Theo thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, cập nhật gần nhất ngày 4/12, Hà Nội hiện có 4.651 trường hợp nhiễm nCoV đang phải điều trị tại bệnh viện.
Đáng chú ý, trong số này có tới 3.902 người chỉ diễn biến nhẹ, thậm chí không xuất hiện triệu chứng. Con số này chiếm khoảng 83,8% tổng số bệnh nhân Covid-19 tại Hà Nội.
Các trường hợp diễn biến từ trung bình đến nặng, nguy kịch chỉ chiếm gần 20%. Cụ thể, thành phố đang điều trị cho 699 bệnh nhân Covid-19 ở mức độ trung bình, 50 trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch, 46 ca phải thở oxy qua mặt nạ, gọng kính, 2 người phải thở máy không xâm lấn, một ca thở máy xâm lấn và một người cần lọc máu.
Bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội). Ảnh: Việt Linh.
Như vậy, tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng tại Hà Nội là tương đương với cả nước. Kết quả này phần nào đã thể hiện được hiệu quả của vaccine với cộng đồng. Tuy nhiên, số ca mắc mới tại thủ đô trong thời gian qua liên tục tăng cao. Điều này dẫn tới số ca diễn biến nặng cũng sẽ tăng lên.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội trong thời gian gần đây, số lượng F0 ở Hà Nội liên tiếp tăng nhanh. Trái ngược với hồi đầu tháng 11, từ sau ngày 15/11, số ca nhiễm ở thủ đô liên tục ở ngưỡng trên 100 ca. Số ca nhiễm trong ngày cao nhất tại Hà Nội lên tới 628 trường hợp (4/12).
Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội đã có tổng cộng 13.172 ca mắc Covid-19. Trong đó, số ca mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 5.212 ca.
Số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội tăng cao trong thời gian qua. Ảnh: Sở Y tế Hà Nội.
Mới đây, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội nhận định việc thủ đô liên tiếp vượt kỷ lục số ca nhiễm nCoV trong thời gian gần qua là điều đã nằm trong dự báo, người dân không nên quá lo lắng.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội nhận định chúng ta không được phép chủ quan và vẫn cần lưu ý một số vấn đề trong thời gian tới.
“Một là thành phố cần củng cố hệ thống điều trị tại nhà. Hệ thống này phải rất hoàn chỉnh mới có thể giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất. Trong đó, y tế cơ sở cần xem xét kỹ lưỡng điều kiện cách ly tại nhà”, ông Hùng cho biết.
Vấn đề thứ 2 là đảm bảo người dân nắm được quy định của ngành y tế, đủ điều kiện, phương tiện theo dõi sức khỏe hay không, có gia đình, người thân hỗ trợ chưa.
Ba là trong trường hợp bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng, thành phố cần có phương án tư vấn nhanh chóng, đẩy mạnh công tác hỗ trợ từ xa.
Ông Hùng nói: “Không phải cách ly, điều trị tại nhà là chúng ta để bệnh nhân Covid-19 tự lo. Ngành y tế phải hỗ trợ với hệ thống thông tin thuận lợi cho người dân tiếp cận. Vai trò của y tế địa phương, tổ Covid-19 cộng đồng, trung tâm kiểm soát bệnh tật, bệnh viện chuyên điều trị Covid-19, trung tâm tư vấn điều trị từ xa... cần được nâng cao hơn nữa”.
Theo vị chuyên gia này, một số F0 có triệu chứng nhẹ ban đầu hoàn toàn có thể diễn biến nặng hơn với tốc độ rất nhanh. Những trường hợp này nếu không được tiếp cận y tế sớm hoàn toàn có nguy cơ tử vong.
Cuối cùng, hệ thống chính quyền, y tế cơ sở cần tăng cường kiểm tra, giám sát, yêu cầu người dân tuân thủ quy định cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà.
Theo Zing