NSND Thanh Lam bị chỉ trích

Kèm theo đó là hình ảnh diva, NSND Thanh Lam xoạc cẳng, trồng cây chuối trên 2 tay trong bộ áo bà ba xanh lá, quần đen… lan truyền khắp cõi mạng những ngày qua... Như thể đó là một biểu tượng của sự phản cảm. Chất liệu ren của quần áo cũng bị mang ra chê trách.

Điều thú vị là đàn em Orange cũng trồng cây chuối thì chẳng ai để ý. Orange không thực hiện tư thế xoạc chân 180 độ trong khi được dàn vũ công đưa lên cao. Nhưng phải nói rằng Thanh Lam ở tuổi 55 làm được như thế là đáng nể.

Việc áp đặt rằng xoạc chân như vậy là thế này thế khác chẳng qua là kỳ thị phụ nữ và/hoặc kỳ thị người có tuổi mà thôi. Chẳng có quy định cho thấy trong bài hát nào thì không được xoạc chân.

Động tác này trên sân khấu còn thể hiện một cảm xúc, một ý đồ không chỉ của ca sĩ mà cả của biên đạo múa hay đạo diễn. Thanh Lam cho hay: “Khi xoạc chân trên không trung, tôi thấy mình bay trong tác phẩm, tạo cảm xúc đặc biệt".

Ai cho diva xoạc?-1
Xoạc chân từ một vũ đạo bỗng bị nâng cao quan điểm không phù hợp với "văn hóa Cà Mau".

Người cho rằng phong cách biểu diễn của Thanh Lam “không đồng điệu với nét nhạc nhẹ nhàng, thùy mị mà bài hát vốn đòi hỏi” không rõ có lắng nghe tiết mục để thấy bài hát đã được chuyển qua hiphop?! Chẳng lẽ họ cấm con gái miền Tây (được mặc định phải thùy mị, nết na) nhảy hip hop, cũng khỏi múa ballet luôn?

Những mạt sát vô tội vạ dành cho Áo mới Cà Mau của Thanh Lam cũng khiến không ít người bất bình và viết bài phản bác. Nhà báo Thanh Hằng nêu: “Kịch tác gia người Đức Schindler có câu Đôi mắt đàn bà nhìn đàn bà mới soi mói làm sao. Nhưng trong trường hợp này tôi thấy sai toét vì hầu hết người đưa ảnh và bỉ bôi cô ấy là đàn ông”.

Ngoài dấu hiệu kỳ thị giới tính, tuổi tác ra, một số nhận định còn thể hiện rõ yếu tố chia rẽ vùng miền, trầm trọng hóa vấn đề khi đặt câu hỏi ngành văn hóa Cà Mau nghĩ gì, miền Nam nghĩ gì khi nghe Thanh Lam thể hiện ca khúc “thuần Cà Mau”.

Ca sĩ Việt Nam thì hát tiếng Việt dù theo phương ngữ nào cũng là điều hết sức bình thường. Tuy không biết “tiếng Cà Mau” có độ riêng biệt đến mức nào nhưng nghe bài hát tôi thấy thổ ngữ mà Orange (sinh trưởng tại TP.HCM) và Thanh Lam thể hiện không có sự chênh lệch. Tôi còn hơi ngạc nhiên vì đây là lần đầu nghe Thanh Lam hát giọng miền Nam, không nghĩ chị có thể phát âm ngọt được như vậy.

Ai cho diva xoạc?-2
Nhiều người thán phục Thanh Lam ở tuổi ngoài 50 vẫn lăn xả trong những vũ đạo khó.

Không được lòng công chúng

Thanh Lam có vẻ là nghệ sĩ không được lòng một bộ phận khán giả. Đây không phải lần đầu tiên chị bỗng lọt vào tâm bão thị phi. Còn nhớ độ hai thập niên trước chỉ vì chuyên nhắm mắt khi hát mà Lam cũng bị chỉ trích, tạo thành một làn sóng tranh luận trên báo.

Nguyên nhân sâu xa khiến Thanh Lam bị đưa ra mổ xẻ lần này phần nào do phát ngôn gây bức xúc từ 2017. Hồi đó Thanh Lam nói: “Miền Nam có nhiều ca sĩ chẳng học hành gì cả mà vẫn nổi tiếng nhờ truyền thông”.

Một lý do nữa khiến một số người hăng hái chê trách thậm chí xúc phạm nghệ sĩ trên mạng vì thói quen bắt nạt nhân vật nổi tiếng của những người vô danh, đôi khi ẩn danh. Họ cho rằng họ đang ở một vị trí an toàn để muốn nói gì thì nói về ngôi sao - vốn là đối tượng ít muốn va chạm vì ngại ảnh hưởng hình ảnh.

Và tất nhiên nhiều người biết rằng khi nói những điều gây sốc về người nổi tiếng hoặc lan truyền những ý kiến kiểu đó sẽ nhanh chóng tăng lượng theo dõi trên mạng xã hội.

Theo Tiền Phong