88% phim, chương trình truyền hình Hàn Quốc có cảnh uống rượu
Ngày nay, người xem có thể dễ dàng thấy cảnh các nhân vật mời rượu nhau trên các bộ phim truyền hình Hàn Quốc và những người nổi tiếng chia sẻ về cuộc sống cá nhân quanh bàn nhậu trong các chương trình trò chuyện trên YouTube.
Trong bộ phim truyền hình nổi tiếng Queen of Tears, nhân vật Baek Hyun Woo (Kim Soo Hyun) là một luật sư xuất thân từ vùng quê, kết hôn với một nữ thừa kế tập đoàn giàu có, Hong Hae In (Kim Ji Won).
Baek Hyun Woo thường hẹn đồng nghiệp cũ kiêm bạn thân đến cửa hàng tiện lợi. Tại đây, họ cùng nhau uống bia và thảo luận về những khó khăn trong cuộc hôn nhân của anh.
Nam chính "Queen of Tears" dùng đồ uống có cồn để trút bầu tâm sự với bạn thân về cuộc sống làm rể hào môn. Ảnh: Netflix.
Đây là cảnh phim không hề hiếm trong phim Hàn Quốc, thậm chí lặp đi lặp lại nhiều lần trong một tập. Thức uống có cồn thường được dùng như một biện pháp tự sự: Các nhân vật kể về những rắc rối sâu kín nhất trong khi ngà ngà men say.
Tuy nhiên, khi nội dung liên quan đến đồ uống có cồn ngày càng phổ biến và có sự góp mặt của nhiều ngôi sao hàng đầu đất nước, các chuyên gia cũng như khán giả đều quan ngại xu hướng này có thể đẩy nền văn hóa vốn đã thân thiện với rượu, bia đi quá xa - đặc biệt là đối với những người trẻ dễ bị ảnh hưởng.
Theo báo cáo mới nhất của Viện Thúc đẩy Sức khỏe Hàn Quốc (KHPI), trong đó đánh giá 556 chương trình có nhiều người xem nhất trong 5 năm qua, có 488 chương trình chứa cảnh quay có rượu hoặc bia, tương đương 88%.
Báo cáo chỉ ra 86 cảnh uống rượu có vấn đề. Quy định phát sóng của Hàn Quốc định nghĩa một cảnh có vấn đề khi nó thể hiện hình ảnh tích cực về rượu, hành vi tiêu cực hoặc hành vi có hại khi uống rượu, khuyến khích trẻ vị thành niên uống rượu hoặc vì mục đích thương mại.
Ngoài ra, các chương trình phát trực tuyến có trung bình 3, 4 cảnh uống rượu trong mỗi tập vào năm 2023, 82/100 tập phim có cảnh uống rượu, bia.
Chương trình uống rượu thành xu hướng
Người công bố báo cáo, Đại biểu Quốc hội Nam In Soon thuộc Đảng Dân chủ Hàn Quốc, lưu ý mặc dù cơ quan chức năng đã nỗ lực đưa ra các biện pháp, nhưng vẫn còn những vùng xám khiến chúng không hiệu quả.
“Bộ Y tế & Phúc lợi và KHPI sửa đổi hướng dẫn về cảnh uống rượu trên phương tiện truyền thông vào năm 2023, thêm các mục như giới hạn độ tuổi và thông điệp cảnh báo. Nhưng vẫn còn những điểm mù pháp lý vì những hướng dẫn này không bắt buộc đối với các nền tảng phát trực tuyến và YouTube”, bà Nam nói.
Năm 2022, nữ rapper Lee Young Ji, được biết đến là "biểu tượng của Gen Z" xứ kim chi, tạo nên tiếng vang lớn khi ra mắt chương trình Nothing Prepared trên YouTube. Trong đó, Lee Young Ji mời những người nổi tiếng khác đến uống rượu và nói chuyện. Kể từ đó, nhiều chương trình tạp kỹ khác trên YouTube có nội dung về rượu, bia bắt đầu sinh sôi.
Lee Young Ji và Jin (BTS) vừa uống rượu vừa chia sẻ về cuộc sống trong Nothing Prepared.
