Để hạn chế đi lại nhiều trong mùa dịch, mọi người đã thay đổi thói quen đi chợ hàng ngày bằng cách mua thêm thực phẩm tích trữ. Thế nhưng, việc mua và trữ thực phẩm sao cho an toàn không phải ai cũng làm đúng.
Với công dụng bảo quản và kéo dài độ tươi ngon của thực phẩm trong tủ lạnh, nhiều người nhồi nhét thực phẩm vào tủ lạnh để ăn dần. Việc bảo quản thức ăn không khoa học không chỉ ảnh hưởng đến độ tươi ngon của món ăn, mất chất dinh dưỡng mà còn làm các vi khuẩn phát triển ngược trở lại gây nên được biến chất một số chất có trong thực phẩm. Chưa kể một số thực phẩm nếu để trong tủ lạnh sẽ biến dạnh về dinh dưỡng, không tốt cho sức khỏe.
Dưới đây là những thực phẩm tuyệt đối không bảo quản tủ lạnh:
Củ tỏi
Tỏi là thực phẩm không chịu được nhiệt độ lạnh, môi trường tủ lạnh ẩm ướt, nhánh và đầu tỏi sẽ dễ mọc mầm non, có thể phát triển nấm mốc gây hại cho sức khỏe khi ăn. Bảo quản tốt tỏi trong vòng 2 tháng bằng cách để ở nơi khô ráo, thoáng mát.
Các loại dưa
Các loại dưa như: Dưa leo, Dưa hấu…. Trong các loại dưa đều có chứa nhiều chất chống oxy hóa tự nhiên rất tốt cho sức khỏe, có thể ngăn ngừa ung thư hoặc nhiều vấn đề khác. Nhưng nếu bảo quản các loại dưa này trong tủ lạnh sẽ mất đi các chất chống oxy hóa, sẽ bị mất chất, thay đổi thuộc tính hoặc tệ hơn là chuyển sang độc tố khi bảo quản bằng tủ lạnh.
Cà chua
Khi lưu trữ cà chua trong tủ lạnh, độ lạnh sẽ phá hỏng kết cấu trong quả cà chua và làm cho cà chua bị bở. Nếu bạn đã từng ăn một món salad trong đó vị cà chua mềm xốp và có vài tinh thể băng đá bên trong thì rất có thể cà chua đó đã được giữ lạnh. Việc giữ cà chua trong tủ lạnh cũng làm mất hương vị và độ thơm ngon của nó.
Khoai tây
Khi được bảo quản trong môi trường tối, thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời, khoai tây có hạn sử dụng lên đến vài tháng. Loại thực phẩm này sẽ chuyển sang màu xanh khi gặp ánh nắng và từ đó sinh ra một chất gọi là solanine có thể gây ngộ độc. Ngoài ra, chúng ta không nên bảo quản khoai tây trong tủ lạnh hay ngăn đá vì chúng có khả năng tạo ra chất gây ung thư.
Mật ong
Nhiều gia đình lo lắng mật ong dễ hỏng nên đã bỏ chúng vào tủ lạnh nhưng rõ ràng đây là một hành động vô cùng sai lầm. Thông thường, mật ong có thể lỏng, sệt khi ở nhiệt độ thường 25-32 độ C. Khi nhiệt độ thấp hơn xuống dưới 18 độ C sẽ diễn ra quá trình kết tinh ở mật ong thành những hạt nhỏ li ti rất mịn và đều nhau, hay còn gọi là lắng đường.
Mật ong nguyên chất có thể bảo quản chừng 1-2 năm khi ở nhiệt độ thường. Chính vì vậy, bạn không cần thiết phải cất chúng vào trong tủ lạnh vì như vậy chỉ khiến mật ong bị mất dưỡng chất quý giá mà thôi.
Bánh mì và đồ nướng
Mặc dù nhiệt độ tủ lạnh có thể giữ bánh mì hoặc thực phẩm được nướng chín lâu hơn, nhưng tủ lạnh có nhược điểm là sẽ làm những thực phẩm này nhanh chóng khô và cứng. Sở dĩ là vì nhiệt độ trong tủ lạnh quá thấp, cấu trúc tinh bột trong những thực phẩm này sẽ thay đổi ở nhiệt độ thấp và mất đi độ mềm xốp vốn có.
Dùng bình nhựa để nước lọc trong tủ lạnh
Đây là một thói quen rất có hại vì khi ở nhiệt độ thấp, nhựa sẽ tiết ra độc tố dioxin. Chất này là một chất cực độc và là nguyên nhân chính gây ung thư, đặc biệt là ung thư vú. Không chỉ vậy, thành phần nhựa còn chứa các chất như bisphenol A(BPA), Phthalates... Các chất này rất gây hại cho con người, đặc biệt là phụ nữ mang thai và trẻ em.
Lưu ý: Để đảm bảo an toàn, mỗi gia đình nên trữ thực phẩm ở trong tủ lạnh không quá 5 ngày, kể cả các thực phẩm đông đá như là các loại thịt, hải sản…, các loại rau xanh và hoa quả.
Khi tủ lạnh của bạn chứa đầy thức ăn, hãy điều chỉnh nhiệt độ thấp xuống, không mở tủ lạnh quá lâu, đồng thời thường xuyên vệ sinh tủ. Tốt nhất nên lau tủ 1 lần/tuần với nước nóng và thuốc khử trùng, riêng ngăn đựng thịt sống thì nên vệ sinh cách nhau vài ngày.
Theo Gia đình & Xã hội