Được thành lập vào năm 1905 bởi Hans Wilsdorf và Alfred Davis, Rolex đã đi đầu trong đổi mới chế tạo đồng hồ suốt hơn một thế kỷ. Từ việc phát triển đồng hồ đeo tay chống nước đầu tiên đến việc tạo ra dây đeo Oyster, thương hiệu đã có nhiều đóng góp cho ngành công nghiệp chế tác đồng hồ.

Ngày nay, Rolex là một trong những thương hiệu xa xỉ với danh tiếng về chất lượng và kiểu dáng sang trọng. Đây cũng là cái tên đại diện cho giới thượng lưu cùng tệp khách hàng là những người giàu có.

Do đó, sản phẩm của nhà chế tác này cũng bị làm giả không ít. Trong báo cáo hồi tháng 7 của đại lý Watchfinder & Co, tổng cộng hơn một triệu chiếc đồng hồ nhái đang lưu hành ở Anh. Một nửa trong số đó mang nhãn hiệu Rolex.

Con số này cho thấy mức độ "thèm muốn" sản phẩm của thương hiệu do Wilsdorf và Davis sáng lập. Theo Bob's Watches, nhà chế tác Thụy Sĩ này đã sản xuất hơn 1,05 triệu đồng hồ, tạo ra doanh thu hơn 13 tỷ USD (tương đương 315.445 tỷ đồng) vào năm 2022.

Để có được vị thế như ngày nay, thương hiệu đã trải qua gần 120 năm tồn tại và phát triển, với tầm nhìn xa trông rộng của Hans Wilsdorf. "Lịch sử của thương hiệu gắn liền với lịch sử của người sáng lập Hans Wilsdorf" là lời giới thiệu trên trang web của hãng.

Ai là người đứng sau hãng đồng hồ Rolex bị nhái nhiều nhất thế giới?-1Ai là người đứng sau hãng đồng hồ Rolex bị nhái nhiều nhất thế giới?-2
Sinh ra ở Bavaria (Đức) vào năm 1881, Hans Wilsdorf lớn lên trong thời đại mà đồng hồ được thiết kế để gắn vào quần áo hoặc bỏ vào túi (Ảnh: Rolex).


Doanh nhân có tầm nhìn xa trông rộng

Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, Hans Wilsdorf không phải là thợ làm đồng hồ giống như những người sáng lập Breguet, Patek Philippe và Vacheron Constantin. Ông đã học chế tạo đồng hồ và bắt đầu sự nghiệp của mình với công việc chế tạo đồng hồ bỏ túi.

Hans Wilsdorf không đạt tới trình độ thành thạo về kỹ thuật hay chế tạo đồng hồ như những nhà sáng lập khác. Tuy nhiên, ông là doanh nhân có tầm nhìn xa và sự nhạy bén. Điều này khiến thương hiệu đồng hồ của ông trở nên hùng mạnh.

Trong thập kỷ đầu tiên của những năm 1900, đồng hồ bỏ túi rất phổ biến, còn đồng hồ đeo tay bị coi là trò đùa. Nhưng Hans Wilsdorf đã phớt lờ nhiều lời chỉ trích và có ý thức nhạy bén về các xu hướng mới nổi. Ông sớm tin vào tiềm năng của đồng hồ đeo tay, coi sứ mệnh của mình là làm chúng trở nên phổ biến.

Hans Wilsdorf hợp tác với anh rể Alfred James Davis để thành lập công ty Wilsdorf & Davis vào năm 1905. Công ty của họ chuyên xuất khẩu đồng hồ - cả đồng hồ bỏ túi và đồng hồ đeo tay - trên khắp nước Anh.

Ai là người đứng sau hãng đồng hồ Rolex bị nhái nhiều nhất thế giới?-3
Phớt lờ những hoài nghi, Hans Wilsdorf quyết định mạo hiểm và bắt đầu chiến dịch cung cấp đồng hồ thực sự hiện đại, phù hợp với thế kỷ 20 (Ảnh: Rolex).

Trong 3 năm ngắn ngủi, Wilsdorf & Davis đã trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực thương mại đồng hồ ở Anh. Hai nhà sáng lập cho rằng, họ nên nghĩ ra cái tên để đóng dấu lên mặt số của đồng hồ xuất khẩu. Ý tưởng này đi ngược thông lệ của ngành ở thời điểm đó: Phải ghi tên của nhà nhập khẩu trên mặt số và/hoặc bộ máy.

Cây bút của Everest Bands cho biết, điều khiến thương hiệu phát triển được như ngày nay là nhờ sự kế thừa của những phát minh khác biệt vào thời điểm chúng ra mắt, mặc dù chúng không mang tính cách mạng về mặt kỹ thuật, kết hợp với các chiến dịch tiếp thị hoành tráng.


Phá bỏ giới hạn

Một lần nữa, Hans Wilsdorf coi thường các chuẩn mực khi hình dung ra một tương lai khác. Ông đã đăng ký tên "Rolex" làm nhãn hiệu cho Wilsdorf & Davis Ltd vào năm 1908.

Ai là người đứng sau hãng đồng hồ Rolex bị nhái nhiều nhất thế giới?-4
Đồng hồ đeo tay năm 1914 (trái) và chiếc Oyster chống nước đầu tiên năm 1926 (Ảnh: Rolex).

