Tên phim là một trong nhiều yếu tố để tạo nên một bộ phim được dư luận chú ý, thành công về doanh thu. Nó thường mô tả một phần hoặc toàn bộ biến cố mà nhân vật trong phim gặp phải; từ đó gây tò mò cho khán giả, giúp bộ phim trở nên hấp dẫn hơn.
Dưới đây là những bộ phim Hoa ngữ có tên mới nghe đã khiến người xem cảm thấy đau lòng.
Lương Sinh, liệu đôi ta có thể ngừng đau thương
Lương Sinh, liệu đôi ta có thể ngừng đau thương là bộ phim chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của tác giả Nhạc Tiểu Mễ. Nội dung phim xoay quanh mối tình đầy ngang trái của ba người Trình Thiên Hựu (Chung Hán Lương), Khương Sinh (Tôn Di) và Lương Sinh (Mã Thiên Vũ).
Tên phim giống như một lời cầu khẩn của người trong cuộc sau khi trải qua quá nhiều đau khổ, tổn thương cực độ đến nỗi không thể chịu đựng hơn nữa.
Lương Sinh yêu Khương Sinh, cả thế giới đều biết. Nhưng đến cuối cùng, chuyện tình của họ mãi mãi cũng chỉ dừng ở hai chữ "anh em" bởi Khương Sinh đã rơi vào tình yêu của Trình Thiên Hựu.
Nhân sinh nếu như lần đầu gặp gỡ
"Nhân sinh nếu như lần đầu gặp gỡ" là câu thơ đầu tiên trong Mộc Lan Từ của Nạp Lan Tính Đức - một nhân vật lịch sử dưới thời Khang Hy. Câu thơ ấy mang hàm nghĩa: nếu như thời gian có thể dừng lại ở giây phút đầu tiên ta gặp nhau. Việc đặt tên như vậy khiến bộ phim nghe có mùi ngôn tình ướt át đẫm lệ hơn.
Phim được cải biên từ tác phẩm ngôn tình Sương mù vây thành của Phỉ Ngã Tư Tồn. Nội dung phim xoay quanh cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa các thế lực chính trị trong thời dân quốc và tình yêu ngược tâm giữa Dịch Liên Khải (Hàn Đông Quân) và Tần Tang (Tôn Di).
Không kịp nói yêu em
Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết ngôn tình cùng tên của tác giả Phỉ Ngã Tư Tồn. Bối cảnh của Không kịp nói yêu em là xã hội loạn lạc của Trung Quốc vào thời Dân quốc. Nam chính Bái Lâm (Chung Hán Lương) như ông vua cai quản lục tỉnh Giang Bắc nổi tiếng. Nữ chính Doãn Tĩnh Uyển (Lý Tiểu Nhiễm) như đóa hoa lan thanh khiết, trong sáng giữa xã hội đầy loạn lạc.
Được coi như "mẹ kế" của dòng phim ngôn tình, Phỉ Ngã Tư Tồn luôn đặt ra những số phận cay đắng đến gần như khắc nghiệt cho nam nữ chính, khiến họ dù yêu nhau đến mấy cũng buộc phải xa nhau. Và Không kịp nói yêu em chính là một trong những tác phẩm đi theo tôn chỉ "không có bi thảm nhất chỉ có bi thảm hơn", khiến khán giả đau đớn khắc khoải về mối tình bi thương của Bái Lâm và Tịnh Uyển.
Đáng tiếc không phải anh
Được chuyển thể từ tiểu thuyết ngôn tình cùng tên của tác giả Diệp Tử, phim kể về mối tình thời thanh xuân khi còn học đại học của Diệp Tử (Tống Nghiên Phi) và bạn trai Hướng Trạch Nghệ (Phạm Thế Kỹ).
Tình yêu ngọt ngào không gì sánh bằng tưởng chừng sẽ tồn tại vĩnh viễn nhưng bỗng một ngày Hướng Trạch Nghệ ra đi mà không một lời từ biệt khiến Diệp Tử chịu đả kích, vô cùng đau khổ.
"Đáng tiếc không phải anh, người bên cạnh em cho đến cuối cùng. Đã từng bước đi cùng nhau lại lạc nhau giữa những ngã đường" - những ca từ trong bài hát chủ đề của bộ phim như xoáy vào lòng khán giả nỗi buồn day dứt. Đó là nỗi buồn về mối tình đầu ngọt ngào những cũng nhiều cay đắng, xót xa của hai nhân vật chính.
