Ai sẽ phải chịu trách nhiệm vụ sập nhà 3 tầng ở phố Cửa Bắc, Hà Nội?

Theo thông tin ban đầu, ngôi nhà 30m2, 3 tầng nói trên được xây dựng đã lâu, hầu như không có móng. Nhà liền kề đang sửa chữa, đào móng có khả năng gây ảnh hưởng đã khiến nhà hàng xóm đột ngột đổ sập.

Rạng sáng 4/8, căn nhà 3 tầng ở số 43 phố Cửa Bắc đổ sập, khiến 9 người mắc kẹt và bị thương. 2 nạn nhân đã tử vong và 3 nạn nhân khác bị thương nặng.
 
Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Luật sư Trương Quốc Hòe (trưởng VP Luật sư Interla – Đoàn Luật sư Hà Nội) để làm làm rõ trách nhiệm của chủ nhân căn nhà số 41 Cửa Bắc đang sửa chữa, việc xây sửa căn nhà này được cho là nguyên nhân gây ra vụ sập nhà số 43. Chủ căn nhà bên cạnh có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Nếu cơ quan chức năng xác định được nguyên nhân do nhà đang sửa chữa gây nên, chủ nhân căn nhà đang xây dựng sẽ bị xử lý về những hành vi vi phạm nào?
 
sập nhà
Vụ sập nhà khiến nhiều người bị vùi dưới đống đổ nát
 
PV: Thưa luật sư trong trường hợp này, chủ nhân căn nhà đang sửa chữa cạnh nhà số 43 có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
 
Luật sư Trương Quốc Hòe: Với những thông tin được cơ quan truyền thông đăng gần đây thì chúng ta chưa thể khẳng định được chủ nhân căn nhà đang sửa chữa có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không.
 
Để khẳng định chủ nhân căn nhà có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không thì các cơ quan chức năng phải điều tra, xác minh rõ nội dung của vụ việc. Nguyên nhân dẫn đến việc ngôi nhà sập đổ là do đâu.
 
Tại Điều 229 Bộ luật hình sự cũng đã quy định về tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, cụ thể:
 
“Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 220 của Bộ luật này gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm".
 
sập nhà
Một số người dân cho hay, lúc xảy ra sự việc, tài xế chiếc xe ủi đang xúc đất và anh này kịp chạy thoát
 
Căn cứ vào quy định trên đây, thì để kết luận chủ sở hữu căn nhà cạnh nhà 43 có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không, thì phải có đủ căn cứ chứng minh đủ các yếu tố cấu thành tội phạm tại Điều 229 BLHS năm 1999 sd – bs năm 2009.
 
PV: Trong trường hợp xác định căn nhà 43 sập đổ do lỗi của nhà bên cạnh đang thi công thì chủ sở hữu căn nhà đang thi công có phải bồi thường thiệt hại không?
 
Luật sư Trương Quốc Hòe: Căn cứ theo Điều 15 Nghị định 180/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị quy định về việc xử lý công trình xây dựng ảnh hưởng đến chất lượng công trình lân cận như sau:
 
1. Trường hợp công trình xây dựng gây lún, nứt, thấm, dột hoặc có nguy cơ làm sụp đổ các công trình lân cận thì phải ngừng thi công xây dựng để thực hiện bồi thường thiệt hại:
 
a) Việc bồi thường thiệt hại do chủ đầu tư và bên bị thiệt hại tự thỏa thuận; Trường hợp các bên không thỏa thuận được thì bên thiệt hại có quyền khởi kiện đòi bồi thường tại tòa án.
 
b) Công trình chỉ được phép tiếp tục thi công xây dựng khi các bên đạt được thỏa thuận việc bồi thường thiệt hại.
 
sập nhà
Hàng nghìn người thuộc các lực lượng tham gia cứu hộ cứu nạn
 
2. Trường hợp chủ đầu tư, nhà thầu thi công không thực hiện các quy định tại khoản 1, khoản 2 điều này phải bị đình chỉ thi công xây dựng, đồng thời, áp dụng biện pháp quy định tại điểm b, khoản 1, điều 12 Nghị định này cho đến khi chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng hoàn thành việc khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại.
 
Thêm vào đó, tại Điều 627 – Bộ luật Dân sự 2005 quy định việc bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra như sau:
 
Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại, nếu để nhà cửa, công trình xây dựng khác đó bị sụp đổ, hư hỏng, sụt lở gây thiệt hại cho người khác, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng”
 
Căn cứ vào hai quy định nêu trên, nếu nhà kế bên trong quá trình thi công, xây dựng công trình xây dựng gây ảnh hưởng đến việc nhà 43 sập đổ thì nhà kế bên phải ngừng việc thi công và có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với sự cố do công trình của mình gây ra.
 
Về mức độ bồi thường thiệt hại: Do hai bên thỏa thuận, căn cứ theo quy định của pháp luật và thiệt hại thực tế xảy ra, cụ thể gồm: mức thiệt hại thực tế đối với nhà số 43 bị sập đổ và các chi phí khác có liên quan. Hai bên có thể tự xác định mức thiệt hại của công trình liền kề nếu không tự xác định được mức độ thiệt hại thì một trong hai bên có thể thuê cơ quan định giá để xác định mức thiệt hại cụ thể để làm căn cứ bồi thường.
 
Chỉ có giấy phép sửa chữa
 
Một nguồn tin cho hay, khi sự việc xảy ra, chủ công trình bên cạnh ngôi nhà sụp đổ mới trình ra Giấy phép sửa chữa, khôi phục lại nhà cũ do Phòng quản lí đô thị quận Ba Đình cấp, chứ không có giấy phép xây dựng mới.

Theo Trí Thức Trẻ

Tin tức mới nhất