Xu hướng này thậm chí còn dẫn đến sự ra đời của từ "sool bang", có nghĩa là "chương trình uống rượu" trong tiếng Hàn. Bên cạnh Nothing Prepared, khán giả dễ dàng tiếp cận nhiều chương trình do người nổi tiếng tạo ra và chiếu trên YouTube như Zzan Bro của Shin Dong Yup, We Would Meet của Sung Si Kyung, Thursday Night của Jo Hyun Ah, Drinking Interview của Kian 84 và Guesthouse của Soyou.
Kiểu chương trình này còn trở thành một trong những kênh chính để các diễn viên và ca sĩ quảng bá tác phẩm mới, mang đến cho chương trình cơ hội có sự góp mặt của những ngôi sao khách mời hạng A. Không có lý do gì để từ chối cơ hội tiếp cận 3,93 triệu người đăng ký trên tài khoản của Lee Young Ji.
Mối nguy hiểm cho thế hệ trẻ
Nhà phê bình văn hóa đại chúng Ha Jae Geun cho biết chính mong muốn được biết thêm về đời tư người nổi tiếng của khán giả dẫn đến sự phổ biến của những chương trình như vậy.
"Vì các chương trình uống rượu trước đây bị coi là điều cấm kỵ, việc phá vỡ cấm kỵ mang lại cảm giác mới mẻ và kích thích. Mọi người cảm thấy những chương trình uống rượu cho phép trò chuyện trung thực và tự do hơn so với tuân theo một kịch bản nghiêm ngặt", ông Ha giải thích.
Chuyên gia cảnh báo những chương trình như vậy có thể thúc đẩy nhận thức tích cực hơn về rượu, bia, thậm chí khuyến khích trẻ vị thành niên uống rượu ở quốc gia vốn có văn hóa uống rượu lâu đời.
Shinee Key (trái) và Minho của nhóm Shinee uống soju trong chương trình truyền hình thực tế I Live Alone của MBC. Ảnh: YouTube.
Không chỉ các chuyên gia, nhiều khán giả cũng cảm thấy nguy cơ từ những chương trình đưa rượu, bia vào, đặc biệt là khi chúng thường có sự tham gia của các diễn viên và ngôi sao Kpop sở hữu lượng người hâm mộ trẻ tuổi đông đảo.
"Nội dung về rượu bia rất nguy hiểm. Trong khi TV chỉ chiếu quảng cáo rượu, bia vào đêm khuya, cảnh uống rượu bia có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Điều tệ hơn là những người nổi tiếng mà trẻ em yêu thích lại xuất hiện khi đang uống rượu, bia. Làm sao mà không ảnh hưởng được?
Khi người dẫn chương trình và khách mời trong những chương trình nói về loại rượu họ thích và họ uống bao nhiêu, rồi sau đó say khướt đến đỏ mặt, nói lắp bắp, đó có thực sự là điều chúng ta muốn thấy không?", một cư dân mạng viết.
"Tôi thực sự ghét khi thần tượng yêu thích xuất hiện trên các chương trình uống rượu. Thế nhưng vì những chương trình này đang là xu hướng, chúng tôi không thể bày tỏ sự không thích của mình. Ít nhất họ không nên để trẻ vị thành niên xem. Việc làm quen với việc uống rượu từ khi còn nhỏ là không tốt", fan Kpop nêu quan điểm.
Khi mối lo ngại gia tăng, lời kêu gọi về các biện pháp bổ sung chống lại việc giới thiệu văn hóa uống rượu trên phương tiện truyền thông cũng tăng theo. Tuy nhiên, ông Ha nhận xét không dễ để thực hiện các biện pháp ngay lập tức.
"Đây là vấn đề khá thách thức. Vì quyền tự do ngôn luận, rất khó để thực hiện các quy định trực tiếp. Đầu tiên, chúng ta có lẽ nên tổ chức xếp hạng độ tuổi tốt hơn. Sau đó, ngành công nghiệp cần phát triển khả năng tự điều chỉnh để tránh quảng cáo rượu quá mức. Nếu vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn, chúng ta có thể cần cân nhắc các quy định trực tiếp, nhưng cần thảo luận thêm nữa", nam chuyên gia nhấn mạnh.
Theo Tiền Phong