Ngày Tết là ngày đại gia đình đoàn viên, anh em xa quê về quây quần bên bố mẹ. Vậy mà mấy năm nay, năm nào vợ chồng tôi cũng lục đục về chuyện về quê ăn Tết.

Tôi đi làm ở Hà Nội, xa quê gần 400km nên mỗi năm chỉ về được 1-2 lần. Tết đương nhiên là dịp quan trọng để tôi về thăm nhà. Song từ ngày vợ nghỉ việc cùng bạn mở công ty riêng, mỗi dịp Tết đến, cô ấy luôn tìm cách để không về nhà chồng.

Ám ảnh ăn Tết ở quê chồng, vợ tôi muốn đưa giúp việc về cùng-1
Vợ tôi luôn ái ngại mỗi lần về quê ăn Tết (Ảnh minh họa: Sohu).

Vợ chồng tôi sinh được 3 cháu, công việc của cả hai đều bận rộn nên phải thuê giúp việc. Trải qua nhiều lần thay đổi, chúng tôi cũng thuê được một người giúp việc ưng ý. Cô gần 60 tuổi, nấu ăn khá và đặc biệt rất biết cách chăm trẻ nhỏ.

Công việc của vợ bận rộn nên tôi cũng thông cảm. Dẫu vậy, tôi vẫn muốn cô ấy bớt chút thời gian để thể hiện vai trò của người phụ nữ trong nhà như thi thoảng vào bếp nấu vài món ngon cho chồng con, kèm con học bài, đọc cho con nghe câu chuyện trước khi đi ngủ hay đi dự các buổi văn nghệ các con tham gia trình diễn…

Nhưng vợ tuyệt nhiên không. Mọi việc nhà, cơm nước, tắm giặt cho lũ nhỏ đều là giúp việc phụ trách, còn chăm con ra sao, họp phụ huynh, đưa con đi picnic… đều do tôi đảm nhận.

Nhiều lúc tôi nghĩ, ngôi nhà như thể của tôi và cô giúp việc. Vợ đi suốt ngày, tối về ăn cơm xong là ôm điện thoại xử lý nốt công việc hoặc giải trí sau đó lên giường đi ngủ.

Khi tôi nói chuyện mong muốn vợ san sẻ việc dạy con thì cô ấy kêu mệt và không đủ kiên nhẫn. Hôm sau, vợ tôi thuê luôn 2 sinh viên sư phạm đến kèm 2 con lớn học bài.

Vì chẳng bao giờ đụng chân đụng tay vào việc gì trong nhà nên mỗi lần cả nhà về quê, vợ tôi đều cảm thấy vô cùng ái ngại. Tôi biết vợ yếu về khoản nữ công gia chánh nên cũng không yêu cầu gì quá đáng.

Mỗi lần về quê, tôi đều bảo cô giúp việc mua nhiều đồ ăn sẵn về, đặt cỗ nếu muốn mời họ hàng tới ăn cơm. Tuy nhiên, đôi khi để cả nhà có không khí đón Tết hay tổ chức các bữa liên hoan, mấy anh em tôi cũng tự nấu cỗ.

Mỗi người một chân một tay cùng nhau làm việc cũng vui. Vợ tôi chỉ cần ngồi nhặt rau, bóc hành thôi cũng được, nhưng cô ấy luôn tìm cách lảng tránh.

Tôi hiểu với đôi tay được úp móng giả và sơn màu cẩn thận, vợ chẳng muốn đụng vào việc gì. Có lần tôi bảo vợ đừng làm móng tay cầu kỳ và dài quá để về quê tiện làm việc nọ việc kia thì cô ấy nói tôi cổ hủ, không tôn trọng sở thích của vợ.

Tôi phải thừa nhận là vợ làm kinh tế tốt, khéo ngoại giao. Song sống ở thành phố, mạnh về kinh tế nên việc gì vợ cũng thuê.

Tôi nghĩ mỗi lần về quê chỉ có mấy ngày, tôi muốn vợ chịu khó một chút để họ hàng, bố mẹ trông vào đỡ khó coi. Nhưng cô ấy luôn than khó.

Có lần vợ nói về quê với cô ấy là "nỗi ám ảnh", đặc biệt là dịp Tết. Năm nào cô ấy cũng đề xuất phương án ăn Tết ở Hà Nội hoặc chia đôi mỗi người một bên nội ngoại, có lúc lại nói chỉ nên về quê hai ba hôm rồi ra sớm.

Năm nay, vợ tôi đưa ra đề xuất sẽ đưa giúp việc về quê ăn Tết. Vợ trả lương cao 1 triệu đồng/1 ngày. Cô giúp việc vì ngại với tôi nên chưa nhận lời nhưng tôi nghĩ cô ấy cũng muốn làm vì tiền công 5 ngày về quê ăn Tết cùng gia đình tôi cao gần bằng tháng một tháng lương của cô ấy.

Tôi khá sốc khi vợ đưa ra đề xuất ấy. Tết là dịp đoàn viên gia đình, bố mẹ tôi đương nhiên không muốn đưa người lạ về nhà. Hơn nữa, nếu vợ đưa giúp việc về sẽ trở thành chủ đề bàn tán của làng trên, xóm dưới.

Tôi kể câu chuyện của gia đình mình không có ý nói xấu vợ mà chỉ mong tìm được sự chia sẻ để làm sao dung hòa được người vợ "cuồng công việc".

Công việc của tôi thu nhập cũng tốt, tôi không ép buộc cô ấy kiếm tiền bằng mọi giá. Điều tôi mong muốn là cô ấy có thể cân đối được công việc và dành chút thời gian cho nội trợ, làm dâu.

Theo Dân Trí