Hơn 3.000 bài viết về Lee Sun Kyun
Các cáo buộc liên quan việc Lee Sun Kyun dùng ma túy xuất hiện ngày 20/10. Khởi đầu là tờ Gyeonggi Shinmun đăng tin độc quyền với tiêu đề "Ngôi sao hàng đầu 'L' bị điều tra nội bộ về tội sử dụng ma túy trái phép".
Sau đó, loạt bài báo gọi thẳng tên tài tử Ký Sinh Trùng. Trên cổng thông tin Naver, vào ngày 20/10/2023, có khoảng 300 bài báo liên quan thông tin Lee Sun Kyun dùng ma túy. Tất cả bài viết đều đăng tải “Có thông tin cho rằng cảnh sát đang tiến hành cuộc điều tra nội bộ”, không nêu rõ nguồn tin chính xác.
Bên cạnh những trang tin, 18 tờ báo chính thống (bao gồm 10 tờ báo tổng hợp, 4 tờ kinh tế, 3 đài truyền hình và 1 kênh tin tức) cũng vào cuộc. Thống kê của Big Kinds cho thấy có 50 bài báo đưa tin về Lee Sun Kyun chỉ trong ngày 20/10.
Chuyên gia đặt câu hỏi ngay cả truyền thông chính thống cũng đăng tải tin tức dưới dạng thông tin rò rỉ trong giai đoạn điều tra nội bộ của cảnh sát mà không hề nghi ngờ hay cảm thấy có vấn đề.
Các báo cáo vượt quá giới hạn ngày càng nhiều và trở nên nghiêm trọng. Trong vòng một tuần, khi danh tính người đàn ông tên L được xác nhận là Lee Sun Kyun, số lượng bài viết về “tội ma túy của Lee Sun Kyun” tăng lên đến 3.000.
Ngày 28/10, khi Lee Sun Kyun lần đầu bị triệu tập, có 1.100 bài báo xuất hiện, tạo “cơn lũ thông tin”. Chuyên gia so sánh thông tin về Lee Sun Kyun bị cáo buộc dùng ma túy hấp dẫn hơn cả bê bối của chính trị gia Hàn Quốc.
Nội dung bài viết về Lee Sun Kyun cũng bị cho là có vấn đề. Ngay từ giai đoạn điều tra nội bộ, truyền thông tràn ngập bài viết nhục mạ, suy đoán, giật gân. Khi đài truyền hình KBS tiết lộ và đưa tin nội dung cuộc trò chuyện riêng tư giữa Lee Sun Kyun và nữ quản lý quán bar (người tống tiền nam diễn viên), nhiều tờ báo tiếp tục thông tin vụ việc.
Lee Sun Kyun ba lần thẩm vấn với cảnh sát, có lần đến 19 giờ đồng hồ.
Truyền thông đủ dũng cảm để xin lỗi?
Khi kết quả xét nghiệm ma túy của Lee Sun Kyun cho kết quả âm tính, không cơ quan truyền thông nào đặt câu hỏi về quá trình điều tra của cảnh sát, lý do thông tin điều tra bị rò rỉ khi chưa có bằng chứng. Vấn đề đáng ngại hơn là danh tính người trong cuộc bị tiết lộ.
Theo luật pháp Hàn Quốc, cơ quan điều tra không được tiết lộ tình tiết vụ điều tra nghi phạm theo nguyên tắc suy đoán, đặc biệt cấm tiết lộ vụ án hình sự. Truyền thông biết rõ điều đó khi Hiệp hội Báo chí Hàn Quốc thông qua quy định trên trong Hướng dẫn Thực hành Đạo đức Báo chí.
Trong đó, Điều 3 quy định báo chí Hàn Quốc phải nỗ lực xác nhận tình tiết do cơ quan điều tra như cảnh sát, công tố viên cung cấp. Điều 7 quy định bị can, bị cáo trong vụ án hình sự phải được tôn trọng quyền cá nhân.
Trong vụ của Lee Sun Kyun, truyền thông Hàn Quốc bị chuyên gia cho là buộc tội Lee Sun Kyun, người bị cảnh sát nghi ngờ dùng ma túy nhưng các kết quả đều âm tính.
G-Dragon cũng gặp tình trạng tương tự, sau đó được minh oan qua những lần test nhanh lẫn xét nghiệm chuyên sâu. Đến khi Lee Sun Kyun qua đời, chỉ trích đổ dồn vào cảnh sát vì rò rỉ thông tin cho giới truyền thông.
Trong họp báo ngày 27/12/2023, Kim Hui Jung, Cảnh sát trưởng quận Incheon, đơn vị điều tra và thẩm vấn nam diễn viên, khẳng định quá trình điều tra, triệu tập Lee Sun Kyun đúng quy định, không sai sót. Đáp lại, các trang báo lớn như Hankyoreh, JoongAng Ilbo và Dong-A Ilbo không đồng tình với giải thích của cảnh sát.
Vợ Lee Sun Kyun khóc nấc trong ngày đưa tang tài tử nổi tiếng.
Tờ Hankyoreh đăng bài phản biện, cho rằng người đứng đầu cảnh sát quận Incheon phải có trách nhiệm, không thể nói “không có gì sai” là xong chuyện. JoongAng Ilbo đăng bài xã luận, đề cập chuyện giới cảnh sát không muốn nhận lỗi trong cuộc điều tra dẫn đến thảm kịch. Dong-A Ilbo phân tích việc cơ quan cảnh sát công khai toàn bộ cuộc điều tra nội bộ khiến Lee Sun Kyun bất ổn tâm lý, chọn cách giải quyết tiêu cực.
Sau khi Lee Sun Kyun qua đời, Cựu Tổng thống Moon Jae In chia sẻ ông yêu thích phim của Lee Sun Kyun, cảm giác như mất đi người bạn khi nam diễn viên qua đời. Ông đau lòng khi nam diễn viên chọn cách nghĩ quẩn giữa lúc bị điều tra.
"Tôi chân thành hy vọng đây là cơ hội để suy ngẫm và chúng ta phải tránh xa phương pháp điều tra, cách đưa tin không phù hợp để sự việc đáng buồn và đáng tiếc không bao giờ lặp lại. Đã đến lúc phải chấm dứt tình trạng lan truyền chi tiết liên quan vụ án trên truyền thông khi chưa có cáo buộc hình sự. Điều đó gây tổn hại danh tiếng người khác, khiến họ đưa ra lựa chọn cực đoan", ông Moon Jae In chia sẻ.
Chuyên gia cho rằng một số phương tiện truyền thông chính thống Hàn Quốc chỉ ra thiếu sót của cơ quan điều tra, nhưng đã quá muộn. Điều đáng nói hơn giới truyền thông không thể tự chỉ trích.
Ngay sau khi Lee Sun Kyun qua đời, người Hàn chỉ trích giới truyền thông và cơ quan điều tra cùng chịu trách nhiệm. Nhưng trong vụ việc của Lee Sun Kyun, nhiều người đặt câu hỏi trách nhiệm của ai lớn hơn, giới cảnh sát hay truyền thông?
“Vấn đề lớn nhất với các phương tiện truyền thông là hiếm khi họ nhận lỗi dù trải qua nhiều vụ. Trong số những người phá vỡ cuộc sống riêng tư của Lee Sun Kyun và gắn nam diễn viên với tội danh sử dụng ma túy khi chưa có phán quyết chính thức, ai dũng cảm viết lời xin lỗi”, chuyên gia nêu ý kiến.
Theo Tiền Phong