Đến năm 1914, trụ sở chính của Hans Wilsdorf ở London (Anh) có hơn 60 nhân viên trong biên chế. Tuy nhiên vào năm 1915, chính phủ Anh áp thuế hải quan 33,3% đối với đồng hồ. Do đó, Hans Wilsdorf phải chuyển hoạt động xuất khẩu sang các văn phòng ở Bienne, Thụy Sĩ. Đây là nơi ông có mối quan hệ kinh doanh nhiều năm với Hermann Aegler - người sản xuất những bộ máy thô cho đồng hồ.

Năm 1919, ông thành lập văn phòng Rolex Geneva (Thụy Sĩ) với tư cách là chủ sở hữu duy nhất. Nhà máy Bienne đóng vai trò là trung tâm sản xuất bộ máy trong khi văn phòng Geneva là nơi diễn ra hoạt động tiếp thị và thiết kế đồng hồ. Từ đó, trụ sở chính của hãng được đặt tại Thụy Sĩ.

Ai là người đứng sau hãng đồng hồ Rolex bị nhái nhiều nhất thế giới?-5
Rolex Datejust được ra mắt vào năm 1945 (Ảnh: Rolex).

Tầm nhìn của Hans Wilsdorf đối với thương hiệu được thúc đẩy bởi niềm đam mê về độ chính xác và sự đổi mới. Ông đặc biệt tập trung vào việc tạo ra những chiếc đồng hồ có khả năng chống nước, bụi và sốc.

Vào năm 1926, hãng đã giới thiệu vỏ đồng hồ đeo tay chống nước đầu tiên trên thế giới - Oyster. Đây là sự đổi mới lớn trong ngành công nghiệp và đưa thương hiệu trở thành công ty dẫn đầu về công nghệ chế tạo đồng hồ.

5 năm sau, Hans Wilsdorf tiếp tục ghi dấu lịch sử khi tạo ra đồng hồ đeo tay tự lên dây cót - Oyster Perpetual.

Sự kết hợp giữa vỏ chống nước và chống bụi, cùng bộ chuyển động tự động đã đảm bảo vị trí của Hans Wilsdorf trong ngành những tiến bộ chế tạo đồng hồ tuyệt vời.


Thiên tài tiếp thị

Nhà sáng lập SN 1881 cũng là thiên tài tiếp thị. Ông hiểu tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu và quảng cáo. Vì vậy, Hans Wilsdorf đã phát triển một số chiến dịch tiếp thị sáng tạo, bao gồm tài trợ cho các chuyến thám hiểm và sự kiện thể thao.

Ông cũng sử dụng những người nổi tiếng, nhà thám hiểm để quảng cáo cho sản phẩm. Điều này giúp thương hiệu xây dựng hình ảnh gắn liền với sự phiêu lưu, khám phá và thành tựu.

Năm 1927, Hans Wilsdorf tìm cách làm cho chiếc đồng hồ của mình được cả thế giới biết đến. Doanh nhân này đã trang bị cho Mercedes Gleitze chiếc Oyster để chứng minh khả năng chống nước đặc biệt. Thời điểm đó, nữ vận động viên đang cố gắng bơi qua eo biển Anh.

Nỗ lực lập kỷ lục của Gleitze đã thất bại vì điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Sau 15 giờ 15 phút ngâm mình trong làn nước băng giá, cô được đưa trở lại bờ biển trên một con tàu. Tuy nhiên, chiếc đồng hồ của cô vẫn hoàn toàn nguyên vẹn.
 

Ai là người đứng sau hãng đồng hồ Rolex bị nhái nhiều nhất thế giới?-6
Hành trình bơi của Mercedes Gleitze kéo dài hơn 10 tiếng và chiếc Oyster trên tay cô vẫn hoạt động hoàn hảo khi kết thúc (Ảnh: Rolex).

Để ăn mừng thành công, hãng đã đăng một quảng cáo trên trang nhất của Daily Mail, khiến sáng tạo này trở nên nổi tiếng toàn cầu. Mercedes Gleitze cũng trở thành đại sứ thương hiệu đầu tiên cho thương hiệu đồng hồ xa xỉ.

Hay khi các phi công lần đầu tiên bay qua đỉnh Everest vào năm 1933, phi hành đoàn được trang bị đồng hồ Rolex. Điều này cũng chứng tỏ tính hiệu quả của chúng trên không.

Kể từ khi vợ Florence Crotty qua đời vào năm 1945, ông đã chuyển giao trách nhiệm về công việc cho quỹ Hans Wilsdorf. Từ đó trở đi, thương hiệu thuộc sở hữu của quỹ từ thiện. Hans Wilsdorf qua đời ở tuổi 79 tại Geneva, Thụy Sĩ.

Dưới sự lãnh đạo của "cha đẻ" người Đức gốc Anh, nhà chế tác này đã phát triển thành một trong những thương hiệu đồng hồ thành công và được kính trọng, "thèm muốn" nhất thế giới. Cam kết của ông về chất lượng, độ chính xác cũng như sự đổi mới đã giúp định hình lịch sử hãng.

Oyster Perpetual, Datejust, Day-Date, Submariner, GMT-Master hay Explorer - số lượng lớn các mẫu đồng hồ dưới thời Hans Wilsdorf đã trở thành biểu tượng của thế giới đồng hồ. Di sản của ông tiếp tục ảnh hưởng và thúc đẩy thương hiệu theo đuổi việc tạo ra sản phẩm tốt, đáng mơ ước nhất thế giới.

Theo Dân trí