10. Alive Through The Looking Glass (Alice ở xứ sở trong gương): Dù không quá tệ, Alice phiên bản tiếp nối vẫn bị giới phê bình đánh giá thấp vì gần như lặp lại câu chuyện phiêu lưu của cô gái Alice trong xứ sở thần tiên. Bên cạnh đó, dàn diễn viên của phiên bản cũ như Mia Wasikowska vai Alice, Johnny Depp vai Mũ điên, Anne Hathaway vai Nữ hoàng trắng và Helena Bonham Carter vai Nữ hoàng đỏ với nét tính cách và logic hành động không khác trước cũng khiến khán giả chán ngán.
9. God’s Not Dead 2 (Chúa không chết 2): Lấy ý tưởng từ một trong những đề tài nhạy cảm nhất, God’s Not Dead lại không tạo được hiệu ứng tích cực. Bộ phim không mang lại gì ngoài việc truyền tải tính bất khả xâm phạm về quyền được bày tỏ đức tin và thực hành đức tin của mỗi người. Việc tạo dựng tình huống cho thấy một giáo viên trung học gặp rắc rối lớn chỉ vì câu trả lời trên lớp cũng khá khiên cưỡng và mang tính áp đặt.
8. Fifty Shades of Black (Năm mươi sắc tối): Danh hài Marlon Wayans vốn nổi tiếng với các tác phẩm giễu nhại nhiều sản phẩm điện ảnh. Tuy nhiên, với Fifty Shades of Black, anh đã đi quá giới hạn. Bộ phim như mớ hỗn độn của nhiều thể loại, nhưng không thể loại nào được làm trọn vẹn. Nó không phải dạng tình cảm, cũng không tràn ngập cảnh nóng hay mang đến tiếng cười sâu cay.
7. Dirty Grandpa (Tay chơi không tuổi): Robert De Niro là nam diễn viên lừng danh từng đoạt giải Oscar, người từng được xem là hình mẫu điển hình trong nghệ thuật diễn xuất tại các sân chơi kịch nghệ. Song ông đã tự hạ thấp giá trị bản thân khi tạo nên bộ phim “mì ăn liền” mang tên Dirty Grandpa do ông thủ vai chính. Bộ phim vừa truyền tải thông điệp không tích cực, vừa phản ánh sai thực tế, và không có chi tiết nào buồn cười dù mang mác phim hài.
6. The Do-Over (Cao thủ trở lại): Dù được gắn mác phim hài với cốt truyện đơn giản, The Do-Over vẫn bị nhiều người chê bai vì có nhiều lỗ hổng và thiếu logic. Như nhiều tác phẩm khác có mặt tài tử Adam Sandler, phim có nội dung khá thô bạo, song lại thiếu trưởng thành và đôi khi “làm quá”.
5. Gods of Egypt (Các vị thần Ai Cập): Thậm chí nếu không có hiện tượng “tẩy trắng” dàn diễn viên chính, Gods of Egypt vẫn là thất bại lớn của các nhà làm phim. Bộ phim bị giới phê bình cho là đồ “thùng rỗng kêu to”, khi cố che đậy sự ngớ ngẩn trong nội dung bằng bề ngoài hào nhoáng. Tác phẩm bị chê thậm tệ từ kịch bản, thiết kế, hiệu ứng, chỉ đạo sản xuất.
4. Nine Lives (Bố tôi là mèo): Sau quãng thời gian nghỉ ngơi, đạo diễn Barry Sonnenfeld đã trở lại với tác phẩm Men in Black 3 và thành công rực rỡ. Những tưởng ông sẽ kéo dài chuỗi thắng lợi ngay sau đó, song Nine Lives lại là sản phẩm đáng thất vọng. Người xem không đủ kiên nhẫn để xem cuộc sống của một ông bố bận rộn, lơ là gia đình, dẫu ông bố ấy có ở dưới lốt của một con mèo.
3. Suicide Squad (Biệt đội cảm tử): Suicide Squad có lẽ là bộ phim gây thất vọng nhất năm 2016. Trước khi được chính thức công chiếu, nó từng tạo nên cơn sốt toàn cầu với hàng loạt trailer hoành tráng và hình ảnh quảng cáo bắt mắt. Bộ phim trở thành một trong những trải nghiệm đau thương nhất với các tín đồ điện ảnh, khi tập trung quá nhiều vào lý lịch của từng nhân vật, còn cốt truyện bị loãng.
2. Boo! A Madea Halloween: Là phần tiếp theo thuộc series Mada về những chiêu trò chế nhạo các bộ phim kinh dị mùa Halloween, Boo! A Made Halloween bị giới chuyên môn đánh giá là nhảm nhí và không đáng xem. Bộ phim nằm giữa ranh giới của phim hài và kinh dị, song không mang lại tiếng cười nào cho khán giả, cũng không đủ sức khiến họ giật mình hoảng sợ.
1. Mother’s Day (Ngày của mẹ): Mother’s Day là hiện tượng điện ảnh rất đặc biệt trong năm 2016. Không phi logic hay tồn tại nhiều lỗ hổng, bộ phim lại khiến người xem băn khoăn tự hỏi về thể loại và nội dung truyền tải. Phim không đủ nhẹ nhàng và vui vẻ để là tác phẩm hài lãng mạn, cũng không khai thác sâu về bất cứ mối quan hệ nào để được gắn mác tâm lý, xã hội.
Theo Zing