Ai chịu trách nhiệm khi 2 học sinh bị điện giật tử vong?

"Rõ ràng phía điện lực đã chậm chạp, thiếu trách nhiệm, trì hoãn việc khắc phục sự cố rơi đường dây dẫn đến hậu quả thương tâm", luật sư Trần Đình Dũng nhận định.

Chiều 13/10, do không phát hiện đường dây trung thế ở gần trường bị đứt rơi xuống ngấm nước mưa, 6 em học sinh của trường THCS An Lục Long (Long An) đã bị điện giật. Hậu quả, 2 em tử vong, 4 em khác bị thương đang điều trị tại bệnh viện tỉnh.

Sau sự việc, nhiều phụ huynh tỏ ra bức xúc vì đường dây điện bị đứt rơi nhưng không có ai thông báo cho cơ quan chức năng xử lý, dẫn đến hậu quả thương tâm.

Vậy ai sẽ phải chịu trách nhiệm trong việc 6 em học sinh bị thương vong từ sự cố này?

Ai chịu trách nhiệm khi 2 học sinh bị điện giật tử vong?-1
Xe máy các em bị văng nằm trước cổng trường, cạnh dây điện. Ảnh: Ái Loan.

Trao đổi với Zing.vn, luật sư Trần Đình Dũng (Hội Luật gia Việt Nam) đánh giá, để dây điện đứt rơi xuống đường nhiễm điện, rõ ràng người quản lý điện tại địa phương quá thiếu trách nhiệm. Theo luật sư, cần khởi tố vụ án để làm rõ trách nhiệm những người liên quan.

"Cơ quan điều tra cần nhanh chóng khởi tố điều tra vụ án để xử lý theo Điều 199 về Tội vi phạm các quy định về cung ứng điện của BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung 2017). Trong sự vụ này, rõ ràng phía điện lực đã chậm chạp, thiếu trách nhiệm mà trì hoãn việc khắc phục sự cố rơi đường dây để dẫn đến hậu quả thương tâm", luật sư Dũng nhận định.

Theo quy định tại Điều 199 BLHS 2015, người nào có trách nhiệm mà trì hoãn việc xử lý sự cố điện không có lý do chính đáng gây hậu quả chết người thì có thể bị phạt tiền từ 150 triệu đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm. Trường hợp làm chết 2 người như vụ việc này thì có thể bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.

Đồng quan điểm, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng chuyện dây điện rơi mà không có biện pháp khắc phục kịp thời để xảy ra hậu quả thương vong thì rõ ràng đây là trách nhiệm của bên điện lực. Bởi khi thuê trụ điện, công ty này phải có trách nhiệm kiểm tra sự an toàn, khi nhận thấy sự cố phải khắc phục kịp thời.

"Cá nhân nhân viên, cán bộ được phân công phụ trách, quản lý dây cáp trên tuyến đường truyền điện hoặc thi công tuyến đường này là những người phải bị khởi tố vì đã có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Sau khi điều tra nếu có liên quan đến những người khác thì tiếp tục khởi tố", luật sư Hùng cho biết.

Theo các luật sư, pháp nhân (công ty điện lực) phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự (tính mạng, sức khỏe) cho gia đình các em. Tùy vào kết quả điều tra, những cá nhân được giao phụ trách bảo quản, quan sát, sửa chữa, kiểm soát tuyến đường truyền này có thể chịu thêm trách nhiệm hình sự.


Theo Zing


Học sinh bị điện giật chết ở Long An điện giật tai nạn

Tin tức mới nhất