc hội ở Bucharest lại là một kỳ quan hiếm ai biết tới. Được xây dựng vào năm 1984, tòa nhà theo phong cách tân cổ điển này có 12 tầng (thêm 8 tầng hầm bên dưới), với 3.100 phòng và tổng diện tích lên tới 330.000 m2.

Bên trong tòa nhà quốc hội của Romania.
Bên trong tòa nhà quốc hội của Romania.

Chi phí xây dựng công trình này là 3,3 tỷ euro. Các tấm thảm ở tầng chính trải dọc những hành lang rộng được dệt bên trong tòa nhà lúc thi công. Việc dệt bên ngoài rồi đưa vào là bất khả thi do diện tích quá lớn.

2. Thánh đường Hồi giáo Djenne, Mali

Được xây dựng vào năm 1907, thánh đường Hồi giáo Djenne là công trình xây từ bùn đất lớn nhất thế giới. Toàn bộ công trình xây từ gạch đất phơi khô và vữa trộn từ bùn hoặc thạch cao. Đây được coi là một trong những công trình vĩ đại nhất của kiến trúc Sudano-Sahel và được công nhận là di sản thế giới bởi UNESCO vào năm 1988.

7 kỳ quan kiến trúc bị thế giới lãng quên
Công trình đồ sộ này được làm hoàn toàn từ bùn đất.

Ba tòa tháp của thánh đường được trang trí bằng các thân cọ. Mùa hè khắc nghiệt ở Bắc Phi khiến các kẽ nứt trong bùn rộng ra và làm công trình suy yếu. Trước khi mùa mưa tới, người dân địa phương tập trung lại và trát một lớp đất sét mới lên.

3. Pháo đài Derawar, Pakistan

40 tháp canh đồ sộ của Derawar sừng sững giữa sa mạc Cholistan cùng với hệ thống tường bao tạo nên tuyến phòng thủ dài 1.500 m và cao tới 30 m.

Việc tới pháo đài đồ sộ này không thuận tiện với các du khách.
Việc tới pháo đài đồ sộ này không thuận tiện với các du khách.

Nhiều người không biết đến công trình này, thậm chí phần lớn người Pakistan không hay biết sự tồn tại của nó. Điều đó không có gì lạ: để tới được pháo đài, du khách phải thuê người dẫn đường có xe dẫn động 4 bánh từ thành phố Bahawalpur băng qua sa mạc  Cholistan để tới pháo đài. Tại đây, du khách phải được sự cho phép của tiểu vương mới được vào trong.

4. Chand Baori, Ấn Độ

Chand Baori ở Rajasthan là một giếng nước sâu khoảng 30 m với các cầu thang đôi dẫn xuống đáy nước xanh biếc. Với 3.500 bậc thang, Chand Baori là một trong những giếng nước dạng này sâu và rộng nhất thế giới.

Công trình tuyệt đẹp này vừa có tính hữu dụng, vừa đầy tính nghệ thuật.
Công trình tuyệt đẹp này vừa có tính hữu dụng, vừa đầy tính nghệ thuật.

Được xây dựng bởi vua Chanda triều Nikumbha vào khoảng 800 - 900 năm sau Công Nguyên, thiết kế của Chand Baori vừa thực tế, vừa đầy chất nghệ thuật. Do kiến trúc của giếng, phần đáy mát hơn trên bề mặt rất nhiều, một điều tuyệt vời giữa không khí nóng bức của Rajasthan.

5. Stari Most, Bosnia-Herzegovina

Cây cầu lịch sử này được xây từ 456 khối đá vào năm 1566 bởi kiến trúc sư MimarHajrudin. Stari Most nằm ở thành phố Mostar và bắc ngang sông Neretva.

Cầu Stari Most
Cầu Stari Most bắc qua sông Neretva.

Với chiều rộng 4 m, chiều dài 30 m và chiều cao 24 m, đây là một trong những điểm tham quan nổi tiếng nhất Bosnia-Herzegovina và cũng là một trong những ví dụ điển hình về kiến trúc Hồi giao ở vùng Balkan. Người dân nơi đây có truyền thống lao từ trên cầu xuống dòng nước lạnh giá của sông Neretva để thể hiện lòng can đảm và tài bơi lội của mình.

6. Trường Thành của Ấn Độ

Chắc hẳn ai cũng biết tới Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc, nhưng ít người biết Ấn Độ cũng có một công trình tương tự.

Trường Thành của Ấn Độ, hay còn được gọi là Kumbhalgarh, nằm tại Rajasthan và là tường thành dài thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau công trình nổi tiếng của Trung Quốc. Một số đoạn tường thành dày tới 4,5 m, kéo dài 36 km với 7 cổng lớn.

Trường Thành của Ấn Độ là tường thành dài thứ hai trên thế giới.
Trường Thành của Ấn Độ là tường thành dài thứ hai trên thế giới.

RanaKumbha , một tiểu vương của Rajasthan, đã cho xây dựng tường thành vào năm 1443 để bảo vệ pháo đài của mình. Theo truyền thuyết, ông không thể hoàn tất công trình dù đã dùng đủ mọi cách. Cuối cùng, tiểu vương đã nhờ tới cố vấn tâm linh và được khuyên phải hiến tế. Một người đã tình nguyện hi sinh và ngày nay, cổng vào chính nằm trên nơi người đó ra đi và một ngôi đền được dựng tại nơi chôn đầu của anh ta.

Tường thành được mở rộng vào thế kỷ 19 và giờ bên trong có tới 360 đền miếu lớn nhỏ, nhưng đây vẫn là một kho báu kiến trúc ít người biết tới trên thế giới.

7. Thánh đường Hồi giáo Sheikh Lotfollah, Iran

Đây là một kiệt tác của kiến trúc Safavid nằm giữa quảng trường Naghsh-iJahan, thành phố Isfahan. Công trình duyên dáng và trang nhã này được xây dựng vào khoảng năm 1603-1619 dưới thời Shah Abbas I.

Trần nhà lộng lẫy của thánh đường.
Trần nhà lộng lẫy của thánh đường.

Điều đặc biệt là thánh đường này không có tháp hay sân trong, có thể đó là do Sheikh Lotfollah không phải một công trình công cộng mà chỉ có vai trò là nơi cầu nguyện của các cung phi.

Mái vòm được lát đá đổi màu theo thời điểm trong ngày, từ màu kem tới màu hồng. Bên trong thánh đường, du khách không khỏi choáng ngợp trước sự phức tạp của các tranh khảm trên tường cũng như trần nhà tuyệt đẹp. Ánh mặt trời lọt qua những cửa sổ trên cao tạo nên sự giao hòa ấn tượng giữa ánh sáng và bóng tối.

Theo Tri Thức