Ông Tân và bà Hà quen biết nhau từ thời đi bộ đội. Tính từ lúc yêu đến nay cũng đã ngót 40 năm. Nhà cửa, của cải, con cháu đuề huề trọn vẹn cả ấy vậy mà đã bao lần bà Hà làm ông phải điêu đứng vì cái bệnh kinh niên: bệnh ghen.
Thời yêu nhau, ông Tân vốn nổi tiếng đẹp trai, tài giỏi nên có bà Hà rồi mà ông vẫn không ngớt người theo. Khi ấy cô con gái Hà thành mỏng manh, yếu đuối lại không biết ghen tuông là gì, ai trêu chọc cũng chỉ biết buồn rầu mà khóc thầm. Thế mà đến lúc cưới nhau cô Hà năm nào lại thay đổi hoàn toàn.
Lần đầu là chuyện “cảm nắng” chóng vánh của ông Tân với cô gái trẻ đẹp làm cùng cơ quan. Cao tay đến bất ngờ, bà Hà không đánh ghen, không gay gắt đay nghiến chồng, ngược lại bà khéo léo, dùng cách “lạt mềm buộc chặt”. Thấy vợ yêu chiều lại tâm lý chu đáo nên ông cũng chạnh lòng. Sau khi đọc bức tâm thư vợ đặt dưới gối, ông quyết định dứt khoát với cô gái kia và hứa yêu thương vợ con hết lòng. Thậm chí ông còn yêu vợ nhiều hơn và tự hào khi có người vợ tâm lý hiểu chuyện.
Ảnh minh họa
Lần thứ hai bà Hà “bắt được quả tang” ông Tân làm chuyện mờ ám với cô Mai hàng xóm ngay trong bếp nhà cô ta. Bà cho rằng ông ngựa quen đường cũ nên vô cùng phẫn uất, không kiềm chế được, bà lao vào tát tới tấp. Sau trận xô xát ầm ĩ ông Tân không dám ra ngoài đường vì sợ mọi người quanh khu bàn tán, dị nghị. Thực ra sự thật là ông chỉ giúp cô Mai sửa ống nước và đúng lúc bà Hà sang thì cô ấy... xắn tay áo cho ông. Tình ngay lý gian, chưa hỏi han bà đã “đánh nhầm còn hơn bỏ sót”. Về sau hiểu ra, bà xin lỗi chồng và hứa sẽ không làm ông bẽ mặt lần nữa.
Từ ngày về hưu, ông Tân được bầu làm tổ trưởng tổ dân phố. Ngoài việc trên phường trong phố thì thời gian rảnh ông trông nom hai đứa cháu nội. Thường thì người ta bảo ở cái tuổi quá lục thập thế này, vợ chồng sống với nhau vì cái nghĩa chứ còn hơi đâu mà yêu đương gì nữa. Thế mà không hiểu bà Hà nghe ai xui, kêu tuổi ông mới là tuổi hồi xuân, rồi trông ông còn phong độ hơn tuổi thật, rồi bà tìm cách mà giữ chồng…
Lần thứ ba bà Hà ghen với cô Huệ góa chồng ở cuối phố. Vì ông Tân thương hoàn cảnh một mẹ hai con của cô Huệ nên tìm mọi cách xin cho cô ấy giấy xác nhận hộ nghèo để hai đứa trẻ đi học được giảm học phí. Bà nghi ngờ ông có tình ý với người ta nên mỗi lần gặp cô Huệ ngoài chợ hay ngoài phố bà Hà lại mỉa mai, xỉa xói rồi về nhà chửi bới ông Tân. Vì ông muốn dĩ hòa vi quý và sợ hàng xóm cười chê nên ông cố nhịn mà càng nhịn bà lại càng được đà, con cái khuyên thế nào cũng không nghe.
Ông Tân bước từng bước chậm chạp rời khỏi tòa án. Ông cúi mặt đi lầm lũi để che dấu nỗi xấu hổ đang nghẹn đắng trong lòng. Lần thứ tư, thứ năm rồi lần thứ bao nhiêu ông cũng không nhớ nữa, bệnh ghen của bà vợ ông càng ngày càng nặng và không có thuốc chữa. Ông chỉ nhớ lần cuối trước khi bà nộp đơn ly hôn ra tòa là bà ghen với cả... cháu dâu họ xa nhà ông. Không may “vỏ quýt dày lại có móng tay nhọn” nên bà bị cô cháu đanh đá ấy cho một trận tơi tả. Vẫn không hiểu ra, nghĩ mình oan ức nên bà làm đơn ly dị ông.
Vậy đấy, tưởng chừng yêu nhau thắm thiết, sống đến gần hết đời vì nhau, cuối cùng tình yêu năm nào chỉ vì phút cả giận mất khôn mà tự tay ném đi bao thứ tốt đẹp. Cũng tại một lần ông đánh mất lòng tin ở bà, thật khó khăn để lấy lại. Lóc cóc chiếc xe đạp giữa cái rét ngọt cuối đông, ông Tân lại trên con đường đi về tổ ấm quen thuộc, ông sẽ kiên trì “chữa bệnh” cho vợ khỏi tâm bệnh.
Theo Trí thức trẻ