Bi thương ngược dòng thành sông
Phim là một câu chuyện buồn đầy nước mắt của nữ chính Dịch Dao, dòng nước mắt đau khổ ấy nhiều đến mức có thể chảy thành một dòng sông.
Suốt thời lượng gần 2 giờ đồng hồ của bộ phim, hầu hết người xem sẽ chẳng thể ngừng khóc trước một Dịch Dao với cuộc đời bị vẩy đục bởi miệng lưỡi thế gian, bởi sự lạnh lùng đến tuyệt tình của con người.
Trong Bi thương ngược dòng thành sông, bạo lực học đường xuất phát từ sự đố kỵ, từ cách giáo dục sáo rỗng dẫn đến việc hình thành những "sát nhân" yêu thích chỉ trích, phê phán và bình phẩm.
Dịch Dao là nhân vật đại diện cho những học sinh mang nhiều vết thương ở cuộc sống thật, những đứa trẻ không có tiếng nói đủ lớn để bảo vệ mình, cũng không có quyền được nói khi phải sống trong đau khổ và sợ hãi hàng ngày.
Bỉ ngạn hoa
Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết Hoa bên bờ của tác giả An Ni Bảo Bối. Trong phim, Tống Uy Long đảm nhận vai nam chính Lâm Hòa Bình, còn Lâm Duẫn cùng lúc đóng hai vai Nam Sinh và Kiều Mạn.
Lâm Hòa Bình luôn nhớ mãi không quên những năm tháng anh và Nam Sinh cùng bên nhau, cùng trưởng thành. Tuy nhiên, nhiều biến cố đã xảy đến khiến họ phải chia lìa.
Truyền thuyết nói rằng hoa bỉ ngạn là loài hoa duy nhất mọc dưới đường xuống hoàng tuyền. Khi linh hồn trước khi đi qua cầu Nại Hà bắc ngang bờ Vong Xuyên, sẽ gửi toàn bộ ký ức của mình cho hoa bỉ ngạn. Dù là yêu thương thắm thiết hay đau khổ đến tột cùng, hoa bỉ ngạn đều thu nhận những hồi ức đó.
Hoa bỉ ngạn mang ý nghĩa phân li, đau khổ hay hồi ức đau thương. Ẩn sau cái tên Bỉ ngạn hoa là một bộ phim buồn lấy bối cảnh giữa chốn đô thị phồn hoa dối trá khó lường.
Hương mật tựa khói sương
Hương mật tựa khói sương là bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết huyền huyễn cùng tên của nhà văn Điện Tuyến.
Nguyên tác gốc vốn là tiểu thuyết từng gây tiếng vang, được nhiều độc giả săn đón cũng như yêu thích. Chính vì thế, khi nhà sản xuất công bố chuyển thể tiểu thuyết này thành phim truyền hình, Hương mật tựa khói sương nhận được sự quan tâm của rất nhiều khán giả.
Nội dung phim kể về mối tình đẫm nước mắt giữa Nhị điện hạ Cửu trùng thiên Húc Phượng (Đặng Luân) và con gái Hoa Thần - Cẩm Mịch (Dương Tử). Câu chuyện tình về thế giới tiên trong phim lay động lòng người bởi mối tình đầy đau khổ, bi thương, ngược tâm của hai nhân vật chính.
Nửa là đường mật nửa là đau thương
Nửa là đường mật nửa là đau thương là bộ phim ngôn tình hiện đại chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Kỳ Tử.
Phim là câu chuyện về cặp thanh mai trúc mã Giang Quân (Bạch Lộc) và Viên Soái (La Vân Hi). Giang Quân là cô gái được ví như nữ vương chốn công sở với tính cách cứng cỏi. Viên Soái là bá vương trong công việc, ngoại hình nam tính ngang ngạnh, tâm lý thâm hiểm.
Chẳng ngờ một buổi phỏng vấn đưa hai người gặp lại thanh mai trúc mã thuở xưa. Công việc cùng tình yêu dồn người đến thế tiến thoái lưỡng nan, tâm tình rối rắm. Giữa bọn họ là oán hận, lại là yêu thương.
Nửa là đường mật nửa là đau thương chính thức phát sóng vào ngày 27 tháng 9 trên kênh IQIYI.
Theo Baodatviet