Ai phải chịu trách nhiệm về những dấu hiệu sai phạm của nhà xe Thành Bưởi?

Xe khách trá hình dưới dạng hợp đồng, phóng nhanh, vượt ẩu gây tai nạn giao thông không hiếm. Vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do tài xế nhà xe Thành Bưởi gây ra khiến hàng loạt dấu hiệu vi phạm “vỡ lở”.

Tai nạn thảm khốc xảy ra vào 2h30 ngày 30/9, do tài xế xe Thành Bưởi gây ra làm chết 5 người và nhiều người bị thương, với những dấu hiệu vi phạm được công bố làm dấy lên lo ngại về dịch vụ vận chuyển hành khách bằng ô tô. 

Vụ việc càng trở nên nghiêm trọng khi đoàn kiểm tra do Sở GTVT TP.HCM chủ trì thực hiện trong tuần qua đã phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm đối với Công ty TNHH Thành Bưởi.

Trong đó, nhà xe này không vào bến để đón, trả khách mà thường xuyên thực hiện việc này tại văn phòng công ty. Việc chở khách được công ty này "trá hình" thành xe hợp đồng, xe du lịch để không phải vào bến. Nhiều trường hợp lái xe vi phạm thời gian lái xe liên tục (quá 4 giờ). Thời gian lái xe làm việc trong ngày quá 10 giờ so với quy định, có trường hợp vi phạm vượt quá tốc độ 5 lần/tháng trên cùng một xe. 

Ai phải chịu trách nhiệm về những dấu hiệu sai phạm của nhà xe Thành Bưởi?-1
Vụ tai nạn nghiêm trọng do tài xế xe khách Thành Bưởi gây ra ở Đồng Nai hôm 30/9.

Đáng lưu ý, dù những dấu hiệu sai phạm này mới được Sở GTVT chỉ ra nhưng theo báo chí phản ánh thì những vấn đề này đã diễn ra trong thời gian dài, thậm chí nhà xe còn tổ chức "xe dù, bến cóc" ngay cạnh trụ sở Thanh tra giao thông và ở nhiều nơi khác…

Cụ thể, nhà xe này đã lập nhiều bến trong đó có bến công khai, bến "trá hình", bến có quyết định nhưng cũng có bến không có quyết định. Đơn cử như bến ở TP Đà Lạt hoạt động công khai mặc dù không đủ diện tích để bố trí làm một bến xe. Hay như nhà xe lập bến ở 66-68 Lê Hồng Phong (TP.HCM), nhưng lại trung chuyển khách ra 48C đường song hành xa lộ Hà Nội. 

Nhà xe đăng ký chỉ một tuyến duy nhất đi Cần Thơ, các tuyến còn lại, đặc biệt tuyến TP.HCM - Đà Lạt mỗi ngày chạy hàng trăm chuyến cố định nhưng được “trá hình” dưới dạng xe hợp đồng, xe du lịch. 

Thực trạng này tồn tại trong nhiều năm qua. Thậm chí ngay cả khi đang bị thanh, kiểm tra thì nhà xe vẫn tiếp tục đón trả khách như trước đây.

Cần lưu ý, trong top những nhà xe lớn ở TP.HCM, Thành Bưởi được đánh giá có số xe đứng đầu bảng. Trên website công ty này công bố sở hữu gần 300 xe các loại bao gồm: Xe du lịch, xe khách và xe tải được nhập khẩu nguyên chiếc từ Hàn Quốc, Nhật Bản.  

Đối với tuyến TP.HCM- Đà Lạt, công ty thông báo công khai 30 phút sẽ có một chuyến xe hợp đồng, giá vé dao động từ 290.000 - 400.000 đồng tùy thuộc vào từng loại xe, loại giường.

Câu chuyện xe chở khách tuyến cố định "trá hình" hợp đồng, phóng nhanh, vượt ẩu gây tai nạn giao thông đã được nhắc đến nhiều, nhưng vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do tài xế nhà xe Thành Bưởi gây ra là một trường hợp điển hình để thẳng thắn nhìn vào những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý.

Đúng như nhìn nhận của ông Trần Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đánh giá “công tác quản lý Nhà nước ở địa phương còn hạn chế”.

Rõ ràng, địa phương cụ thể ở đây là Sở GTVT TP.HCM, TP Đà Lạt đã buông lỏng trong công tác quản lý, buông lỏng công tác thanh tra kiểm tra hàng năm. Các cơ quan chuyên môn này đã không thường xuyên rà soát thông tin ghi nhận trên hệ thống dữ liệu giám sát hành trình để chấn chỉnh, xử lý kịp thời thông qua hình thức thu hồi phù hiệu, xử lý với xe vi phạm tốc độ.

Ngoài ra còn trách nhiệm của UBND các địa phương liên quan đến công tác quản lý, cấp phép hoạt động các bến xe. Và còn lực lượng công an giao thông. Vì sao lái xe bị thu giữ bằng lái nhiều tháng trời vẫn dễ dàng “lọt” qua các chốt cắm trên hơn 300km TP.HCM- Đà Lạt?.

Sự thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương, cơ quan chuyên môn đã để nhà xe “có dấu hiệu” sai phạm diễn ra trong thời gian dài, đỉnh điểm gây tai nạn chết người thì sự việc mới vỡ lở là bài học đắt giá. 

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông 9 tháng năm 2023 diễn ra mới đây, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu các đơn vị chức năng nhanh chóng sửa đổi quy định để quản lý hoạt động xe kinh doanh vận tải một cách hiệu quả hơn.

Theo quy định hiện nay, xe vi phạm tốc độ quá 5 lần/tháng mới chỉ dừng ở việc thu hồi phù hiệu và rất nhanh sau đó có thể được cấp lại. 

Bộ trưởng GTVT cho rằng, phải có những chế tài mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn từ việc thu hồi giấy phép xe vi phạm cho đến chấm dứt, cấm vĩnh viễn nhà xe kinh doanh trong lĩnh vực này.

Để không có một Thành Bưởi thứ 2, đã đến lúc các cơ quan hữu quan cần ra quân tổng kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trên toàn quốc, công khai những nhà xe vi phạm từ đó có những chấn chỉnh, xử lý kịp thời. 

Song song với đó, cần khẩn trương hoàn thiện các phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô để phục vụ tốt hơn cho công tác giám sát trực tuyến thay vì hậu kiểm như hiện nay.  Mục đích, nhằm cảnh báo trực tiếp tới doanh nghiệp, đặc biệt là gửi trực tiếp các thông tin xe vi phạm đến lực lượng cảnh sát giao thông để ngăn chặn các hành vi vi phạm của tài xế. 

Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/ai-phai-chiu-trach-nhiem-ve-nhung-dau-hieu-sai-pham-cua-nha-xe-thanh-buoi-2207659.html?fbclid=IwAR1bK3a9O68UDZKuvjxn-zf7g3PWIzv4VNgOs6ggpdQBUWrLd_L1f6gWdUo

tai nạn giao thông

Tin tức mới nhất