Đa số mọi người đều đi làm và không thường xuyên có mặt ở nhà. Bạn đã bao giờ tự hỏi, các thiết bị điện đều tắt hết mà tiền điện vẫn nhiều hay chưa?

Thực tế, đối với các thiết bị điện được sử dụng thường xuyên, chúng ta chỉ tắt công tắc. Tuy nhiên, đó chỉ là đưa các thiết bị vào chế độ chờ. Vì vậy, nếu không rút phích cắm thiết bị vẫn sẽ chạy. Và từ đó, chúng sẽ ngầm rút đi rất nhiều điện, lâu dần sẽ khiến hóa đơn tiền điện tăng cao.

Theo đó, EVN đã chỉ ra 9 món đồ "ngốn điện" nhất trong căn nhà của bạn:

9 thiết bị siêu tốn điện khiến hoá đơn tiền điện bốc hỏa-1
9 món đồ "ngốn" điện nhất trong nhà của bạn. Ảnh: EVN

Hạng 9: Thiết bị mạng

Ít ai nghĩ rằng một bộ thiết bị mạng sẽ tiêu thụ khá nhiều điện năng của gia đình bạn. Mặc dù mức tiêu thụ điện không cao, nhưng lại là tiết bị không ngừng hoạt động. Với thiết bị mạng, nếu người dùng dùng 24/24 thì sẽ tốn 8-12 kWh.

Hạng 8: Lò vi sóng

Công suất chờ của lò vi sóng thấp hơn rất nhiều so với bếp từ, chỉ 0,32 watt. Khi lò vi sóng được làm nóng, nó sẽ chỉ làm nóng thức ăn có chứa nước. Vì vậy, nếu thực phẩm khô hơn thì thời gian đun sẽ lâu hơn và tốn nhiều điện hơn.

Tốt nhất là bạn hãy tưới một ít nước lên thức ăn khô rồi đậy nắp lại. Việc này sẽ giúp bạn rút ngắn thời gian và tiết kiệm điện siêu hiệu quả.

Hạng 7: Bàn là điện

Bàn là tiêu tốn lượng điện khá lớn so với các loại thiết bị điện khác do công suất lớn. Các loại bàn là gia dụng có công suất từ 900 - 2500W, tuổi thọ trung bình từ 10 - 12 năm.

Tuy nhiên, với bàn là điện công suất lên đến 1.100W. Vậy nên, nếu bạn dùng bàn là điện 30 phút mỗi ngày thì 1 tháng bạn sẽ tốn 14-24 kWh/tháng.

Hạng 6: Nồi cơm điện

Nồi cơm điện là thứ mà chúng ta không thể thiếu. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, nó lại có thể tiêu tốn nhiều điện năng của gia đình bạn. Một chiếc nồi cơm điện có dung tích 1,2 lít thường có công suất lên tới 350-400W.

Một chiếc nồi cơm điện như vậy nếu hoạt động trong khoảng 2 giờ thì có thể tiêu thụ 0,75kWh. Nồi càng lớn thì mức tiêu thụ điện năng càng cao.

Ngoài ra, nồi cơm điện sử dụng lâu sẽ bị bẩn. Những vết bẩn tưởng vô hại lại có thể làm nồi hoạt động kém hơn. Từ đó làm cho thời gian nấu cơm lâu hơn, khiến điện sử dụng nhiều hơn.

Bạn nên vệ sinh nồi cơm điện định kỳ để loại bỏ các vết bẩn này, giúp cho nồi sử dụng được thời gian dài hơn và cũng tiết kiệm điện hơn.

Ngoài ra, bạn nên căn thời gian nấu cơm cho vừa với bữa ăn. Khi cơm chín thì có thể rút ra dùng luôn. Tránh cắm nồi cơm quá lâu vì nó có thể khiến cơm chín quá kỹ, vừa không ngon vừa tốn điện.

Hạng 5: Ti vi

Khi không sử dụng Tivi, chúng ta thường chỉ tắt nó đi bằng điều khiển từ xa. Việc này sẽ đưa Tivi vào chế độ chờ và vẫn tiêu thụ từ 0,3-0,5W.

Con số này tuy rất nhỏ nhưng rõ ràng là bạn đang làm lãng phí điện năng không cần thiết. Theo thống kê mức tiêu thụ điện năng của một chiếc TV có thể tăng lên khoảng 20-25 USD (hơn 460.000 - 576.000 VNĐ) trong khoảng một năm.

Vì vậy, khi không sử dụng Tivi trong thời gian dài như lúc đi ngủ, đi làm, bạn nên rút phích cắm hoặc tắt công tắc ở ổ điện của thiết bị để tránh lãng phí điện cũng như tránh được các sự cố không mong muốn về điện xảy ra khi bạn vắng nhà.

Hạng 4: Máy tính để bàn

Những chiếc máy tính vẫn có thể hoạt động ngầm khi bạn tắt bằng lệnh Shutdown/Turn off. Việc tắt này chỉ đưa máy vào chế độ chờ giúp việc khởi động diễn ra nhanh hơn. Trung bình, một thiết bị này có thể sử dụng khoảng 96W mỗi ngày.

Con số này có thể tăng cao gấp nhiều lần nếu bạn có thói quen để máy ở chế độ Sleep.

Tốt nhất là sau khi tắt máy bằng lệnh Shut down, bạn hãy ngắt nguồn điện của thiết bị.

Hạng 3: Tủ lạnh

Đây là thiết bị dường như được bật xuyên suốt mỗi ngày trong gia đình. Tuy lượng điện năng mà thiết bị này ít nhưng lại thành tiêu tốn điện năng rất nhiều. Các loại tủ lạnh nhỏ có dung tích 150 lít với công suất từ 100-150W, bình quân mỗi ngày lượng điện tiêu hao sẽ dao động từ 1.5 kWh đến 2.25 kWh.

Trong một tháng một chiếc tủ lạnh nhỏ sẽ tiêu thụ ít nhất 45 ký điện. Đối với những chiếc tủ lạnh kích cỡ lớn sở hữu công suất tiêu thụ 170-210 W, sẽ tiêu thụ khoảng 3 ký điện mỗi ngày, tương đương 90 ký điện mỗi tháng.

Hạng 2: Bình nóng lạnh

Bình tắm nóng lạnh là một trong những thiết bị điện được chúng ta sử dụng hàng ngày, công suất của nó có thể lên đến 3000W. Do tần suất sử dụng cao nên nếu bật bình nóng lạnh cả ngày thì lượng điện năng tiêu thụ có thể gấp khoảng 20 lần.

Nhớ tắt công tắc khi không sử dụng, và bật lên trước khi tắm 1 tiếng, khi nhiệt độ trên đèn báo đạt nhiệt độ phù hợp thì tắt đi, có thể tiết kiệm rất nhiều điện.

Hạng 1: Bếp điện

Thiết bị phải kể đến đầu tiên là bếp điện. Với thời gian sử dụng khoảng 3 tiếng/ngày, trong 1 tháng, người dùng tiêu tốn 85-95 kWh với bếp đơn và 170-190 kWh với bếp đôi.

Tạm tính theo giá điện bán lẻ bình quân là 1.920 đồng/kWh, chi phí điện cho bếp đơn lên tới hơn 182.000 đồng/tháng và bếp đôi là 365.000 đồng/tháng.

Theo Sức Khỏe Đời Sống